Cây"tỉ đô" ở Tây Nguyên giờ ra sao:Vào vườn mắc ca "tính tiền"cùng nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù chưa cho thu hoạch chính thức, cũng không được chăm sóc cẩn thận, kỳ công như hồ tiêu, cà phê nhưng mắc ca-loài cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” đã từng bước khẳng định vị thế của mình khi đem lại niềm vui cho người nông dân.
Mắc ca-loài cây còn nhiều "bí ẩn"
Khoảng 10 năm trở lại đây, cây mắc ca được trồng trên diện tích lớn tại các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một loài cây có giá trị, hứa hẹn sẽ giúp bà con cải thiện kinh tế.
Trên thị trường hiện nay, giá hạt mắc ca tương đối cao và ổn định (từ 80-100 ngàn/kg hạt tươi).
Tuy nhiên, năng suất của loài cây này đang là một dấu hỏi rất lớn đối với các nông hộ và cơ quan chuyên môn. Có những vườn cây sai quả, nhưng cũng có không ít vườn mắc ca ra trái kém. Vậy nguyên nhân của vấn đề này là gì?
Trong 10 năm trồng mắc ca, bà con được gì và mất gì? Làm thế nào để trồng mắc ca một cách hiệu quả và cho năng suất tốt nhất?
Nhằm giải đáp những thắc mắc này, PV Báo điện tử Infonet đã có những buổi vào vườn mắc ca tìm hiểu thực tế và phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp để có thông tin thực tế nhất về hiện trạng và hiệu quả đầu tư loại cây này.
 
Ông Điểu Đắc (bên phải) vui mừng vì vườn mắc ca cho ra trái bói 2 lần/năm
Vào vườn mắc ca nói chuyện với nông dân
Dẫn PV dạo quanh một vòng trong rẫy mắc ca của mình, ông Điểu Đắc (SN 19965, bon Bu Brăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho hay, năm 2012, ông trồng xen 400 cây mắc ca trong vườn cà phê. Đến năm 2017, cả 400 cây mắc ca của ông đã cho trái bói. Đặc biệt, cây mắc ca của ông cũng như của bà con tại Quảng Trực lại cho một năm 2 lần quả khiến bà con rất vui mừng.
Ông Điểu Đắc chia sẻ: “Có lẽ là do khí hậu phù hợp nên vùng Quảng Trực chúng tôi được thu 2 đợt mắc ca trong năm vào tháng 3 và tháng 9. Dù vườn tôi mới thu bói nhưng cũng cho thu nhập hơn 50 triệu/năm. Mình trồng chơi chơi, ít chăm sóc mà có thu nhập vậy là vui rồi”.
Cũng theo ông Điểu Đắc, ngoài thị trường, giống mắc ca giao động từ 40-50 ngàn/cây. Như vậy, việc đầu tư để trồng mắc ca không tốn quá nhiều công sức. Nếu trồng tập trung, mỗi ha đất sẽ trồng được từ 290-330 cây mắc ca, tương đương khoảng 12-15 triệu đồng tiền giống, tính cả tiền công đào hố, trồng thì mất khoảng 25 triệu/ha. Đến năm thứ 5 cây bắt đầu cho thu bói, khoảng năm thứ 8 sẽ cho thu hoạch chính thức với năng suất từ 3-5 tấn hạt/ha. So với mức giá hiện tại (80-100 ngàn/1kg hạt tươi), mỗi ha mắc ca sẽ thu về từ 200-300 triệu, trừ chi phí ra cũng rất có lợi nhuận vì cây này ít tốn công chăm sóc, khi thu hoạch cũng đơn giản vì thương lái thường thu mua quả tươi, nông dân không phải mất công bảo quản lâu. 
Tương tự, ông Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Brăng 2 cũng trồng 400 cây mắc ca xen canh với cà phê và cũng có mức thu nhập khoảng 50 triệu/năm. Theo ông Hải, việc trồng xen canh cây mắc ca với cà phê hoặc hồ tiêu rất tiện lợi. Trong khi đó, bà con cũng không phải mất thêm công sức để chăm sóc mắc ca vì loài cây này có sức chịu đựng rất tốt.
Theo ông Hải, đa số bà con trồng mắc ca tại xã Quảng Trực đều được Ngân hàng Liên việt Postbank (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) hỗ trợ cho vay vốn để mua cây giống, đầu tư phân bón nhằm chăm sóc vườn mắc ca. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo cũng được huyện cấp giống mắc ca miễn phí. Trên địa bàn xã Quảng Trực, bà con chủ yếu trồng xen canh cây mắc ca với cà phê, hồ tiêu nên chi phí thấp, khả năng rủi ro ít, việc thu hồi vốn là chuyện không quá khó. Tuy nhiên, để đánh giá được hiệu quả thực sự mà loại cây này mang lại thì phải cần thêm thời gian khi cây được từ 8-10 năm tuổi. 
