Giống tốt là tiền đề để trồng mắc ca thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian gần đây có thông tin cho rằng, trồng mắc ca ở một số cơ sở bị thất bại. Xung quanh dư luận này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam.

Ông Hùng cho hay, cách đây ít năm, việc tranh luận về phát triển mắc ca đã nổ ra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều ý kiến khác nhau đã được bày tỏ. Cho tới khi những vườn mắc ca đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch thì khỏi phải cãi cọ nữa.
 

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trong chuyến tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm vườn mắc ca ở Lâm Đồng
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trong chuyến tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm vườn mắc ca ở Lâm Đồng

Thưa ông, chính Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng từng khẳng định rằng, phát triển mắc ca nếu không nhanh là mất thời cơ. Vậy theo ông, mắc ca đã thực sự là đối tượng đầy triển vọng góp phần vào tăng thu nhập cho người dân chưa?

Bạn nhắc đến ý kiến của Tư lệnh ngành nông nghiệp nên tôi nhớ chính xác hôm đó, ông Nguyễn Xuân Cường còn đặt ra câu hỏi là, với tiềm năng và quy hoạch hiện tại thì sản phẩm làm ra liệu đã đủ đáp ứng nhu cầu của 92 triệu người dân trong nước và hàng triệu lượt khách quốc tế đến du lịch chưa? Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề là phải vào cuộc một cách quyết liệt và triển khai thực sự bài bản. Còn nếu làm kiểu vô quản trị thì lại chết cho dân, chết cho doanh nghiệp và mất đi một ngành hàng đang có nhiều triển vọng.

Rõ ràng mắc ca là mặt hàng sản phẩm mới trong nông nghiệp nước ta, được nhiều người đánh giá là có triển vọng. Cái thuận của mắc ca là đất nước ta trải dài 15 vĩ độ, có hai tiểu vùng khí hậu rất tốt để cây ra hoa, tạo quả tốt, đó là Tây Nguyên và Tây Bắc. Dù hàng hóa từ mắc ca đem lại chưa thể đạt triệu đô xuất khẩu nhưng giờ sản phẩm đã rõ hình hài, ngay cây giống chúng ta đã ghép được rất tốt rồi. Bước đầu như thế là ổn. Chưa có một sản phẩm nông nghiệp nào lại có một ngân hàng và Hiệp hội đi kèm như mắc ca.

Để thúc đẩy mặt hàng này phát triển, phía Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã có những hành động thiết thực nào thưa ông?

Hiệp hội và cả các doanh nghiệp cũng như người trồng mắc ca đều xác định phải tính dài hơi, không chỉ đơn thuần sản xuất ra lấy mỗi quả sấy khô bán hoặc xuất khẩu thô. Chúng ta phải tạo ra được chuỗi giá trị chế biến thật sâu, tiến tới tinh dầu và các sản phẩm làm đẹp, làm giàu dinh dưỡng cho con người... Giá trị chính là chỗ này đấy.

Nhận thức rõ như vậy nên phía Hiệp hội đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực tế tại các nước có kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tiêu thụ mắc ca như Úc, Nam Phi, Trung Quốc, Thái Lan… Thực tiễn cho thấy, tuy mắc ca là loại cây mà loài người mới tìm thấy cách đây hơn 100 năm nhưng nó đã mau chiếm được vị trí ngang hàng với nhiều loài cây truyền thống khác. Ngành mắc ca phát triển rất nhanh trên thế giới.

Chúng tôi đã tham dự nhiều hội thảo quốc tế về cây mắc ca và thấy rõ triển vọng rất tốt về loài cây này. Các chuyên gia Úc khi tới thăm Việt Nam còn đánh giá đất ở Tây Nguyên để trồng mắc ca còn tốt hơn cả ở Úc…

Trung tuần tháng 3 năm nay, tại TP Sydney, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều bộ trưởng của Việt Nam đã chứng kiến Lễ ký hợp tác giữa Hiệp hội mắc ca Úc và Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Khi được Tổng giám đốc Hiệp hội mắc ca Úc, ông Jolyon Burnett, hỏi liệu Việt Nam có xem mắc ca là ngành sản xuất nông nghiệp hay không, Thủ tướng đã cầm một hộp mắc ca sản xuất ở Việt Nam và mời các nhà đầu tư của Úc thưởng thức và bày tỏ mắc ca ở Việt Nam tốt hơn ở Úc.

