Chao đảo thời dịch giã: 100 giờ trong hẻm phong tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi tôi viết bài này, bà con lối xóm đã trải qua 4 ngày, khoảng 100 giờ sống trong tình thế tạm thời phong tỏa.

Nhân viên y tế đến từng nhà đo thân nhiệt cho người dân mỗi ngày. Ảnh: MINH ANH
Nhân viên y tế đến từng nhà đo thân nhiệt cho người dân mỗi ngày. Ảnh: MINH ANH
Đến hôm qua (7.6), trên toàn địa bàn TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội có khoảng 250 địa điểm, khu vực phong tỏa, cách ly, giám sát y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan. Hẻm 639/73/4 hương lộ 2, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (TP.HCM) là một trong những nơi như thế.
Là người dân sinh sống nhiều năm ở hẻm 639/73/4 hương lộ 2, khi tôi viết bài này, bà con lối xóm đã trải qua 4 ngày, khoảng 100 giờ sống trong tình thế tạm thời phong tỏa. Lo lắng, hồi hộp trong các ngày cách ly với xã hội bên ngoài, là cảm giác chung đan xen cùng niềm vui vỡ òa khi mọi người được công bố “âm tính lần 1”.
Hẻm 639/73/4 hương lộ 2 là hẻm cụt rộng 5 m, dài khoảng 70 m với 26 hộ/115 người, đa số làm công nhân, mua bán nhỏ, lao động chân tay, bán vé số, làm thợ hồ, mua bán ve chai... Hẻm hình thành hơn 25 năm qua. Nhiều người nơi đây ngày ngày lao nhọc, chạy cơm chạy gạo, chạy cả tiền trường cho con, cháu. Nếp sinh hoạt bình dân, có thể uống ly cà phê cóc 8.000 đồng, ăn đĩa cơm tấm 15.000 đồng, nhưng bà con sống với nhau tình nghĩa. Ai trong xóm mất, mọi người có mặt đông đủ. Rồi có trường hợp vào bệnh viện chạy thận, có người đến phụ giữ nhà, quét dọn. Khi các đợt dịch bùng lên, cán bộ khu phố còn tổ chức nấu cơm để phát tặng.
“Tưởng Covid-19 xa lắm, dè đâu nó đang ở đây”
Đêm 2.6, người dân nơi đây chuẩn bị đi ngủ sau một ngày lao động thì tiếng còi hụ vang lên cùng nhiều tiếng í ới gọi nhau, khi loa tay của cán bộ phường vang lên: “Hẻm tạm thời phong tỏa vì có ca dương tính Covid-19. Đề nghị bà con ở nhà, không tiếp xúc bên ngoài, chấp hành quy định phòng chống dịch”. Không khí trong hẻm khi ấy bỗng căng thẳng hơn.
Bà con trong hẻm cũng bất ngờ, khi biết ở đầu hẻm có một anh nhân viên y tế là F0, dương tính Covid-19 trong hoàn cảnh cùng đồng nghiệp phòng chống dịch. Bà con trong hẻm bày tỏ thương cảm, với tay ra ngoài để chào khi thấy anh xuất hiện trong bộ đồ bảo hộ, vai vác ba lô đồ dùng cá nhân, lên xe chuyên dụng để đi điều trị. Anh không quên vẫy tay: “Chào bà con nhé, bảo trọng”.

Gạo và trứng của nhà hảo tâm chuyển vào tiếp tế, người dân trong hẻm tự phân chia
Gạo và trứng của nhà hảo tâm chuyển vào tiếp tế, người dân trong hẻm tự phân chia
Ngay trong đêm 2.6, toàn bộ hẻm được cán bộ y tế phun xịt khử khuẩn. Nhiều người bảo nhau: “Tưởng Covid-19 xa lắm, dè đâu nó đang ở đây”.
Cán bộ y tế và UBND phường rút đi khoảng nửa khuya về sáng, sau khi cấp tốc truy vết, nhận bản kê khai danh sách từng nhà, từng người. Ai cũng rối bời, nặng trĩu nỗi lo. Người thì lo ngày mai còn phải đi làm. Người lo mớ hàng chưa thành phẩm để giao cho khách, chưa được lãnh lương thì bị cách ly, có người lo đã đến ngày đi chạy thận, khám tim định kỳ…
Chật vật cùng nhau vượt qua âu lo
Sáng sớm hôm sau, hẻm “bị căng dây”. Nhiều người nhận được thông tin qua group (nhóm) Zalo, do khu phố tạo ra để truyền thông nội bộ kịp thời. Không chuẩn bị trước và không có gì ăn sáng, cả hẻm chia nhau mấy chục gói mì tôm chế nước sôi, nhà nào có gừng và muối thì san sẻ cho nhà không có, để sát khuẩn vòm họng. Khi bà con đang ăn thì nghe gọi lao xao, hỏi ra được biết những người gác trước hẻm đã xin ý kiến lãnh đạo địa phương, và cho chú Tư chở vợ đi chạy thận. Vợ chú Tư bị suy thận và hằng tuần phải ra - vào viện 3 lần để điều trị.
Khi toàn bộ người trong hẻm đều ở nhà thì mọi sinh hoạt bị thay đổi. Trong nhóm Zalo, đã xuất hiện nhiều nỗi lo, nào là lúc này lỡ có trẻ em bị đứt tay thì làm sao, nào là chưa mua nhu yếu phẩm dự trữ, thiếu món ăn kiêng…
Trong hẻm, có anh Mẫn kinh doanh gạch men nên quanh năm suốt tháng, anh không ở nhà. Vậy mà hôm nay, anh phải bán hàng qua điện thoại, giao hàng qua chành (xe tải chở hàng giao các đầu mối ở miền Tây). Rồi có vợ chồng anh Cường làm nghề đúc đồng thuê, vừa nhấp nhổm vì thiếu cà phê, vừa lo không kịp giao hàng cho khách đặt từ trước. Khổ nhất là anh Hai Mập có con bị ung thư máu, vợ làm lao động chân tay, còn anh chuyên thổi kèn đám ma. Gia đình nhỏ của anh giờ phải ở nhà trong khi tiền phòng trọ đã quá hạn…
Cũng đầy nỗi niềm, đó là chú Ba Tân. Chú Ba Tân đã cao tuổi, đang làm bảo vệ hợp đồng cho trường học gần nhà. Hai năm nay dịch tái đi tái lại nên vừa rồi chú phải bán nhà. Vợ chú khi còn sống thì đi bán vé số, chú sửa xe máy, hai ông bà tự nuôi nhau. Từ khi vợ mất, chú sống một mình. Nay chú bán nhà, người mua thương cho chú ở thêm ít tháng, ai ngờ dịch kéo đến, chú cũng không có cách nào an cư nơi khác, và người mua cũng chẳng biết xoay xở ra sao ở phía ngoài barie…
Khi thấy tôi cầm máy ảnh ghi hình nhân viên y tế đang đo thân nhiệt, chị Duyên, một người thuê trọ, nhờ: “Chụp cho em một tấm thật xịn sò, em gửi báo cáo công ty xin nghỉ làm nha anh”.
Đến cuối giờ chiều, tiếng loa lại phát ra, yêu cầu toàn bộ người dân phải hợp tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Từng hộ gia đình được gọi tên, cán bộ của phường luôn miệng nhắc giữ khoảng cách. Trong tiếng thinh lặng vì lo lắng, bất an, mọi người đều làm theo răm rắp những gì được yêu cầu. Các nhân viên y tế thì vầng trán đỏ gay vì nóng, nhễ nhại mồ hôi…

