Chiến thuật mới của Iran và đồng minh, Mỹ tăng cường răn đe xung đột quân sự ở trung đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cho đến hiện tại, sau hơn 1 tuần thủ lĩnh Hamas và chỉ huy hàng đầu của Hezbollah bị ám sát, ngoài một số cuộc tấn công đáp trả lẻ tẻ của trục kháng chiến chống Israel và Mỹ do Teharan đứng đầu thì Iran vẫn chưa có động tĩnh gì.
Hình ảnh thủ lĩnh Hamas Haniyeh treo ở quảng trường Palestine ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP

Hình ảnh thủ lĩnh Hamas Haniyeh treo ở quảng trường Palestine ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP

Giới quan sát đã đưa ra nhiều nhận định và phân tích, và mới đây theo một tờ báo Anh- Guardian, Iran trước mắt nhắm vào những cá nhân trong tổ chức tình báo Israel trong vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran, thay vì tấn công nhằm vào Israel.

Theo các nguồn tin của Mỹ và Israel, Iran có thể nhắm tới mục tiêu là các cá nhân có liên quan tới vụ ám sát, đặc biệt là các đặc vụ và lãnh đạo Cơ quan tình báo Israel Mossad. Cho đến nay Israel không phủ nhận và cũng không xác nhận vai trò của tổ chức này trong vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.

Không rõ Iran nhắm tới Mossad theo cách nào. Cơ quan tình báo này của Israel được cho là có mạng lưới đặc vụ hoạt động bí mật ở châu Âu và thậm chí là ở Iran. Trong quá khứ, Iran từng bắt giữ một số công dân bị nghi hợp tác với các đặc vụ Mossad của Israel.

Sự thay đổi của Iran diễn ra sau cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại thành phố Jeddah, Ả Rập Saudi. Các nước thành viên OIC nhất trí lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Haniyeh, coi đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Iran.

Nhưng OIC không thống nhất ủng hộ khả năng Iran tấn công Israel, rằng "không nên bị cuốn vào một cuộc xung đột quy mô lớn vì đây là điều Israel mong muốn”.

Sự việc càng khiến Iran giận dữ khi khi Mỹ, Anh và Pháp từ chối lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, trong khi không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Israel ngừng bắn ở Dải Gaza. Việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể ra tuyên bố lên án vụ ám sát đồng nghĩa Iran không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các hành động đơn phương để đáp trả Israel.

Trong một diễn biến liên quan, Abdul-Malik al-Houthi, thủ lĩnh lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen, ngày 8/8 cho biết hai vụ ám sát nhằm vào lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh và chỉ huy hàng đầu của Hezbollah Fuad Shukr đã gây ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực Trung Đông.

Ông nhấn mạnh Israel đang "sợ hãi và hoảng loạn" sau khi gây ra căng thẳng ở mức nguy hiểm, và chắc chắn Iran không bỏ qua sự việc.

Thủ lĩnh Houthi khẳng định không có sức ép hay bất cứ điều gì có thể khiến Iran bỏ kế hoạch tung đòn đáp trả Israel.

"Mỹ, châu Âu và một số nước Arab đang nỗ lực hết sức để ngăn động thái đáp trả. Nhiều cuộc gọi, thông điệp đã được gửi, người trung gian cũng được điều động nhằm thuyết phục Iran phản ứng theo cách đơn giản và thiếu hiệu quả", thủ lĩnh Houthi nói, thêm rằng những nỗ lực này sẽ không thành công vì Israel đã nhắm vào thượng khách của Tehran.

Trước tình hình leo thang căng thẳng, Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao Nhà Trắng hôm 7/8 nói rằng, nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông dường như đã mang lại kết quả, khiến Iran kiềm chế và xem xét lại kế hoạch tấn công Israel.

Quân đội Mỹ mới đây đã chuyển các máy bay tiêm kích tàng hình F-22 tiên tiến đến Trung Đông. Washington cũng tăng cường lực lượng trong khu vực trước cuộc phản công có thể xảy ra của Iran nhằm vào Israel.

Trên mạng xã hội, Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) tuyên bố động thái trên là một phần của “những thay đổi về lực lượng trong khu vực để giảm thiểu nguy cơ leo thang của Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã lệnh điều động thêm các khí tài, bao gồm cả tàu chiến và 1 phi đội máy bay tiêm kích, đến khu vực Trung Đông.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.