70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 15: Arabica tỏa hương dưới đèo Tằng Quái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đỉnh đèo Tằng Quái thơ mộng, chúng ta có thể quan sát toàn bộ thung lũng Mường Ảng trù phú với màu xanh bát ngát của cây cà phê. 

Cà phê của Mường Ảng là loại cà phê arabica thơm ngon, ít chua và ít đắng hơn loại cà phê khác, được trồng theo hướng hữu cơ nên có giá trị cao.

Cùng xây dựng nông trường sau chiến thắng

Ở độ cao từ 700m đến 1.700m so với mực nước biển, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đất đai nơi đây lại màu mỡ, phù hợp với việc phát triển cây công nghiệp. Cùng đi thăm những vườn cà phê đang đơm hoa, ông Nguyễn Công Nuôi (93 tuổi), chiến sĩ Điện Biên, nguyên cán bộ nông trường quốc doanh Mường Ảng, kể lại, sau khi giành thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều chiến sĩ Điện Biên rời quân ngũ, cùng với hàng nghìn thanh niên xung phong từ các tỉnh miền xuôi Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên… ngược đèo Pha Đin hội tụ về đây lập nghiệp, xây dựng nông trường quốc doanh Mường Ảng này.

Vườn cà phê arabica bạt ngàn ở thị trấn Mường Ảng.

Vườn cà phê arabica bạt ngàn ở thị trấn Mường Ảng.

“Lúc bấy giờ, nông trường được tỉnh Lai Châu (cũ) vinh danh là điển hình trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng để xóa đói, giảm nghèo. Lúc cao điểm, số lượng công nhân nông trường lên đến 2.000 người”, ông Nuôi chia sẻ về năm tháng huy hoàng của nông trường. Rồi ông có chút đượm buồn khi nói về cái ngày nông trường phải giải thể vào năm 1993 vì sản xuất kém hiệu quả và thua lỗ.

Vùng trồng cà phê Mường Ảng tập trung tại thị trấn Mường Ảng và 3 xã Ảng Nưa, Ảng Cang, Ảng Tở với tổng diện tích trên 2.200 héc ta. Tổng sản lượng cà phê của huyện mỗi năm đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu đạt khoảng trên 500 tỷ đồng/năm.

Nói về lịch sử trồng cây cà phê ở Mường Ảng, ông Bùi Minh Thế, Chủ tịch hội Cựu cán bộ nông trường quốc doanh Mường Ảng cho hay, cây cà phê đã được người Pháp trồng tại Mường Ảng khi lên chiếm đóng Điện Biên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội hoàn thành chiến đấu, xuất ngũ về tham gia xây dựng nông trường đã tiếp tục trồng cà phê. Nhưng sau đó, nhà nước có chính sách trồng loại cây lấy tinh dầu, nên cà phê bị phá bỏ. Đến năm 1988, nông trường tiếp tục trồng cà phê và đến 1996 thì người dân đã trồng rầm rộ loại cây này. “Cây cà phê đang là cây chủ lực giúp nâng cao đời sống nhân dân; nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”, ông Thế nói.

Đại biểu thưởng thức cà phê Mường Ảng trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu thưởng thức cà phê Mường Ảng trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội.

Vừa chăm sóc cây cà phê của gia đình đang đơm hoa, ông Nguyễn Thế Hoan (60 tuổi) ở thị trấn Mường Ảng chia sẻ, gia đình ông trồng cà phê từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm phát triển, tổng diện tích cà phê của gia đình lên đến 14 héc ta. “Ngày trước, trồng cà phê chỉ đủ nuôi sống gia đình, vì đầu ra còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh Điện Biên. Nhưng những năm gần đây, cà phê Mường Ảng có chỗ đứng trên thị trường, giá cả ổn định giúp các hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, ông Hoan nói.

