Trong các yếu tố góp phần gây ung thư thì chế độ ăn không hợp lý chiếm tỷ lệ 30-35% yếu tố gây nên ung thư.
Ảnh minh họa |
Các yếu tố góp phần gây ung thư tiếp theo là: hút thuốc và uống rượu (chiếm 30%), nhiễm khuẩn mạn tính (chiếm: 18-20%), hormone (chiếm 18-20%), nghề nghiệp và ô nhiễm chỉ chiếm 3%.
Thông tin trên được tiến sỹ Nguyễn Quang Dũng - Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Viện đào đạo Y học dự phòng và y tế công cộng), Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh tại hội thảo an ninh lương thực và dinh dưỡng diễn ra sáng 7-11 tại Hà Nội.
Tiến sỹ Dũng cho hay, ung thư xảy ra ở mọi lứa tuổi, 80% trường hợp mắc ung thư từ 45 tuổi trở lên. Mọi bộ phận trên cơ thể đều có thể bị ung thư và ở người có khoảng 100 loại ung thư khác nhau. Các yếu tố môi trường là tác nhân lớn gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá, chế độ ăn, bệnh nhiễm trùng, hóa chất, phóng xạ…
Với những người thừa cân béo phì tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, nội mạc tử cụng, thực quản, thận, túi mật.
Cụ thể, trong chế độ ăn, những người béo phì tăng cân, hay uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú. Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, hút thuốc lá, uống rượu, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ăn nhiều thịt đỏ, sản phẩm sữa giàu chất béo làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến; thức ăn có nhiều muối, nhiễm vi khuẩn HP làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Theo tiến sỹ Dũng, hiện nay 30-40% số ca mắc bệnh ung thư trên toàn cầu là do chế độ ăn và ít hoạt động thể lực. Trong khi đó, các điều này hoàn toàn có thể dự phòng được.
Để dự phòng ung thư dựa vào chế độ ăn, mỗi người dân cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường tập luyện, duy trì cân nặng hợp lý, uống nhiều nước và một cốc sinh tốt mỗi ngày. Như vậy số ca mắc ung thư có thể giảm 60-70%.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân chỉ nên ăn dưới 504g thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu)/tuần thay vào đó ăn cá, gia cầm, đậu đỗ. Đặc biệt, khi ăn thịt nên chọn các miếng thịt nạc, nên hạn chế các thực phẩm như dưa muối, cà muối hay thực phẩm chế biến với muối…
Đức Minh/TTXVN