Lung Ngọc Hoàng - 'Lá phổi xanh' của miền Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau chuyến ghé thăm đó của bác Sáu Dân, cái tên Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được định danh đến nay.

“Năm 1999, bác Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) ghé thăm Lung Ngọc Hoàng. Sau khi đi thực tế, về làm việc, bác Sáu Dân căn dặn: Đây là mảnh rừng rất quý, là lá phổi xanh cho cả đồng bằng cần phải bảo tồn”, anh Trần Bé Em, Trưởng Phòng Khoa học và Bảo tồn Lung Ngọc Hoàng, nhớ lại. Và sau chuyến ghé thăm đó của bác Sáu Dân, cái tên Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được định danh đến nay.

Trăn gấm xuất hiện nhiều ở Lung Trăn, trong khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng
Trăn gấm xuất hiện nhiều ở Lung Trăn, trong khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng

“Rốn” cá đồng miền Tây

Dù là ngày nghỉ lễ nhưng anh Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, vẫn cùng gần 40 cán bộ, nhân viên “trực chiến”, bảo vệ rừng trong cái nắng gay gắt. Còn anh Nguyễn Văn Trường, 1 trong 50 hộ dân sống dưới tán cây rừng ở Lung Ngọc Hoàng, lại bận rộn với hơn 30 kèo ong, gác trên thân tràm, bình bát, cà na… Chiếc vỏ lãi khẽ băng qua những đám rong trứng lao qua con kênh nhỏ uốn éo, hai bên là rừng tràm, lau sậy và giăng giăng dây choại quấn lấy, tạo nên nét hoang dã cuốn hút.

“Mùa nắng, tràm trổ bông là lúc ong về làm tổ, cũng là lúc người gác kèo ong đặt hy vọng vào mùa thu hoạch mật ong”, anh Nguyễn Văn Trường cho biết. Anh cùng các hộ dân khác hợp đồng với khu bảo tồn gác kèo ong trong nhiều năm qua. Từ chỗ không có đất, gia đình anh về “cắm dùi” ở đây để kiếm cá đồng, cây rừng khô sống qua ngày. Lâu ngày trở thành “tai mắt canh lửa” ở Lung Ngọc Hoàng.

Do gia đình có 2-3 thế hệ sống tại đây, nên anh nhận đến 6 lô rừng (mỗi lô 25ha), để gác kèo ong và cũng là “bảo vệ cảnh giới” trên diện tích này. Theo hợp đồng, mỗi năm anh Nguyễn Văn Trường nộp cho khu bảo tồn 35 lít mật ong, phần còn lại thuộc về gia đình. Khu bảo tồn còn thuê anh trồng rừng, cắt dây leo..., nên cũng đảm bảo sinh kế. Anh Trần Bé Em chia sẻ: Những người dân như anh Nguyễn Văn Trường đã gắn bó lâu năm với Lung Ngọc Hoàng. Họ yêu những cánh rừng nơi đây, vốn là “lo nồi cơm” của chính mình. Họ là lực lượng cảnh giới rất hiệu quả để cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng nghiêm ngặt.

Với diện tích trên 2.800ha, đây là vùng đất đặc biệt đa dạng sinh học. Anh Lư Xuân Hội cho biết: hiện khu bảo tồn ghi nhận được khoảng 330 loài thực vật bậc cao có mạch, đặc trưng của rừng tràm Nam bộ. Có 3 loài sinh sống được cả ở môi trường nước mặn như: Cóc kèn thuộc họ Đậu, Quao nước thuộc họ Quao, và dừa nước thuộc họ Cau dừa. Động vật rừng của khu bảo tồn được xác định gồm 206 loài động vật có xương sống trên cạn, phân theo các lớp Ếch nhái, Bò sát, Chim và Thú. Về thủy sản có 77 loài cá được ghi nhận ở khu vực này, chiếm 77% tổng số loài đã ghi nhận được ở các khu vực nước ngọt của ĐBSCL.

Khu bảo tồn hiện được trang bị 5 camera (khoảng 1,3 tỷ đồng) giúp quan sát bao quát, canh giữ rừng trong mùa nắng. Do lung lớn quá, đi mãi không hết, ban đầu dân địa phương gọi là Lung Trời. Dần dà có người cách điệu gọi Lung Ngọc Hoàng. Là vùng đất trũng - có cao độ thấp nhất miền Tây, Lung Ngọc Hoàng có rất nhiều lung nhỏ hơn như: Lung Sen, Lung Cỏ Chỉ, Lung Mười Tám, Lung Ba Đìa… Trong đó, Lung Ba Đìa (gồm 3 cái đìa châu vào nhau) được xem là nơi trũng thấp, là cái rốn chứa các loài cá đồng về sinh sống trong mùa khô. Đây cũng là nơi mà cư dân ĐBSCL đổ xô về khai thác cá đồng để làm mắm thời hoang sơ, chưa thành lập khu bảo tồn.

Quảng bá nét nguyên sơ

Cùng với anh Trần Bé Em, chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi đi vào Lung Sen. Đó là một vạt nước cạn pha trộn rong rêu và những vệ cỏ đặc quệt chen nhau trên mặt nước. Nếu bạn có dịp đặt chân đến vùng U Minh Thượng, sẽ bắt gặp hình ảnh tương tự tại Lung Ngọc Hoàng. Chiếc vỏ máy lách chậm, vượt qua những vệ cỏ, thi thoảng chim cò vụt bay trước mắt khiến bạn giựt mình.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: VĨNH TƯỜNG
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: VĨNH TƯỜNG

Tỉnh Hậu Giang được tách ra từ tỉnh Cần Thơ năm 2004. Đến năm 2019, Hậu Giang mới tính chuyện khai thác du lịch ở Lung Ngọc Hoàng. Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, đánh giá: “Tài nguyên của Lung Ngọc Hoàng còn nguyên vẹn, gây ngạc nhiên lớn cho các hãng lữ hành chuyên về du khách nước ngoài, bởi họ không biết ngay trung tâm ĐBSCL có khu bảo tồn như thế”. Còn ông Stiermann Marrin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logge ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), sau khi đặt chân đến đây đã thốt lên: “Tuyệt vời. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh quan tuyệt vời như thế này!”.

Trong một dịp làm việc với tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát Lung Ngọc Hoàng và đề nghị tỉnh tìm nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để phát huy, khai thác các yếu tố tự nhiên của khu bảo tồn nhằm phát triển du lịch sinh thái. “Chính quyền các cấp vận động nhân dân tham gia làm tốt công tác bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm. Việc phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn nguyên vẹn vùng lõi theo đúng quy định, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của con người tới thiên nhiên và hệ sinh thái nơi đây”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chiều buông, chúng tôi rời Lung Sen. Những cây sen vươn mình khỏi lớp rong trứng phủ dày mặt nước, nhiều đàn cá ròng ròng chen chúc tìm thức ăn. Tiếng chim bìm bịp vang vọng như báo hiệu con nước lớn - ròng hoán đổi theo chế độ bán nhật triều của miền Tây. Tôi chợt nhớ bài hát Về lại Lung Ngọc Hoàng của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc (nguyên Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang): “Chim bìm bịp kêu theo con nước lớn, con nước ròng. Nghe tiếng rừng nỉ non, nôn nao ray rứt trong lòng… Bồng bềnh sương bay, trời mây chập chùng. Dưới lung cá ục, tiếng chim rúc trên đầu, ếch gọi bầy rền vang. Bước chân hoang đàn thú, gió lay rừng vi vu…”. Lời bài hát như nhắc nhở chúng ta cần bảo vệ “Lung Ngọc Hoàng - lá phổi xanh của miền Tây” - nơi lưu giữ ký ức của một thuở cha ông mở cõi về phương Nam!

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.