Ông Hải trao đổi: "Đa số bà con trồng xen mắc ca với vườn cà phê. Hiện giờ vừa có cà phê, vừa có mắc ca đề thu hoạch là vui rồi. Còn việc đánh giá mắc ca mang lại năng suất, hiệu quả như thế nào phải cần thêm thời gian vì các vườn mắc ca hiện giờ vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết, ra trái bói chứ chưa cho thu hoạch chính thức". 
Ông Hải chia sẻ thêm rằng, cây mắc ca trên địa bàn phát triển khá đồng đều, tỉ lệ sống tới 95%. Trong khi đó, công chăm sóc, thu hoạch cây mắc ca rất ít, nhàn rỗi hơn nhiều so với cà phê, hồ tiêu, điều..
"Thi thoảng có vài cây bị xì mủ ở gốc, còn chưa có vườn nào bị sâu bệnh cả. Cây mắc ca khỏe lắm, bà con chủ yếu phát cỏ, tưới nước chứ hầu như không phải phun thuốc", ông Hải trao đổi. 
Theo tìm hiểu của PV, hiện tại ở huyện Tuy Đức có 2 điểm thu mua hạt mắc ca là Công ty Lữ Hoàng và Công ty Phú Nông. Ngoài ra, còn nhiều điểm thu mua nhỏ khác đảm bảo đầu ra cho hạt mắc ca của bà con nông dân trên địa bàn. 
Một chủ đại lý thu mua hạt mắc ca tại huyện Tuy Đức chia sẻ, mấy năm nay lượng thương lái, đại lý thu mua hạt mắc ca đã xuất hiện nhiều. Do đó, sự cạnh tranh về việc thu mua loại hạt này đã bắt đầu giúp nông dân hưởng lợi, không có chuyện độc quyền khi thu mua hay không tìm được đầu ra cho mắc ca. “Hiện nguồn mắc ca tại tỉnh Đắk Nông còn ít, nhiều khi thương lái, đại lý chẳng có hàng để mua”, người này chia sẻ.
Tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) hiện có khoảng 300 ha mắc ca. Theo Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện đã xuất hiện các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất như máy xay, máy sơ chế, bảo quản hạt mắc ca.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến hạt mắc ca được thành lập, thu mua quả tươi để rang sấy, đóng hộp, nhiều thương hiệu hạt mắc ca địa phương xuất hiện trên thị trường. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ, đầu ra cho hạt mắc ca đang dần hình thành và từng bước ổn định.
Một chủ cơ sở sản xuất mắc ca tại huyện này cho hay, hiện nguồn hạt mắc ca tại địa phương chưa đủ cung cấp cho các cơ sở thu mua, sơ chế. Riêng các công ty lớn tại Đắk Lắk thì phải nhập hàng từ nước ngoài về để chế biến, xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…Còn cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ thì chủ yếu đưa hạt mắc ca vào tiêu thị tại cá thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…”Nhìn chung, thị trường tiêu thụ hạt mắc ca khá sôi động. Tuy nhiên, nguồn hàng trong nước, cụ thể là khu vực các tỉnh Tây Nguyên thì phải chờ vài năm nữa mới cung ứng được”, người này đánh giá.
Tại Krông Năng, cũng có nhiều hộ bắt đầu gặt hái thành công từ vườn mắc ca. Điển hình như trường hợp ông Đinh Công Định (SN 1971, ngụ xã Đliê Ya). Hiện ông Định đang có 18 ha mắc ca. Trong đó, có 3 ha cho thu hoạch chính thức, 10 ha cho trái bói. Mỗi năm, ông thu được hàng tỷ đồng từ hạt và các sản phẩm khác của mắc ca.
Ông Lê Rế, Trưởng Phòng NN-PTNT Krông Năng chia sẻ, nhằm định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ mắc ca một cách hiệu quả, lãnh đạo huyện và các phòng chuyên môn đã nỗ lực phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã đến người dân. Qua đó, từng bước tạo chuỗi liên kết sản phẩm trong việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con và tạo dựng thương hiệu hạt mắc ca Krông Năng.
Những ưu thế của “nữ hoàng”
 
Nhiều nông dân "làm chơi ăn thật" nhờ cây mắc ca
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích 2.266 ha trồng mắc ca, chiếm 64,01% diện tích cây mắc ca của cả nước; sản lượng quả tươi thu hái được 246 tấn, chiếm 91,45% sản lượng của cả nước.