Trả lời thay Thủ tướng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết nguồn cung mắc ca hiện không đáp ứng đủ nhu cầu trên thị trường thế giới và Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng cây mắc ca, loại cây xuất xứ từ Úc, trong hơn 20 năm nay.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm đến các đối tượng sản xuất có giá trị cao cho nông dân và nhà đầu tư. Trong đó, cây mắc ca là một đối tượng Chính phủ cho phép phát triển.

Thưa ông, điều mà một số nông dân băn khoăn chính là việc chọn nguồn giống cây mắc ca ở đâu cho đúng chất lượng. Vì có nghi ngại rằng, Hiệp hội đang cùng doanh nghiệp mắc ca đi bán giống. Ý kiến của ông về băn khoăn này như thế nào?

Tôi cho rằng, hiếm có một cây trồng nào mà có hẳn một Ngân hàng đi kèm và một Hiệp hội cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân như cây mắc ca. Ngân hàng Cổ phần Bưu điện Liên Việt đã dành gói vốn 11.000 tỷ cung ứng cho đầu tư phát triển mắc ca, từ xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất giống đến cho nông dân vay vốn và chiến lược bao tiêu sản phẩm.

Tất cả anh em chúng tôi trong Hiệp hội đều cung cấp số điện thoại để người dân phản ánh khi có những vấn đề băn khoăn về thủ tục vay vốn, giống, kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm.

Các đơn vị cung ứng giống được Hiệp hội giới thiệu đều mua cây giống đầu dòng với giá 15 triệu đồng/cây. Có doanh nghiệp họ đầu tư cả 40 tỷ đồng cho một vườn giống. Trong khi họ bán 60 – 70 ngàn đồng/cây cho bà con. Tôi khẳng định rằng, làm giống không lợi nhuận gì trong đó. Vấn đề là một cây giống đó nó sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm thì bà con phải tính. Đấy mới là lợi nhuận bền vững cho người trồng mắc ca. Còn mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát vô cùng lớn.

Tôi xin nhấn mạnh và khẳng định lại một lần nữa rằng, việc trồng giống nào, mua ở đâu là quyền của bà con. Hiệp hội không bắt người dân phải mua giống ở chỗ này chỗ khác. Chúng tôi có điều kiện học hỏi, nghiên cứu ở nhiều quốc gia trồng mắc ca nên khuyến cáo để bà con lựa chọn thôi.

Theo ông, cây mắc ca nên phát triển theo hướng nào?

Có lẽ đã qua cái thời phải vận động bà con hiểu và tổ chức trồng mắc ca. Vì đến bây giờ, các mô hình trồng mắc ca thành công là bài học rõ ràng nhất cho nhân dân. Chúng ta đã có hàng trăm mô hình đó trên nhiều tỉnh. Tôi cho rằng, ở đâu có điều kiện thuận lợi để trồng mắc ca mà lại không trồng thì đó là một thiệt thòi. Nhiều người còn so sánh mắc ca với các loại cây trồng truyền thống khác. Họ đánh giá cây mắc ca còn cao hơn nhiều.

Để khắc phục tình trạng giống kém chất lượng, Bộ NN-PTNT đã xác định và có danh mục các giống mắc cá đạt yêu cầu. Trước mắt, Bộ đã cho phép lưu hành 10 giống mắc ca tốt.

Cty Him Lam- Mắc ca đã đầu tư xây dựng một vườn sản xuất giống mắc ca hiện đại vào loại nhất nhì thế giới. Cơ sở đó đã cung cấp hàng chục vạn cây giống tốt cho khắp nơi. Bà con cần lấy giống ở các cơ sở có uy tín như thế này vì ở đó đã được cơ quan chuyên môn cấp Bộ xác nhận. Giống tốt là tiền đề để trồng mắc ca thành công.

Xin cảm ơn ông!


“Khi tới thăm vườn trồng mắc ca ở tỉnh Lâm Đồng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất vui. Khi báo chí nêu câu hỏi, ông đánh giá như thế nào về cây mắc ca?, nguyên Chủ tịch nước chỉ tay về phía các bác nông dân, rồi nói, cứ nhìn những nụ cười của họ thì biết cây mắc ca tốt hay không tốt”, ông Nguyễn Lân Hùng kể.



Thanh Hà (nongnghiep)

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.