Chao đảo thời dịch giã: Phía trước là âu lo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đã có hàng triệu người lao động phi chính thức (nhóm đối tượng chiếm số đông và dễ bị tổn thương trên thị trường lao động) mất việc vì dịch Covid-19.

Gánh hàng ăn vặt của bà M. hiu hắt trong những ngày giãn cách - ẢNH: BÍCH NGÂN
Gánh hàng ăn vặt của bà M. hiu hắt trong những ngày giãn cách - ẢNH: BÍCH NGÂN


Đợt giãn cách xã hội ở TP.HCM lần này tiếp tục là một cú sốc lớn đối với họ, đặc biệt là những phận đời mưu sinh nương nhờ hè phố.

Khuya 5.6, trước nhà nơi chúng tôi ở trọ, chiếc xe đẩy của bà Nguyễn Thị Hồng vắng vẻ giữa ánh sáng đèn đường. Tầm giờ này trước khi giãn cách xã hội toàn TP.HCM, quanh chiếc xe đẩy của bà Hồng có đông tài xế, xe ôm công nghệ... ngồi uống nước, rôm rả nói chuyện. Nay chỉ còn mình bà ngồi lặng lẽ nhìn xe cộ thưa thớt trong đêm vắng.


 

  Cụ bà rớt nước mắt nhận quà 0 đồng trong lúc lao đao vì Covid-19


Hàng rong quạnh vắng

Đã 20 năm bà Hồng (56 tuổi) rời tỉnh Quảng Trị, đẩy chiếc xe hàng bán thuốc lá, cà phê và thức uống ở ven đường gần chung cư Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh).

Trước giãn cách xã hội, bà Hồng dọn hàng ra bán từ 16 giờ đến tận 1 giờ khuya, thu nhập chừng 100.000 - 200.000 đồng/ngày nhờ lượng khách chủ yếu là xe ôm, shipper (người giao hàng), tài xế taxi chạy đêm... Khoản tiền này cộng với thu nhập từ việc lái taxi của chồng bà đủ để hai vợ chồng tạm ổn định cuộc sống, còn các con của bà đều đã có gia đình riêng.

Hai thập kỷ, bà Hồng đã quen với cảnh đường phố Sài Gòn tấp nập, quen nghe tiếng còi xe và những câu chuyện của các bác tài quanh ly cà phê bình dân buổi tối. “Giờ đây bán buôn ế ẩm, thiếu trước hụt sau, chỉ biết lấy tiền chắt chiu dành dụm trước đây đắp đổi qua ngày. Đã vậy mà còn không có ai nói chuyện, bởi các tài xế bây giờ cũng hạn chế đi làm vì dịch giã. Năm thì mười họa mới có người đi đường ghé mua gói thuốc. Mới 21 giờ mà xung quanh vắng hoe, nên giờ tôi bán bữa đực bữa cái, lo lắm”, bà Hồng nói.

 

Bà Hồng buôn bán bấp bênh trong những ngày giãn cách xã hội - ẢNH: P.T.N
Bà Hồng buôn bán bấp bênh trong những ngày giãn cách xã hội - ẢNH: P.T.N


Rảo vài vòng quanh thành phố những ngày giãn cách, cảm giác như thể Sài Gòn đang trong dịp tết khi người dân tứ xứ trở về thăm quê. Nhịp sống rộn ràng bao ngày bỗng hóa buồn tênh.

Ngồi nép mình bên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5), bà M. (55 tuổi, quê Bình Định) nhớ quay quắt thời gian không có dịch. Bà “thèm” cảnh sinh viên, học sinh ở các điểm trường gần đó vây quanh chiếc quang gánh nhỏ treo “cả thế giới” ăn vặt, nào là cốm, ché, bánh tráng, xoài... của bà.

20 năm buôn bán trên đường phố Sài Gòn, chưa khi nào bà nhìn cảnh thành phố thưa người như thế. “Tôi buôn bán hàng rong lâu, người quen gọi tôi là bà Gánh. Hồi xưa tôi đi khắp nơi, nghỉ mệt 9 - 10 chặng/ngày. Giờ chỉ đi từ nhà ra chỗ đường Nguyễn Văn Cừ này, cảm giác bị chôn chân”, bà M. nuối tiếc.
 
Trước đây, bà M. một thân một mình vào Sài Gòn với kỳ vọng một tương lai sáng sủa. “Ngoài quê nghèo, cả nhà chia nhau đi làm ăn, tôi vô Sài Gòn, chồng ở quê làm nông, giờ chỉ mong lo cho con cái học hành đàng hoàng”, bà M. kể.

Hai năm qua, dịch Covid-19 đã khiến bà tơi tả. Bà nhẩm tính xem 2 tuần nay kiếm được bao nhiêu tiền, rồi tặc lưỡi: “Ế ẩm dữ lắm. Nhưng mình ở nhà thì không có tiền, trong khi còn âu lo đủ thứ tiền, chi phí... nên cỡ nào vẫn phải đi, chắt mót được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

 

Ông N. mấy ngày nay chỉ lấy chừng 100 tờ vé số nhưng bán cả ngày không hết - ẢNH: BÍCH NGÂN
Ông N. mấy ngày nay chỉ lấy chừng 100 tờ vé số nhưng bán cả ngày không hết - ẢNH: BÍCH NGÂN

Chủ nhà trọ Sài Gòn giảm nửa giá tiền phòng, phát lương thực cho bà con trong hẻm cách ly Covid-19



Cái nghèo, cái khó càng ngặt

15 giờ ngày 5.6, giữa cái nắng gắt tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), ông N. (61 tuổi) vẫn nhẫn nại chờ đợi khách mua vé số. Bị teo cơ, thoái hóa cột sống phải ngồi xe lăn, ông N. than dẫu neo ở đường này từ 4 giờ sáng với 100 tờ vé số, vậy mà vẫn ế ẩm. Quá ít người qua lại trong những ngày này.

