Từ sáng sớm, các chuyến xe du lịch đã đưa du khách đến với núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Năm nay thời tiết ưu đãi, dã quỳ nơi đây nở rộ đúng vào dịp cao điểm của Lễ hội. Thời tiết mát mẻ, không mưa như một số năm đã tạo thuận lợi cho du khách có thể thoải mái ngắm hoa cũng như tham gia vào các hoạt động trải nghiệm.
Du khách nườm nượp đổ về đường hoa dưới chân núi lửa để chụp ảnh check-in Ảnh: Văn Ngọc |
Để phân luồng giao thông, Ban tổ chức đã cấm toàn bộ phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô đi vào đường hoa dưới chân núi Chư Đang Ya. Sau khi gửi xe, du khách có thể đi bộ để ngắm hoa hoặc lựa chọn dịch vụ xe ôm vận chuyển dọc theo tuyến đường với giá 10.000 đồng/lượt. Do đó, đã không có tình trạng chen lấn, tắc nghẽn tại các con đường được xem là đẹp nhất trong mùa hoa này.
Nhiều du khách thích thú với thử thách chinh phục đỉnh Chư Đang Ya. Ảnh: Văn Ngọc |
Cùng với đó, để tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho người chinh phục đỉnh Chư Đang Ya, Ban tổ chức đã không sử dụng xe máy để chở khách lên đỉnh núi. Du khách có nhu cầu vẫn có thể thoải mái thử thách bản thân leo lên điểm cao của Chư Đang Ya để ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ.
Các đội cồng chiêng luân phiên trình diễn cho du khách ở sân nhà rông làng Ia Gri. Ảnh: Văn Ngọc |
Không chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp, níu giữ kỷ niệm bằng những bức ảnh check-in với loài hoa dã quỳ, nhiều du khách đã hòa mình vào trải nghiệm các chương trình đặc sắc do người dân địa phương biểu diễn. Sôi động hơn cả là màn trình diễn cồng chiêng của nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn của huyện Chư Păh. Các đội cồng chiêng đã luân phiên nhau trình diễn những gì hay nhất, đẹp nhất của mình trước du khách thập phương.
Các nghệ nhân khá tự hào khi được trình diễn nét đẹp của dân tộc mình tại Lễ hội. Ảnh: Văn Ngọc |
Nghệ nhân Siu Lem (làng Kó, xã Chư Đang Ya) hồ hởi: “Chúng tôi đã tập luyện gần 1 tháng nay để biểu diễn ở ngày hội này. Hôm nay rất vui vì có đông bà con ở nơi khác đến xem. Người dân ở Chư Đang Ya luôn sẵn sàng chào đón mọi người cùng đến núi lửa ngắm hoa dã quỳ và thưởng thức các đặc sản của dân làng”.
Các "nghệ nhân nhí" hào hứng biểu diễn tại Lễ hội. Ảnh: Văn Ngọc |
Trước sự cởi mở, thân thiện của các nghệ nhân, du khách cũng đã mở lòng để hòa mình vào những điệu múa xoang của các thiếu nữ Jrai, Bahnar. Sự kết nối giữa các vùng miền, các dân tộc đã thực sự tạo ra nét đẹp cho Lễ hội.
Du khách cùng tham gia múa xoang với thiếu nữ Jrai. Ảnh: Văn Ngọc |
Chị Hà Thu Lan (TP. Hà Nội) bày tỏ: “Tôi nghe nhiều về không gian văn hóa cồng chiêng của người Tây Nguyên nhưng dịp này vào Gia Lai mới may mắn được thấy tận mắt. Trước những điệu nhảy nhịp nhàng, âm thanh sôi động, hào hùng khiến chúng tôi không cưỡng lại được mà phải cùng nhảy luôn. Bà con Jrai, Bahnar ở đây đẹp quá, đẹp từ ánh mắt, nụ cười cho đến trang phục ai cũng rạng ngời”.
Nghi lễ "Cúng lúa mới" đã được phục dựng ngay tại sân nhà rông làng Ia Gri. Ảnh: Văn Ngọc |
Đặc biệt, năm nay Ban tổ chức đã tiến hành phục dựng nguyên bản nghi lễ “Cúng lúa mới” tại sân nhà rông làng Ia Gri. Nét đẹp ngàn đời của những người nông dân chân chất đã được khôi phục khiến du khách rất thích thú. Ngay cả những người dân bản địa cũng tỏ ra đầy tự hào khi đã được trình diễn nghi lễ này trước rất đông người xem.
Những cô gái nhỏ thoăn thoắt nhanh nhẹn trên đôi chân cà kheo. Ảnh: Văn Ngọc |
Ngoài ra, các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian cũng đã mang lại sự vui nhộn, tiếng cười cho du khách. Các cuộc thi như chạy cà kheo, chinh phục đỉnh Chư Đang Ya, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt…đã gây ấn tượng với du khách.
Trò chơi bị mắt bắt vịt mang lại nhiều tiếng cười cho du khách. Ảnh: Văn Ngọc |
Bà Đinh Thị Thu Hồng (TP. Đà Nẵng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi đến Chư Đang Ya và rất vui khi được xem các trò chơi vui nhộn như vậy. Đặc biệt là môn chạy cà kheo, những cô cậu nhỏ bé thôi mà đôi chân thoăn thoắt, nhanh nhẹn trên đôi cà kheo, những hình ảnh ấy trước kia tôi chỉ được thấy qua màn ảnh nay mới được tận mắt chứng kiến”.
Các hoạt động văn hóa, thể thao của lễ hội sẽ diễn ra liên tiếp đến hết ngày 12-11.