Chư Sê chủ động phòng-chống hạn cho cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai đang bước vào mùa khô, nguy cơ xảy ra hạn hán là rất lớn. Vì vậy, ngành chức năng huyện Chư Sê đã chủ động triển khai các giải pháp phòng-chống hạn ngay từ đầu mùa khô.

Theo thống kê, vụ Đông Xuân 2019-2020, nắng hạn kéo dài gây thiệt hại hơn 580 ha lúa nước của người dân huyện Chư Sê. Trong đó, hơn 367 ha bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng; gần 177 ha thiệt hại 50-70%; gần 37 ha thiệt hại 30-50%. Ước tổng thiệt hại do hạn hán gây ra lên đến hơn 11,3 tỷ đồng.

 Một số địa phương trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng thiếu nước nước cho các loại cây công nghiệp dài ngày. Ảnh:
Một số địa phương trên địa bàn huyện Chư Sê đã xuất hiện tình trạng thiếu nước tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày. Ảnh: Quang Tấn


Để khắc phục tình trạng thiếu nước vào cuối vụ như năm trước, vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông Rơ Mah Thuyt (làng Greo Sek, xã Dun) đã chủ động gieo sạ sớm hơn nửa tháng. Ông cho biết: “Hiện 4 sào lúa của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Mình đã tiến hành làm cỏ và bón phân đợt 2. Hy vọng, vụ Đông Xuân này không xảy ra hạn nữa để gia đình thu được nhiều lúa”.

Hơn 1 ha cà phê của bà Hoàng Thị Thu (thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê) những năm gần đây thường xuyên bị thiếu nước tưới dẫn đến năng suất giảm đáng kể. “Những năm gần đây, nắng hạn thường xuyên xảy ra dẫn đến vườn cà phê của gia đình không đủ nước tưới. Năm nay, tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới”-bà Thu cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện gieo trồng được 2.005 ha, trong đó có 1.605 ha lúa nước, 350 ha rau các loại và 50 ha cây hàng năm khác. Qua kiểm tra cho thấy, các công trình thủy lợi trên địa bàn đáp ứng tưới được khoảng 70-80% diện tích lúa vụ Đông Xuân. Hiện các xã như Chư Pơng, Ia Blang, Bờ Ngoong, Bar Măih, xã Dun, thị trấn Chư Sê và một số vùng đã bắt đầu khó khăn về nước tưới cho cây công nghiệp. Dự kiến thời gian tới, nguồn nước tưới sẽ tiếp tục khan hiếm.

Để chủ động ứng phó với hạn hán, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy… Đồng thời, Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê-Chư Pưh và UBND các xã, thị trấn triển khai tích nước các hồ đập hợp lý, đảm bảo an toàn công trình; lập kế hoạch điều tiết nước cụ thể, tưới luân phiên cho cây trồng; thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước các công trình thủy lợi để điều tiết nước phù hợp theo phương án, kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân.

Dự báo vụ Đông Xuân năm nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Chư Sê chỉ đáp ứng được khoảng 70-80% diện tích lúa nước. Ảnh: Quang Tấn
Dự báo vụ Đông Xuân năm nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Chư Sê chỉ đáp ứng tưới được khoảng 70-80% diện tích lúa nước. Ảnh: Quang Tấn


“Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng theo dõi, bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy lợi để bố trí lấy nước cho phù hợp, điều hòa lượng nước bơm tưới giữa cây cà phê và cây lúa, không để xảy ra việc tranh chấp điện, nước phục vụ sản xuất trong Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cũng như chuẩn bị sẵn sàng về máy móc, nhiên liệu, phương tiện cần thiết để nếu xảy ra hạn thì tiến hành bơm, tát nước ở những nơi còn nguồn nước.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích lúa thường xuyên xảy ra hạn sang trồng các loại cây ngắn ngày cần ít nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế như: rau, đậu các loại, bắp sinh khối, bí xanh, bí đỏ…”-ông Nguyễn Văn Hợp thông tin.  


Huyện Chư Sê hiện có 56 công trình thủy lợi với năng lực tưới cho khoảng 4.655 ha cây trồng. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai quản lý 7 công trình; Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai quản lý 1 công trình; UBND các xã, thị trấn quản lý 48 công trình.
 

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.