Châu Âu họp khẩn cấp về 'thách thức do Tổng thống Trump đặt ra'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang triệu tập các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh khẩn cấp tại thủ đô Paris - Pháp vào ngày 17-2.

Thông tin trên do Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski thông báo tại Hội nghị An ninh Munich hôm 15-2.

Theo Bộ trưởng Sikorski, phía Ba Lan rất vui mừng khi tổng thống Pháp tổ chức cuộc họp như vậy. Ông Sikorski mong đợi các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận "nghiêm túc" về những thách thức do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra.

Người đứng đầu Bộ ngoại giao Ba Lan đã so sánh phương pháp làm việc của Tổng thống Trump với "do thám bằng vũ lực" và cho biết các nước châu Âu cần phải phản ứng với những tuyên bố và hành động của ông chủ Nhà Trắng.

Ông Sikorski chia sẻ trên mạng xã hội: "Chúng ta cần thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của mình".

Theo tờ Politico, trước mắt vẫn chưa rõ cuộc họp sắp tới tại Paris có quy tụ đầy đủ các nhà lãnh đạo EU hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot, người tham gia Hội nghị An ninh Munich cùng ông Sikorsky, không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin về hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp.

Ông Sikorsky sau đó nói thêm Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sẽ tới thủ đô Pháp trong ngày 17-2 theo lời mời của nhà lãnh đạo Pháp Macron.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Paris, cho biết đây là "khoảnh khắc ngàn năm có một đối với an ninh quốc gia của chúng tôi" và rõ ràng là châu Âu phải đóng vai trò lớn hơn trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thông tin lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh khẩn cấp được đưa ra sau khi ông Keith Kellogg - đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine và Nga - cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ được tham vấn, song không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Mỹ và Nga về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Đặc phái viên Kellogg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình, Ukraine và Nga là hai nhân vật chính. Khi được hỏi về triển vọng của châu Âu tại bàn đàm phán, ông Kellogg cho rằng "điều đó sẽ không xảy ra".

Trước phát biểu có khả năng gây lo ngại ở Ukraine và các đồng minh châu Âu, ông Kellogg giải thích các cuộc đàm phán hòa bình trước đây thất bại vì có quá nhiều bên tham gia. Ông Kellogg nêu rõ chiến lược của Tổng thống Trump là đạt được thỏa thuận trong "vài ngày và vài tuần" thay vì một khung thời gian dài hơn.

Phát biểu của ông Kellogg là sự xác nhận rõ ràng nhất từ một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ rằng phía Washington dự định để châu Âu theo dõi các cuộc đàm phán từ bên lề.

Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh Washington là bên trung gian, không phải là đồng minh hay đối tác của Ukraine.

Ông Kellogg nói: "Đối với những người bạn châu Âu, tôi muốn nói rằng hãy tham gia vào cuộc đàm phán, không phải bằng cách phàn nàn có thể có hoặc không được ngồi vào bàn đàm phán, mà bằng cách đưa ra các đề xuất, ý tưởng cụ thể, tăng chi tiêu quốc phòng".

Washington cũng đã gửi yêu cầu châu Âu đưa ra các đề xuất chi tiết về vũ khí, lực lượng gìn giữ hòa bình và các thỏa thuận an ninh mà họ có thể cung cấp cho Ukraine như một phần của bất kỳ đảm bảo an ninh nào, theo Financial Times ngày 15-2.

Trong khi đó, Washington cho biết quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng sẽ gặp các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Ả Rập Saudi trong những ngày tới.

Theo Huệ Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Triều Tiên nói Mỹ nên dừng chính sách thù địch

Triều Tiên nói Mỹ nên dừng chính sách thù địch

(GLO)- Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên ngày 15/2 cho biết, Bình Nhưỡng một lần nữa yêu cầu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch, đồng thời khẳng định Triều Tiên nghiên cứu - phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM) là chính đáng nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia.