Chăn trâu giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghề chăn trâu bán ngoài việc giúp các gia đình giàu kinh tế để nuôi con vào đại học thì họ còn góp phần hỗ trợ lực lượng chức năng chăm sóc và bảo vệ rừng.
Bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) nằm hun hút giữa những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn, cạnh thượng nguồn hồ thủy lợi Tả Trạch lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên. Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, nẻo đường về bản đầy ắp không khí sắc Xuân. Bên hiên nhà, cành mai chậu cúc đã trổ hoa vàng.
Nuôi trâu giữa lòng hồ
Ông Hồ Văn Phai - Trưởng bản Phúc Lộc, tổ trưởng tổ nuôi trâu cộng đồng của bản đã nhiều năm, tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn cao ráo được xây bằng bê tông giả gỗ. Nhấp ngụm nước trà thơm, nhâm nhi miếng mứt gừng ngày Tết, ông Phai cẩn thận dò lại lịch trực giữ trâu của đội. "Hôm qua là Hồ Văn Quang, còn hôm nay là gia đình tôi phải trực" – ông Phai sực nhớ rồi gọi vợ nhanh chóng vào rừng coi trâu.
Vợ ông Hồ Văn Phai băng rừng vào Khe De chăn trâu.
Vợ ông Hồ Văn Phai băng rừng vào Khe De chăn trâu.
Như đã sẵn sàng, vợ ông Phai nhanh chóng đeo gùi, tay cầm rựa, áo phao rời nhà để lên đường vào rừng như lời nhắc của chồng. 
Từ bản Phúc Lộc di chuyển 3km đường lâm sinh đến bến đò khu vực lòng hồ, vợ ông Phai cùng với 2 người khác trong bản tiếp tục lên đò ngược dòng nước thêm 10 km mới đến khu vực Khe De, thượng nguồn hồ Tả Trạch – nơi từ lâu họ chăn thả trâu. Mất chừng 2 giờ đồng, họ mới tới nơi.
Khu vực Khe De nằm gần các tiểu khu 171, 178, 181, 184 giáp ranh xã Xuân Lộc, Phú Lộc; Hương Sơn, huyện Nam Đông nên thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy và đang thực hiện trồng rừng thay thế với diện tích trên 450 ha.
Tổ "công tác" nhanh chóng chia các hướng đi vào các lối mòn giữa những cánh rừng để kiểm đếm trâu, lùa chúng về tập trung ở lán trại. Công việc mà chúng tôi tưởng chừng như rất gian nan nhưng đối với họ khá dễ dàng. Tầm 20 phút sau, từ đằng xa tôi đã nghe tiếng leng keng của những thanh sắt treo ở cổ trâu. Rồi trong chớp mắt, từng đàn trâu nối đuôi nhau ra khỏi rừng.
Đường vào Khe De cách trở.
Đường vào Khe De cách trở.
Họ cẩn thận kiểm đếm số lượng, quan sát đặc điểm của từng con mà trong đó chú ý đến những con trâu đang mang thai cận ngày sinh đẻ. Các chi tiết ấy được ghi chép đầy đủ trong sổ "công tác" của nhóm.
Người dân bản Phúc Lộc vốn từ những vùng rẻo cao miền biên viễn tỉnh Quảng Trị di cư vào đây khoảng mấy mươi năm trở về trước. Khi ấy, cuộc sống của hộ chủ yếu bám vào rừng, săn trâu hoang. Rồi khoảng 20 năm trở lại đây, họ bắt đầu lập nghiệp bởi nghề nuôi trâu bán tự nhiên ở Khe De. Hiện có khoảng 70 hộ ở bản Phúc Lộc mưu sinh bằng nghề chăn thả trâu tự nhiên như vậy ở khu vực Khe De. Để theo dõi, quản lý số lượng trâu hàng trăm con ở giữa rừng, họ chia thành nhiều tổ và mỗi ngày có những nhóm nhỏ vào rừng để quản trâu.
Tại Khe De, ban ngày trâu được đưa vào thả rông trong rừng. Chiều xuống, theo thói quen chúng trở về các chuồng trại mà chủ đã dựng sẵn. Bà Hồ Thị Sáng, cho biết gia đình bà có đên 25 con trâu được chăn thả ở Khe De. Nhóm chăn trâu của bà gồm 8 hộ, cứ mỗi ngày sẽ có 2-3 hộ cắt cử người vào Khe De. "Mùa hè thì ngày nào chúng tôi cũng vào đây, còn mùa mưa nước hồ dâng cao nên có lúc cả tháng cũng không vào, mặc cho trâu sinh sống tự nhiên" – bà Sáng nói.
