70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.

Quyết thay đổi phương thức canh tác

Ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Điện Biên kể, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu (cũ) còn nhiều khó khăn. Cánh đồng Mường Thanh lúc đó chỉ rộng khoảng 200-300ha, còn lại chủ yếu là bãi sình lầy. Bà con canh tác ở các cọn nước nhỏ, chặn dòng suối hẹp để phục vụ tưới tiêu nên lúa nước phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Trời tạnh mưa thì suối cạn nước; sóc, chuột cắn phá khắp nơi, đời sống người dân càng thêm khó khăn. Đây là điều băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo địa phương. Lúc bấy giờ lương thực của tỉnh Lai Châu (bao gồm cả tỉnh Điện Biên ngày nay) chủ yếu do Trung ương trợ cấp. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước chủ trương nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm để mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh.

Đại công trình thủy nông Nậm Rốm ngày nay

Đại công trình thủy nông Nậm Rốm ngày nay

“Công trình này được khởi xướng xây dựng từ năm 1961 nhưng thi công dồn dập từ năm 1963 đến 1969. Quá trình thi công rất gian khổ. Dưới đất thì lao động chân tay vất vả, trên đầu canh cánh lo máy bay Mỹ ném bom”, ông Chính nói. Ông Chính lúc đó tham gia xây dựng công trình rồi được chuyển sang phối hợp với lực lượng pháo binh của Quân khu 2 để bắn máy bay tầm thấp, thường trực cảnh báo cho công nhân thi công. “Đơn vị của tôi còn nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu nếu địch đổ bộ. Chúng tôi lúc đó phải ghép từng cái sọt rách thành cái mũ. Cái mũ này tuy không chống bom đạn nhưng chắn được đất đá bay vào”, ông Chính kể rồi bảo chúng tôi, muốn biết kỹ hơn về quá trình xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm, cứ đi theo ông đến gặp một người...

Ông Đỗ Vũ Xô, người trực tiếp tham gia xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm

Ông Đỗ Vũ Xô, người trực tiếp tham gia xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm

Chúng tôi được dẫn đến nhà ông Đỗ Vũ Xô, 81 tuổi. Căn nhà ông ngay cạnh khu vực Đại Công trình thủy nông Nậm Rốm. Năm 20 tuổi, ông vừa được kết nạp Đảng, là Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên đã xung phong lên xây dựng Điện Biên khi Trung ương Đoàn thanh niên phát động phong trào thanh niên đi xây dựng kinh tế mới. “Tôi xung phong đi Điện Biên xây dựng Đại công trình thủy nông Nậm Rốm cùng đoàn Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình.

Đại thủy nông Nậm Rốm là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu), được xây dựng trên lòng chảo Điện Biên Phủ. Đây cũng là công trình lớn thứ 2 cả nước, sau hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình được xây dựng theo kiểu đập tràn tự do, tưới tiêu theo phương thức tự chảy.

Ông Xô kể tiếp: “Khi vừa bước chân xuống ô tô, Bí thư Đoàn thanh niên của công trường đã đến đón chúng tôi. Hôm sau, có ngay lễ phát động phong trào đắp đập nâng cao dòng nước Nậm Rốm lên hơn 9m để đưa vào kênh dẫn. Hệ thống kênh dẫn được xây dựng bên tả, bên hữu như vòng tay ôm trọn cánh đồng Mường Thanh. Kênh tả dài 15km từ Him Lam đi Huổi Phạ, Noong Bua đến Bản Đông xã Thanh Xương, kênh hữu dài 18km từ Him Lam đi Độc Lập, Bản Kéo đến xã Pom Lót (huyện Điện Biên)”.

Công trình của tuổi trẻ

Hai cựu TNXP gặp nhau, câu chuyện về thời trai trẻ dồn dập đổ về. Hai ông kể, lúc bấy giờ, ban đêm máy bay thám thính những điểm cần bắn phá, ban ngày chúng mới trở lại thả bom. Việc xây dựng đập vì thế không thể làm ban ngày. Đêm xuống, đội của ông Xô đào đất, vác gỗ để đầm, đập. Còn đội của ông Chính trực chiến trên đồi cao, đối diện đập Nậm Rốm để cảnh giới máy bay. Khi phát hiện máy bay đến thì gõ kẻng báo để phía dưới tắt đuốc vào hầm trú ẩn.