Tranh thủ nhuộm tóc lúc hẻm phong tỏa
Tranh thủ nhuộm tóc lúc hẻm phong tỏa
... Ngày thứ 3 phong tỏa trôi qua thật nặng nề. Khi trên nhóm Zalo thông tin: “Trước hẻm có 3 thùng rác, 2 đựng rác sinh hoạt, 1 đựng rác khẩu trang”, lập tức mấy phút sau cả 3 thùng rác đầy ắp. Để giết thời gian và vơi đi nỗi lo, nhiều nhà mang xe ra rửa, tắm chó. Có vợ chồng anh Châu còn bịt khẩu trang nhuộm tóc cho nhau giữa trời nắng gắt “để diệt vi rút”. Lại có anh Việt là phóng viên viết bài đưa lên Facebook và Zalo về hoàn cảnh trong hẻm, thế là ngay lập tức - thông qua nhóm Zalo - chi bộ khu phố, UBND phường hồi âm: “Chi bộ và chính quyền nắm hết tâm tư bà con, do nhiều nơi phong tỏa nên có việc giải quyết chưa kịp thời nhất, mong bà con đừng giận, sẽ có ứng cứu kịp thời”.
Ấm áp nghĩa tình
Khi hay tin bà con trong hẻm sống trong tình thế phong tỏa, nhiều thân hữu ở bên ngoài gửi nhu yếu phẩm đến tiếp tế. Trong đó, có người không quen thân trước đó, chỉ biết qua thông tin báo chí, cũng gửi ngay tận đầu hẻm cho bà con 300 kg gạo và 300 trứng gà. Cũng có người mang khẩu trang, vài chai dầu gió, bánh kẹo… đến tặng động viên bà con. Quà tặng để đầu hẻm, nhân viên y tế khử khuẩn xong thì bà con ra nhận, chia nhau dùng. Rồi xe của UBND phường chở xuống mấy mươi phần quà với đầy đủ dầu ăn, nước mắm, nước tương, tương ớt, nui, trái cây...
Đến chiều ngày thứ 3, ngay khi mọi người được đo thân nhiệt xong thì hàng chục ký rau, củ, quả được mang đến đặt giữa xóm, nghe nói của một cửa hàng bách hóa bên ngoài barie “ủng hộ bà con”. “Siêu thị rau 0 đồng” trong khu phong tỏa thì có đủ cà rốt, củ cải, hành, ngò, bí đao, bí đỏ, xà lách… cho mọi người tự chọn. Chị My ở đầu hẻm (ngoài barie) còn gửi vào chục ly trà sữa nhà làm “mong các em nhỏ bớt thèm”.
Nhờ vậy, sau 4 ngày, khoảng 100 giờ dài như vô tận, các hộ dân trong hẻm bị phong tỏa lại có bữa cơm ngon và ấm áp đến vậy. Vui vì cảm giác không bị bỏ rơi, vui vì nhận cứu trợ, vui vì “đã âm tính lần 1” nên ai cũng ăn ngon sau mấy ngày đầu “chiến” với mì gói.
Ở đất nước Việt Nam này, ngay tại thành phố này, mỗi lần người dân gặp hoạn nạn, mới thấy thấm thía tình nghĩa của anh em, bạn bè và cả những người sơ giao, người không quen biết. Họ đến với người khó, người nghèo, đến với người trong khu phong tỏa bằng tấm lòng, muốn chia sẻ, muốn an ủi và muốn làm gì đó “tốt một chút cho bà con”.
Và trong nhóm Zalo, bà con lại xôm tụ hưởng ứng việc ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19: “Tui 100.00 nha”, “Tui cũng đóng, 350.000”, “Bé Vy đập heo đất được 700.000 ủng hộ luôn”, “Khi nào đóng tiền vậy bà con”... 
(còn tiếp)
Theo Minh Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.