Giống cà phê ngon nức tiếng

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, trên thế giới cũng như tại nước ta có 3 giống cà phê gồm: Arabica (loại này lá nhỏ nên ở Việt Nam còn được gọi dưới tên cà phê chè), cà phê robusta (hay còn gọi là cà phê vối vì có lá to hơn cà phê chè) và cà phê liberia (còn gọi là cà phê mít vì thân, lá và quả to). Trong đó, hai loại cà phê được ưa chuộng nhất là arabica và robusta. Trên thị trường cà phê arabica được đánh giá cao hơn cà phê robusta vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffein hơn. Một bao cà phê arabica (60 kg) thường có giá cao gấp 2 lần một bao cà phê robusta.

Nhưng muốn trồng được cà phê arabica, phải có được vùng đất cao từ 1.000-1.500 m so với mực nước biển. Và tại Mường Ảng, vùng núi cao mát lành này, giống cà phê được trồng chính là loại cà phê chè - cà phê arabica đặc biệt đó. Chính vì điều này mà cà phê Mường Ảng được những khách hàng sành cà phê trong nước và quốc tế đón nhận. Chị Bùi Thị Việt Hà, Chủ cơ sở sản xuất cà phê Hà Chung ở Mường Ảng chia sẻ: Thời gian qua, huyện Mường Ảng đã tham gia nhiều hoạt động mang tầm cỡ quốc gia. Cà phê Mường Ảng đã tham gia lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. “Tham dự lễ hội ngay tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên nhưng cà phê Mường Ảng không bị lép vế mà vẫn tỏa hương, được du khách trong nước và quốc tế quan tâm và có ấn tượng tốt”, chị Hà tâm sự.

Đặc biệt hơn, cà phê Mường Ảng vinh dự được tham gia trưng bày, giới thiệu, phục vụ cà phê tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV vừa qua. “Trong giờ giải lao, các đại biểu Quốc hội thưởng thức cà phê arabica của Mường Ảng đều tấm tắc khen cà phê ngon, có hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Có đại biểu bày tỏ sự ủng hộ, muốn xúc tiến cho một số doanh nghiệp nước ngoài hiện đang có nhu cầu lớn về cà phê arabica vào đầu tư tại Mường Ảng”, chị Hà chia sẻ.

Đồng bào dân tộc Mường Ảng lựa chọn thu hái những hạt cà phê chín mọng.

Đồng bào dân tộc Mường Ảng lựa chọn thu hái những hạt cà phê chín mọng.

Không vì chỉ giống cà phê chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê và chế biến hạt cà phê đúng quy trình, khoa học đã tạo ra uy tín, thương hiệu cho cà phê của huyện vùng cao Mường Ảng. Chị Bùi Thị Việt Hà chia sẻ, chị và nhiều người khác trong huyện đến với công việc chế biến cà phê rất tình cờ. Ban đầu, chị chỉ rang xay cà phê để dùng trong gia đình, làm quà tặng cho bàn bè, họ hàng. Nhưng rồi, hương vị cà phê Mường Ảng ngon, khác biệt nên ngày càng nhiều người gọi đến đặt chị rang xay. Số lượng người đặt cà phê ngày càng tăng nên chị phải liên kết với các hộ dân để có thể tuyển chọn loại cà phê chất lượng nhất để làm, bán cho khách hàng. Đến năm 2017, chị đã đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu cà phê riêng của mình.

Cùng tham quan vườn cà phê bạt ngàn tại thị trấn Mường Ảng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng khẳng định, cà phê arabica đã, đang và sẽ là cây thế mạnh, chủ lực phát triển kinh tế của huyện. “Chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm cà phê hữu cơ, sản phẩm sạch, an toàn và đang xúc tiến giới thiệu sản phẩm này đến với nhiều khách hàng trên cả nước và quốc tế. Huyện đã xây dựng chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng cho cà phê Mường Ảng”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói. Hiện tại, Mường Ảng đã có 5 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, gồm một sản phẩm OCOP 4 sao và 4 sản phẩm OCOP 3 sao.

“Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển cây cà phê. Trong đó chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ giống cho các hộ trồng cà phê. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra công ăn việc làm, sinh kế và thu nhập cao cho bà con nông dân ở Mường Ảng”, ông Đạt nói.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...