Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Trong đó, phương thức trồng xen canh cây ca cao trong vườn điều được nhiều nhà nông áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Đầu mùa giá điều dao động khoảng 26-27 ngàn đồng/kg thì nay đã giảm sâu kỷ lục với 14-16 ngàn đồng/kg do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Khắc Thược ở thôn 2, xã Minh Hưng (Bù Đăng) thu hoạch ca cao xen canh trong vườn điều của gia đình.
Tuy nhiên, hạt ca cao vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. Hiện giá hạt ca cao khô dao động ở mức 60-65 ngàn đồng/kg. Với 1.000 cây ca cao 15 năm tuổi, năm nay gia đình tôi thu về thêm gần 150 triệu đồng” - ông Nguyễn Khắc Thược ở thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) vui vẻ cho biết.
“Cây chạm lá”
Trung tuần tháng 4, chúng tôi có mặt tại vườn ca cao 15 năm tuổi trồng xen trong vườn điều trên 25 năm của hộ ông Nguyễn Khắc Thược ở thôn 2, xã Minh Hưng.
Ấn tượng đầu tiên là vườn cây sạch sẽ, thông thoáng, từ cây điều đến ca cao đều được trồng theo hàng, lối thẳng tắp. Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm, ông Thược cho rằng nguyên tắc trồng xen là “cây chạm lá, cá chạm vây”.
Tức là phải thường xuyên cắt tỉa cành, thậm chí cắt bỏ cả cây khi tán lá phát triển chạm vào nhau. Vườn của gia đình, từ 2.000 cây ca cao ban đầu, trong quá trình phát triển, ông Thược đã cắt bỏ gần 1.000 cây. Điều này giúp vườn cây luôn thông thoáng, tránh sâu bệnh.
Theo ông Thược, cái hay của việc trồng xen là cây ca cao phát triển tốt dưới tán điều và quá trình chăm sóc ca cao, cây điều được hưởng lợi. Điều này giúp giảm chi phí đầu tư phân bón, nước tưới, vừa nâng cao giá trị sử dụng đất. |
Với cây ca cao, khi mới trồng có thể bị mối, bệnh nấm hồng tấn công. Nhưng khi ca cao bước sang năm thứ 5 trở đi, người trồng có thể yên tâm vấn đề sâu bệnh, thậm chí mùa khô hạn không cần tưới nước. Định kỳ làm cỏ, bón phân; khi cây ra bông phun thuốc trị sâu, bọ xít muỗi, các loại nấm đúng thời hạn là chờ thu hoạch.
Dù vậy, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn quyết định chặt bỏ ca cao để trồng thay thế cây khác. Nguyên do có thời gian giá ca cao trên thị trường thiếu ổn định, diện tích nhỏ lẻ, manh mún khiến việc tập kết trái, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Tâm lý một số hộ dân muốn thu lời nhiều nên thích trồng dày, dẫn đến năng suất, thu nhập thấp. Một số hộ trồng theo dự án nên khi kết thúc, không còn tài trợ lại nản chí, không đầu tư và chú trọng chăm sóc.
“Để phát triển cây ca cao bền vững, trước hết nhà vườn phải kiên trì. Ca cao là cây thực phẩm dinh dưỡng chức năng, có giá trị cao, mọi người từ già đến trẻ ai cũng sử dụng được. Tôi luôn có niềm tin đặc biệt với loại cây này nên dù có thời điểm ca cao cũng vật lộn với “bão giá”. Nhiều người hết kiên nhẫn nên chặt bỏ hàng loạt nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ vườn” - ông Thược cho biết thêm.
Trái ca cao...ngọt!
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng chung đến thị trường nông sản. Nhưng nhờ được hưởng lợi phân bón, nước tưới trong quá trình chăm sóc ca cao nên vườn điều 4,5 ha của gia đình ông Thược năng suất đạt trên 10 tấn, thu về trên 200 triệu đồng.
Ngoài ra, hạt ca cao khô đang dao động ở mức 65 ngàn đồng/kg, thì với 1.000 cây ca cao 15 năm tuổi, gia đình ông thu gần 150 triệu đồng. Tính ra, tổng thu nhập cả điều và ca cao trên 80 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với trồng chuyên canh cây điều.
“Việc trồng cây ca cao xen trong vườn điều làm tăng năng suất cây điều trung bình 0,5 tấn/ha. Bởi thời kỳ điều ra bông, kết trái là mùa khô nhưng là giai đoạn cây điều rất cần cung cấp nguồn dinh dưỡng. Khi trồng xen cây ca cao buộc phải tưới nước giúp đất trong vườn điều luôn ẩm. Đó là điều kiện lý tưởng để cây trồng dễ hấp thụ chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, việc xen canh ca cao trong vườn điều còn góp phần điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, giữ nhiệt độ ngày, đêm trong vườn ổn định, làm cho quá trình thụ phấn hoa, kết trái của điều và ca cao cao hơn” - ông Thược khẳng định.
Như vậy, trong điều kiện các mặt hàng nông sản bấp bênh như hiện nay, trồng xen canh ca cao trong vườn điều được xem là hướng phù hợp, mang tính bền vững tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, người dân cần phải xem xét kỹ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt để rồi lặp lại điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng”. |
Dân Việt (Theo Xuân Túc/Báo Bình Phước)