Chư Đang Ya rộn ràng vào hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu mùa khô, từng vạt hoa dã quỳ lại ánh lên màu vàng rực rỡ nơi ngọn núi lửa huyền thoại Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 10 đến 12-11) một lần nữa tôn vinh vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên, đồng thời mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người dân địa phương.

Tôn vinh Chư Đang Ya

Ngay từ khi bắt tay chuẩn bị cho lễ hội, điều Ban tổ chức lo lắng nhất chính là liệu hoa dã quỳ có nở rộ đúng dịp du khách đổ về thưởng ngoạn hay không. Đã không ít lần “người tính không bằng trời tính”, lễ hội diễn ra khi hoa dã quỳ đã úa tàn bởi tác động của thời tiết. Hoặc như năm 2022, trời bỗng đổ cơn mưa tầm tã suốt nhiều giờ khiến nhiều du khách bày tỏ sự thất vọng bởi không được trải nghiệm, chiêm ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên.

Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, những ngày diễn ra lễ hội cũng chính là thời điểm những con đường trải dài dưới chân núi đến quanh các thửa ruộng trên sườn núi đều được phủ một màu vàng rực rỡ. Tiết trời mát mẻ đã giúp du khách thêm một lần thoải mái ngắm hoa cũng như tham gia vào các hoạt động trải nghiệm tại lễ hội.

Các đội cồng chiêng luân phiên trình diễn cho du khách ở sân nhà rông làng Ia Gri. Ảnh: Văn Ngọc

Các đội cồng chiêng luân phiên trình diễn cho du khách ở sân nhà rông làng Ia Gri. Ảnh: Văn Ngọc

Năm nay, để đảm bảo an toàn giao thông, Ban tổ chức cấm toàn bộ phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô đi vào đường hoa dưới chân núi Chư Đang Ya. Sau khi gửi xe, du khách có thể đi bộ để ngắm hoa hoặc lựa chọn dịch vụ xe ôm vận chuyển dọc theo tuyến đường với giá 10 ngàn đồng/lượt. Cách làm này đã khắc phục tình trạng chen lấn, tắc nghẽn tại các con đường được xem là đẹp nhất trong mùa hoa này.

Cùng với đó, để tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho người chinh phục đỉnh Chư Đang Ya, Ban tổ chức không sử dụng xe máy để chở khách lên đỉnh núi. Du khách có nhu cầu vẫn có thể thoải mái thử thách bản thân khi leo lên điểm cao của Chư Đang Ya để ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng xung quanh.

Đến Chư Đang Ya, hầu hết du khách đều bày tỏ sự thích thú trước cảnh quan hùng vĩ cũng như vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của loài hoa dại trên vết tích ngọn núi lửa nguội tắt từ triệu năm trước. Nhiều người xúng xính áo quần, nhanh tay mua những vòng hoa nhỏ và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng của mùa hoa qua các bức hình check-in.

Chị Nguyễn Thu Hoài-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-bày tỏ: “Tôi đọc được không ít từ ngữ miêu tả mỹ miều về ngọn núi này qua internet nên quyết tâm đến tham quan, trải nghiệm. Và thực sự, tôi đã bị vẻ đẹp của ngọn núi mê hoặc. Đây không chỉ là vẻ đẹp của tự nhiên mà còn là thành quả từ bàn tay lao động của bà con nông dân nơi này. Đặc biệt, khi lên đến đỉnh núi phóng tầm mắt về phía xa, trước mắt tôi là một khung cảnh tuyệt vời mà hiếm nơi nào có được”.

Phần thi chạy cà kheo tại Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya tạo ấn tượng sâu đậm với du khách. Ảnh: L.V.N

Phần thi chạy cà kheo tại Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya tạo ấn tượng sâu đậm với du khách. Ảnh: L.V.N

Không thể thiếu ở lễ hội đó là các gian hàng giới thiệu đặc sản địa phương. Các sản phẩm được người nông dân canh tác từ núi lửa Chư Đang Ya được nhiều người ưa chuộng như: miến dong riềng, bột dong riềng, khoai lang, lá mì… với tâm lý muốn thưởng thức sản vật mang lại từ ngọn núi kỳ vĩ.