Trước đây chưa có hồ thủy lợi Tả Trạch thì việc vào Khe De khá thuận lợi, chỉ cần đi bộ men theo các lối mòn là tới nơi. Kể từ 7 năm nay, khi hồ tích nước  họ phải đi xuồng vượt những khe suối. Cũng từ khi có hồ chứa, thảm thực vật ở Khe De tươi tốt hơn nhiều, rừng đã tái sinh nên nuôi trâu gặp thuận lợi.
Để đánh dấu chủ sở hữu, các con trâu được xâu tai, cắt lông đuôi. "Trâu được thả quanh năm trong đó, hàng ngày có người trông coi, khi cần thì bắt về. Quan trọng nhất là khi trâu sinh nở, mình phải có mặt để chăm sóc" – ông Phai giải thích về nghề chăn trâu của bản mình.
Hài hòa sinh kế
Nhiều năm trước, khi cơ giới hóa chưa phát triển mạnh, cứ đến mùa vụ thì dân bản Phúc Lộc lại vào rừng Khe De bắt trâu về cày ruộng. Còn giờ đây, họ nuôi trâu chủ yếu để cung ứng cho các lò mổ bán thịt hoặc bán trâu con (nghé) cho các gia đình nuôi.
Trước khi trâu được bắt về, thương lái thường theo chủ vào Khe De để xem và chọn trâu. Sau khi chọn xong, thương lái về xuôi thì chủ sẽ phải bắt con trâu ấy đưa về.
Ông Hồ Văn Phai, cho biết trung bình mỗi năm một hộ thu nhập từ 70-100 triệu đồng từ bán trâu. Cuộc sống của gia đình họ khá giả, nhiều người xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành thành tài. Trong đó, gia đình ông Phai có lẽ là hộ thành công nhất bởi nhờ chăn trâu mà 3 người con đã và đang học đại học. "Nghề này rất vất vả nhưng cũng nhờ đó mà con cái có điều kiện học hành. Cách đây mấy ngày thương lái vào mua trâu nhiều lắm, năm nay ai cũng có trâu bán nên Tết ấm cúng" – ông Phai chia sẻ thêm.
Ngoài vững về kinh tế nhờ trâu, người dân bản Phúc Lộc còn rất tự hào bởi công việc của họ từ lâu đã có mối liên hệ mật thiết với lực lượng bảo vệ rừng, họ trở thành "tai mắt" của kiểm lâm. Và trong sổ "nhật ký công tác" của từng nhóm, ngoài cập nhật về đàn trâu thì các thành viên khi nhận "nhiệm vụ" vào rừng đều không thể bỏ sót các thông tin tình trạng rừng, sự bất thường của cây, khu vực cần tránh chăn thả trâu hoặc những dấu hiệu của "lâm tặc" uy hiếm đến rừng...
Những con trâu là tải sản quý giá của các hộ dân bản Phúc Lộc.
Những con trâu là tải sản quý giá của các hộ dân bản Phúc Lộc.
Ông Hoàng Phước Toản, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, cho biết để thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng cũng như phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng, đơn vị đã hợp đồng với đại diện tổ chăn nuôi trâu cộng đồng bản Phúc Lộc. Ngoài chức năng quản lý số lượng trâu bò do các hộ dân chăn thả, người dân còn tham gia hỗ trợ lực lượng khi có cháy rừng xảy ra trên các địa điểm được ký kết, khi thấy có dấu hiệu phá rừng, lấn chiếm đất đai thì người dân đều thông báo đến chủ rừng.
"Giữa chúng tôi với người dân bản Phúc Lộc hàng năm đều có hợp đồng với nhau trong việc chăn thả trâu cũng như tham gia bảo vệ rừng. Người dân ở đó chấp hành rất tốt, họ đã giúp chúng tôi giữ rừng và chăm sóc cây cối" – ông Toản cho hay.
Việc nuôi trâu của người dân bản Phúc Lộc luôn hài hòa với chăm sóc, bảo vệ rừng.
Việc nuôi trâu của người dân bản Phúc Lộc luôn hài hòa với chăm sóc, bảo vệ rừng.
Để trâu không xâm phạm những cánh rừng mới trồng, người dân bản Phúc Lộc quy định nghiêm ngặt đến từng hộ gia đình về việc quản trâu. Theo đó, họ sẽ đưa trâu đến những cánh rừng già, khu vực được chăn thả và thường xuyên bố trí người canh trực.
Ông Hồ Văn Quang, một "đại gia" bản Phúc Lộc khi sở hữu trong tay gần 40 con trâu chăn thả ở Khe De, quả quyết rằng việc giữ rừng quan trọng như việc giữ trâu bởi chăm cây thành rừng, giữ được cây là thảm thực vật phát triển, đàn trâu của họ dồi dào nguồn thức ăn.
Quang Tám (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...