“Thế mà, trong một trận bom Mỹ đã có 5 người hi sinh. Trận đó, người bị thương, người tử vong nhiều quá không có cáng để khênh. Tôi khi đó là trung đội phó Trung đội Tự vệ, chỉ nặng 41kg nhưng đã cõng một cô gái nặng 65 kg. Tôi cõng chị ấy trên quãng đường mòn dài 3km mới đưa được về đơn vị để mai táng”, ông Xô kể. Theo ông Xô, tính toàn bộ thời gian xây dựng, cả công trường có đến 18 người hi sinh, trong đó có nhiều người vướng phải mìn còn sót lại từ chiến tranh Điện Biên Phủ năm 1954.

Người dân trên cánh đồng Mường Thanh

Người dân trên cánh đồng Mường Thanh

Ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Điện Biên

Ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Điện Biên

Rồi ông Xô kể tiếp, dù địch bắn phá liên tục nhưng không vì thế mà đại công trường ngừng việc. “Chúng tôi biến đau thương thành hành động. Cả công trường lại mở đợt thi đua lao động quên mình bên cạnh các phong trào văn hóa, xóa nạn mù chữ, phong trào văn nghệ, phong trào thể dục, thể thao. Trong đó, ông Trần Công Chính, người Hưng Yên ngồi cạnh tôi đây đã gánh 10 sọt đất mỗi chuyến, tổng cộng một tạ trên chuyến, liên tục cả đợt thi đua” - Ông Xô cho biết.

Hai ông kể, việc ăn uống ở công trường lúc đó rất gian khổ. Thời điểm ấy, đường sá, cầu cống bị máy bay Mỹ đánh phá nên việc viện trợ lương thực từ dưới xuôi lên rất khó khăn. “Có đợt, chúng tôi ăn ròng rã 3 tháng cơm độn ngô xay, sắn khô. Thậm chí, hết gạo phải ăn ngô bung nhiều ngày. Người ốm lúc ấy mới được húp bát cháo loãng, ăn cơm để chóng bình phục. Khó khăn, đói kém thế nhưng tinh thần thanh niên lúc đó rất hăng hái, không ai ỉ lại, đều cùng thi đua để làm”, ông Xô cho hay.

Lúc bấy giờ, công trường không hề có máy móc, thanh niên hoàn toàn làm bằng tay chân, cuốc xẻng. “Khi xây dựng đập, chúng tôi sử dụng những khúc gỗ to, cao gần 1m, được đóng hai tai đối diện nhau. Hai người cầm 2 tai nâng cao rồi đầm mạnh xuống. Lúc đó, thanh niên trong các tổ thi nhau sáng chế ra các dụng cụ để thuận tiện cho thi công. Ví dụ như, có người dùng cây tre đực làm cần cẩu để cẩu đất, đá từ vị trí này sang vị trí khác (cách 10m) mà không phải gánh. Có đồng chí nghĩ ra cách đóng máng tôn hoặc gỗ để tuồn đất xuống vị trí sản xuất, đảm bảo năng suất và an toàn”, ông Xô kể.

Sau gần 7 năm xây dựng, năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được hoàn thành. Việc đưa vào khai thác công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ Đông. Nhờ đó năng suất lúa tăng từ 20tạ/ha lên trên 60 tạ/ha như hiện nay; diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000 ha lên đến gần 6.000 ha. “Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm là công trình phục vụ tưới tiêu hữu ích nhất toàn quốc. Người dân Điện Biên làm nông nghiệp sướng nhất cả nước vì không bị hạn, không bị lũ. Người dân làm nông nghiệp là có lãi, kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác, đời sống ngày càng khấm khá”, ông Trần Công Chính chia sẻ.(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.