(GLO)- Tuần qua, Gia Lai rộn ràng với Hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức sau nhiều năm im ắng. Lần đầu tiên Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh nhà có Thủ tướng đến dự. Với sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ, nhiều bộ, ngành quan trọng, sự quan tâm của các cơ quan ngoại giao nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là hàng chục dự án trao giấy chứng nhận đầu tư, ký cam kết ghi nhớ tại hội nghị cùng 53 dự án mời gọi đầu tư, các chính sách thu hút đầu tư rất cụ thể... chúng ta hoàn toàn kỳ vọng làn sóng đầu tư mới sẽ đến với Gia Lai từ năm 2017.
Ảnh: Đ.T |
Trước sự kiện chính là Hội nghị xúc tiến đầu tư, trong ngày 17-12, Gia Lai đã tổ chức 3 sự kiện bên lề gồm Hội thảo “Triển vọng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Gia Lai”, Hội thảo “Tiềm năng và phát triển du lịch Gia Lai” và đêm Gala “Du lịch Gia Lai Tiềm năng và khát vọng”. Các sự kiện này đã thu hút sự quan tâm lớn của hàng trăm nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đêm Gala tối 17-12, các doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 41 tỷ đồng cho quỹ an sinh xã hội của tỉnh để phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Sự ủng hộ này thể hiện mối quan tâm của doanh nghiệp khi làm ăn ở Gia Lai không chỉ vì lợi nhuận mà còn góp phần đáng kể cải thiện đời sống, góp phần an sinh xã hội.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư sáng 18-12 có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh đã có 10 dự án được trao quyết định cấp phép đầu tư với tổng vốn 5.700 tỷ đồng và 12 dự án ký cam kết đầu tư tổng vốn hơn 15.320 tỷ đồng. Như vậy, gần 1 tỷ USD đang chuẩn bị đầu tư vào Gia Lai trong những năm tới. Nếu tất cả thành hiện thực đây sẽ là một làn sóng đầu tư mới, mạnh mẽ hơn bao giờ hết đến với Gia Lai, tạo động lực lớn thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn.
Nhiều người cho rằng một số hội nghị xúc tiến trước đây không ít dự án cũng ký cam kết đầu tư... cho oai rồi chẳng thấy đâu. Lần này, các doanh nghiệp khẳng định không phải “bắn chỉ thiên”, “nổ súng lệnh” mà đầu tư thực, quan tâm thực, đã có sự xem xét kỹ lưỡng. Các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh cũng cân nhắc, lựa chọn các dự án đưa ra ký cam kết trước Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh lần này tính khả thi rất cao.
Ngoài những dự án đã trao giấy chứng nhận đầu tư và ký cam kết, Gia Lai đã chủ động giới thiệu danh mục 53 đầu dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2018 với tổng vốn lên đến 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh TP. Pleiku, các dự án kêu gọi đầu tư lần này còn mở rộng hầu hết các huyện, thị trong tỉnh từ An Khê, Ayun Pa, Krông Pa, Chư Sê, Chư Pah đến các huyện nghèo như Kông Chro, Ia Pa, Đức Cơ đều có dự án. Các lĩnh vực đầu tư cũng phong phú, đa dạng: hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp, khu dân cư, điện gió, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, trường đại học, khu sinh thái nghỉ dưỡng...
Nhìn qua danh mục các dự án cho thấy tiềm năng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Gia Lai đang rất rộng mở. Cũng đúng thôi, bởi tỉnh có diện tích cây công nghiệp tập trung như cà phê, cao su, hồ tiêu, mía khá lớn, diện tích cây nông nghiệp gồm mì, bắp, lúa, đậu các loại đủ để chế biến sâu, chế biến tập trung.
Trước khi hội nghị diễn ra, chiều 17-12, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Tại buổi làm việc, Thủ tướng rất tâm đắc với định hướng phát triển ngành du lịch của Gia Lai. Thủ tướng rất ủng hộ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đặt du lịch Gia Lai trong xu thế phát triển vùng Tam giác Việt Nam-Campuchia-Lào. Ngoài những tiềm năng, lợi thế, Gia Lai cần có những đột phá trong phát triển du lịch. Thành phố Pleiku có điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm là vùng đất lý tưởng để đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và trồng cây dược liệu nên cần được quan tâm chú trọng.
Tiềm năng, lợi thế phong phú, cộng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, bằng những chính sách thông thoáng, cởi mở, công tâm, tin cậy, Gia Lai đang cố gắng khắc phục những trở ngại về giao thông, địa lý để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư chân chính.
Nhật Cường