Đậm đà bản sắc

Đến Chư Đang Ya dịp này, du khách còn trải nghiệm thực tế, hòa mình vào các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người dân địa phương. Trong đó, sôi động hơn cả là màn trình diễn cồng chiêng của nghệ nhân buôn làng. Các đội cồng chiêng luân phiên trình diễn những gì hay nhất, đẹp nhất phục vụ du khách thập phương.

Nghệ nhân Siu Lem (làng Kó, xã Chư Đang Ya) hồ hởi: “Chúng tôi đã tập luyện gần 1 tháng nay để biểu diễn ở ngày hội này. Hôm nay rất vui vì có đông bà con ở nơi khác đến xem. Người dân Chư Đang Ya luôn sẵn sàng chào đón mọi người đến núi lửa ngắm hoa dã quỳ và thưởng thức các đặc sản của dân làng”.

Trước sự cởi mở, thân thiện của các nghệ nhân, du khách tự nhiên mở lòng hòa mình vào những điệu múa xoang, làn điệu dân ca của những thiếu nữ Jrai, Bahnar. Sự kết nối giữa các vùng miền, dân tộc thực sự tạo ra nét đẹp riêng có của lễ hội. Chị Hà Thu Lan-du khách đến từ Hà Nội-bày tỏ: “Tôi nghe nhiều về không gian văn hóa cồng chiêng của người Tây Nguyên nhưng dịp này vào Gia Lai mới được thưởng thức, trải nghiệm. Trước những điệu nhảy nhịp nhàng, âm thanh sôi động, hào hùng, chúng tôi không cưỡng lại được nên đã rất hào hứng tham gia. Bà con Jrai, Bahnar ở đây đẹp quá, đẹp từ ánh mắt, nụ cười cho đến trang phục, ai cũng rạng ngời”.

Các "nghệ nhân nhí" hào hứng biểu diễn tại Lễ hội. Ảnh: Văn Ngọc

Các "nghệ nhân nhí" hào hứng biểu diễn tại Lễ hội. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, Trưởng ban tổ chức lễ hội: “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Chư Păh. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và các sản phẩm đặc trưng của huyện. Qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết giữa các địa phương, hình thành các tour du lịch gắn kết với các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước xây dựng giá trị cho các sản phẩm chủ lực của huyện theo hướng bền vững”.

Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức tiến hành phục dựng nguyên bản lễ cúng lúa mới tại sân nhà rông làng Ia Gri. Nét đẹp ngàn đời của những người nông dân chân chất đã được tái hiện khiến du khách rất thích thú. Nghệ nhân Siu Lem (làng Kó, xã Chư Đang Ya) hồ hởi: “Chúng tôi tập luyện gần 1 tháng nay để biểu diễn tại ngày hội này. Hôm nay rất vui vì có đông bà con từ khắp nơi. Người dân Chư Đang Ya lúc nào cũng chào đón mọi người đến tham quan núi lửa, ngắm hoa dã quỳ và thưởng thức đặc sản ở nơi này ”.

Với mong muốn đem đến một không khí sôi động, rộn ràng, tạo sự tương tác giữa du khách và người dân địa phương, UBND huyện Chư Păh đã tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống cũng như các trò chơi dân gian. Các cuộc thi như chạy cà kheo, chinh phục đỉnh Chư Đang Ya, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt… đã tạo không khí vui tươi, hào hứng, ấn tượng với du khách. Trong đó, ấn tượng hơn cả là môn chạy cà kheo với sự tham gia của nhiều vận động viên tiếng tăm trong làng chạy của tỉnh và toàn quốc.

Anh Thô (vận động viên xã Hà Tây) hào hứng: “Tôi đã tham gia nhiều giải của tỉnh và toàn quốc nhưng đây là lần thi đấu đặc biệt khi được chạy dưới chân núi lửa với sự cổ vũ của rất đông khán giả. Mong rằng các lần sau, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức các cuộc thi như vậy để chúng tôi tham gia tranh tài, thỏa sức đam mê”.

Có thể bạn quan tâm

Mùa đót

Mùa đót

(GLO)- Mỗi khi trời đất được sưởi ấm dần từ những tia nắng mùa xuân, cây lá bên đường xanh non nảy lộc, hoa tươi thắm sắc, tôi lại bâng khuâng nhớ về những điều gần gụi. Thoáng thấy dáng má cặm cụi bên hiên ngồi tết lại cây chổi đót đã bung ra những lạt mây, tôi chợt nhớ về những mùa đót cũ.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Ngát hương mùa hoa trắng

(GLO)- Đầu xuân mới, Tây Nguyên khoác lên mình tấm áo trắng tinh khôi của những vườn rẫy cà phê. Đó là lúc đất trời như giao hòa trong sắc hương, khi từng chùm hoa trắng muốt nở rộ trên những cành cây, tỏa hương ngọt ngào quyến rũ khắp không gian.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Minh họa: HUYỀN TRANG

Cỏ mùa xuân

(GLO)- Tôi đi cùng chiều trên cánh đồng tươi xanh và mềm mượt cỏ. Bàn chân, ánh mắt và cả tâm hồn đều chạm vào sắc màu của loài cỏ biếc. Tôi nghiêng xuống thật gần, nghe mùa thức dậy căng đầy và xôn xao niềm nhớ.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Góc bếp, hiên nhà

(GLO)- Góc bếp, hiên nhà có lẽ là nơi yêu thương chăm chút nhất thuộc về người phụ nữ của gia đình. Mà thực ra, có người phụ nữ nào là không thuộc về gia đình, dù ít hay nhiều, dù hiện đại hay truyền thống.

Người gùi hơ’mon về đâu

Người gùi hơ’mon về đâu

(GLO)- Bài thơ Người gùi hơ’mon về đâu của Vân Phi mở ra không gian đẫm hơi men rượu cần, tiếng hát lẫn trong gió khuya và những ký ức chảy trôi theo thời gian, mơ hồ giữa hiện thực và quá khứ. Tất cả như gợi lên sự tiếc nuối, khắc khoải về một giá trị của truyền thống đang dần phai nhạt.

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nét chữ đầu xuân

(GLO)- Sau chuỗi ngày đông giá lạnh, tia nắng ấm áp mùa xuân đánh thức tất thảy những nụ mầm. Luồng sinh khí mới thổi qua như một cuộc chuyển giao âm thầm mà mãnh liệt. Một vòng tuần hoàn lại bắt đầu cho những ước mong.

Mùi bếp, mùi tết

Mùi bếp, mùi tết

Cuối năm, gió đã chuyển mùa. Cái lành lạnh len lỏi trong từng nhành cây, ngọn cỏ và luồn qua từng kẽ hở bên khe cửa tràn cả vào ngóc ngách từng gian nhà. Trong không gian êm đềm, tôi cảm nhận rõ mùi bếp, mùi Tết đang về trên từng căn bếp nhỏ.

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, cộng đồng người Bahnar đã cho ra đời những bài thuốc quý, lưu dấu qua bao thế hệ.

Kể chuyện văn hóa Jrai qua chiếc gùi mộc

E-magazineKể chuyện văn hóa Jrai qua chiếc gùi mộc

(GLO)- Hầu hết các già làng đều cho rằng gùi mộc mang vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, là tiền thân của những chiếc gùi hoa văn mang tính thẩm mỹ cao. Vậy nhưng, những người có thể làm ra được gùi mộc nguyên bản trong cộng đồng hiện nay khá hiếm.

Thẳm sâu miền Tết

Thẳm sâu miền Tết

(GLO)- Ngay lối về nhà tôi, xuyến chi đã bung sắc hai bên đường. Mùi hương trầm loang trong gió xa. Thoảng trong gió, vị mứt gừng cay nồng lên những ngày cuối năm.