Diện tích mắc ca tại Tây Nguyên chủ yếu tập trung tại các tỉnh Lâm Đồng (44,04%), Đắk Nông (35,30%) kế đến là Đắk Lắk.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 766 ha mắc ca, chủ yếu trồng tập trung tại hai huyện Krông Năng và Ea Kar. Còn tỉnh Đắk Nông có khoảng 800 ha mắc ca, được trồng tập trung tại huyện Tuy Đức.
Nhìn chung, cây mắc ca có nhiều ưu thế vì “dễ tính”, sức chịu đựng tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, mức đầu tư về công sức, phân bón, nước tưới thấp hơn nhiều so với cà phê và hồ tiêu.
Đặc biệt, cây mắc ca thích nghi với nhiều môi trường thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Bởi vậy, nếu người trồng có chế độ chăm sóc hợp lý, mắc ca có thể sinh trưởng, phát triển tốt trên đất nghèo kiệt, cằn cỗi, hàm lượng bô-xít mà ít loài cây có thể sinh sống được.
Ngoài ra, mắc ca cũng được đánh giá có khả năng kháng bệnh cao. Đến nay chưa phát hiện loại sâu bệnh nào gây nguy hại nghiêm trọng trên các diện tích được trồng. Hiện chỉ có bệnh xỉ mủ ở gốc, thân cây gây héo cây ở mức độ nhẹ, xuất hiện rải rác ở một số nơi.
Cây mắc ca tại Đắk Lắk và Đắk Nông được đánh giá có tốc độ sinh trưởng mạnh, thích hợp với khí hậu, đất đai tại địa phương, dễ chăm sóc, phù hợp với tập quán canh tác cũng như điều kiện đầu tư, sản xuất của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ.
Mặt khác, mắc ca là cây lâm nghiệp, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Sau 3 năm trồng, mắc ca có thể đạt chiều cao 3m, tán lá rộng trên 2,5m và đạt độ che phủ tương đối. Như vậy, việc trồng mắc ca vừa đem lại lợi ích về kinh tế cũng như phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hiệu quả.
Trên thực tế, tại một số vùng như Krông Năng (Đắk Lắk), Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng), Tuy Đức (Đắk Nông), việc bà con trồng xen mắc ca với các loại cây khác đã mang lại hiệu quả ban đầu về kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, đây là loài cây mới nên cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, công tác chọn giống, quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca cần gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng. Do đó, dù mang nhiều ưu thế, nhiều tiềm năng nhưng không thể trồng mắc ca đại trà, tránh bài học vỡ quy hoạch như cây hồ tiêu.
Mùa quả ngọt
 
Xã Quảng Trực là nơi nhiều vườn mắc ca cho 2 vụ trái mỗi năm
Huyện Tuy Đức là nơi được quy hoạch, trồng tập trung nhiều diện tích mắc ca nhất của tỉnh Đắk Nông. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Đức, cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương này. Các giống mắc ca được trồng chủ yếu ở Tuy Đức gồm OC, 246, 816, 900, H2… Trong đó, tỷ lệ cây sống đạt 95%, hiện tại các vườn chưa bị sâu bệnh, cây phát triển tốt. Đặc biệt, những vườn trồng từ 2012-2013 đã cho thu bói, năng suất khoảng 5-6kg hạt/cây.
Hiện giá bán hạt mắc ca tại Tuy Đức giao động từ 80-100 ngàn/kg chưa qua chế biến. Do vậy, mắc ca được đánh giá là cây trồng tiềm năng bên cạnh cà phê, hồ tiêu…
Từ những mô hình trồng thí điểm, UBND huyện Tuy Đức xác định, mắc ca sẽ là cây trồng chủ lực của huyện trong tương lai. Tuy nhiên, để phát triển cây mắc ca một cách bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cần phải phân vùng cụ thể, diện tích mở rộng hàng năm.
Bên cạnh việc quản lý về diện tích, địa điểm trồng, UBND huyện Tuy Đức cũng quản lý ngay từ khâu đầu vào như chất lượng cây giống, kỹ thuật trồng… Đồng thời, các hộ nông dân cũng được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thị trường giống, giá cả sản phẩm, tình hình sản xuất, tiêu thụ mắc ca trong nước và thế giới…
Nhờ có sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, hiện nhiều hộ dân tại Tuy Đức đã bắt đầu thu hái những “mùa quả ngọt” từ cây mắc ca.
(còn tiếp)
Trần Nhân (infonet)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.