Chỉ số xanh cấp tỉnh: Động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không chỉ đánh giá những nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh trong khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao mà Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) còn thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức triển khai điều tra PGI như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bộ chỉ số này do VCCI khởi xướng và được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 diễn ra ngày 19-3 ở Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn-Phó Tổng Thư ký VCCI-cho biết: “Đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, đo lường mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường”.

Máy đóng gói tự động giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm rau củ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo

Máy đóng gói tự động giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm rau củ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo

PGI đo lường các tiêu chí nêu trên thông qua 4 chỉ số thành phần đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố, gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (đánh giá việc cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của chính quyền cấp tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp); thúc đẩy thực hành xanh (đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa”); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực).

Tại lễ công bố bảng xếp hạng PCI năm 2022 mới đây, ông Phạm Tấn Công-Chủ tịch VCCI-nhấn mạnh: “Được xây dựng với phương pháp luận thống kê khoa học, chặt chẽ và am hiểu về bối cảnh quốc gia, chỉ số PGI hướng đến trở thành một công cụ chính sách hữu ích cho các cơ quan, ban ngành và chính quyền các cấp, đồng thời là một nguồn thông tin tham khảo tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ số PGI được công bố thường niên và sẽ trải qua một lộ trình thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển với mong muốn đây sẽ là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới”.

Theo báo cáo PGI năm 2022, Gia Lai chỉ đạt 13,52/40 điểm, xếp thứ 52 so với cả nước và đứng hạng 5 ở khu vực Tây Nguyên (Kon Tum xếp thứ 25, Lâm Đồng xếp thứ 36, Đak Lak xếp thứ 44, Đak Nông xếp thứ 48).

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Nhà máy chế biến rau, quả DOVECO. Ảnh: Hà Duy

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Nhà máy chế biến rau, quả DOVECO. Ảnh: Hà Duy

Bước vào “cuộc đua”, thứ hạng PGI một mặt sẽ khẳng định vai trò của chính quyền tỉnh trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, mặt khác sẽ tác động, dẫn dắt các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường, đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại Gia Lai nói riêng đang ngày càng nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế, từng bước vươn ra biển lớn.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-khẳng định: “Khi tìm hiểu để hợp tác, các đối tác quốc tế rất quan tâm đến việc xây dựng doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường. Cho nên, chúng tôi luôn xây dựng phương pháp canh tác và sản xuất đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học, giảm lượng khí thải, nước thải, phân bón, thuốc hóa học ảnh hưởng đến môi trường. Với chúng tôi, xây dựng nền nông nghiệp xanh-sạch không chỉ có lợi cho môi trường mà còn đem lại giá trị sức khỏe của người tiêu dùng và người lao động”.

Theo ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Đây là lần đầu tiên VCCI triển khai khảo sát, đánh giá nên kết quả về PGI có thể chưa chính xác hoàn toàn, phần nhiều còn dựa vào nhận định cảm tính của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng quan trọng của tỉnh. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất UBND tỉnh giao cho một đơn vị chủ trì theo dõi, nghiên cứu đưa ra các giải pháp khắc phục thứ hạng chỉ số này cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Với vai trò của mình, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường cũng như định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường”.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.