“Tôi còn bán là vì còn mối quen mua. Thu nhập được cỡ 100.000 đồng/ngày, có còn đỡ hơn không”, ông N. bày tỏ.

Ông N. ở cùng một người chị 70 tuổi. Hai chị em đùm bọc nhau sống qua ngày. Nhưng mấy tuần nay, 2 người đều âu lo với những khoản chi tiêu cho cuộc sống, chưa kể tiền thuốc men điều trị bệnh của ông N. cũng đã 400.000 đồng/tuần. Ông bảo chắt chiu lắm thì mỗi tháng dư 50.000 đồng. Với chị em ông, phía trước vây kín bao âu lo.

Hỏi thăm sáng giờ ông ăn ở đâu, ông N. bảo mình nhận cơm của những nhà hảo tâm phân phát.

Người đông thì hàng rong, vé số mới vui. Vì không đông là cuộc sống họ sẽ chật vật. Tại Q.Gò Vấp, nơi có lượng lao động nhập cư thuộc hàng đầu TP.HCM, người làm nghề tự do cũng đang phải “vượt dốc” vì Covid-19.


 

 Đường Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh) lúc 18 giờ chỉ còn lác đác vài tài xế taxi - ẢNH: P.T.N
Đường Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh) lúc 18 giờ chỉ còn lác đác vài tài xế taxi - ẢNH: P.T.N



Căn phòng trọ rộng chừng 18 m2 và có gác trên đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp) là nơi trú ngụ của chị Võ Thị Diệu My (30 tuổi, quê Cần Thơ). Trong nhà chỉ bày biện vài món đơn giản bởi cả gia đình chị My mới dọn lên Sài Gòn cách đây 2 tháng.

Lý do chị đến chốn thị thành vốn lắm áp lực mưu sinh này vẫn là vì muốn đổi đời. Chị My bảo, hồi còn ở Cần Thơ, hai vợ chồng hằng ngày chèo ghe thả lưới, thu nhập ba cọc ba đồng, nên khi nghe người quen gợi ý lên thành phố bán vé số, thì nhà chị dắt 2 đứa con khăn gói lên luôn.

“Lên đây tôi và con gái út đi bán vé số. Thường thì mỗi ngày bán từ 16 - 21 giờ. Có những hôm bán không hết thì sáng hôm sau sẽ đi từ sớm để bán cho kịp chiều xổ. Chỉ thương con phải lội bộ nắng mưa theo mình”. Nói đoạn, chị bỗng im lặng rồi quay mặt đi, chưa kịp che dòng nước mắt sau tấm khẩu trang nhàu nhĩ.


 

Chị My (góc phải) phải ngừng bán vé số do bán chậm - ẢNH: P.T.N
Chị My (góc phải) phải ngừng bán vé số do bán chậm - ẢNH: P.T.N


Thu nhập từ việc bán vé số dạo của hai mẹ con chị My được chừng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Chồng chị My làm phụ hồ, được khoảng 200.000 đồng/ngày, 2 khoản cộng lại cũng đủ sống qua ngày, dẫu luôn đối mặt cơ hàn. Nhưng dịch Covid-19 như một cơn bão, cả nhà chị mất việc, lao đao và không biết phải làm gì sắp tới.

Chị My lo lắng bởi tối nào cũng còn một xấp vé số đầy, bán chậm. “Mình đi nhiều nơi, ai cũng sợ mình lây nhiễm dịch bệnh”, chị thỏ thẻ nói tiếp: “Mấy hôm nay, nhà tôi cầm cự nhờ gạo, trứng từ thiện của nhà hảo tâm hay nhờ hàng xóm hỗ trợ. Phải như tôi không bị suy thận, không phải lo tiền thuốc thang thì hay biết mấy”.

Hỏi dự định của chị thế nào, có muốn quay về quê hay nhờ bà con dưới quê hỗ trợ, chị My cười: “Nhà tôi dưới quê không có dư dả đâu. Thiệt tình, tôi không biết thời gian sắp tới sẽ thế nào, chắc tôi cũng cố đi bán lại vì ở nhà vừa tù túng lại vừa kẹt tiền. Tôi chỉ thương cho hai đứa con còn nhỏ phải nghỉ học, sau này con khổ như mình thì không biết sẽ ra sao”.

Chị My cũng cho hay, trong một lần tình cờ bán vé số, hai đứa con của chị được một sư cô kèm dạy chữ. “Bé lớn học giỏi, ngoan nên sư cô còn dạy cho đánh đàn”, chị tự hào.

Những ngày Sài Gòn giãn cách xã hội, chúng tôi gặp rất nhiều mảnh đời mưu sinh nương nhờ đường phố. Họ đến đây từ nhiều vùng miền trên cả nước. Mỗi người mỗi cảnh nhưng đều khó, nghèo. Cái nghèo, cái khó càng thắt ngặt hơn trước “bão” dịch bệnh.
(còn tiếp)

 

Theo Phạm Thu Ngân - Bích Ngân - Khánh Trần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.