Cặp bài trùng số 1 giới tỷ phú Việt thực hiện phi vụ lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cặp đại gia “Đông Âu” kín tiếng tiếp tục cho thấy sự ăn ý hiếm có trong giới tỷ phú Việt với một thương vụ lịch sử mới. Cặp bài trùng đã giàu lên nhanh chóng sau thời gian khởi nghiệp ở Đông Âu. Tỷ phú USD ngầm lần lượt thâu tóm các dự án lớn trong quá trình xây một đế chế đa ngành.

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang vừa công bố thông tin trên cổng tin điện tử của UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM (HOSE) về việc mua lại 49% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới từ H.C.Starck.

Theo đó, CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (MSR) đã chi hơn 29 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) mua 49% phần vốn tại Công ty tinh luyện vonfram Núi Pháo - H.C.Starck từ đối tác H.C.Starck. Theo đó, Núi Pháo đã trở thành công ty con do MSR sở hữu 100% vốn.

CTCP Tầm nhìn MaSan hiện đang nắm khoảng 96% cổ phần của Masan Resources (MSR). Trong khi đó, CTCP Tầm nhìn Ma San là công ty con 100% vốn do CTCP Tập đoàn Masan (MSN) nắm giữ.


 

Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh.
Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh.



Như vậy, thương vụ này thực chất là do Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang thực hiện và Tập đoàn Masan đã có công bố thông tin báo cáo UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM (HOSE).

Trước đó một ngày (14/8), thông tin từ HOSE cho biết, CTCP Chứng khoán Kỹ thương - công ty con 100% vốn đầu tư của Ngân hàng Techcombank đã chi 500 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Techcombank là ngân hàng do ông Hồ Hùng Anh làm chủ tịch và Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ 15% cổ phần. Ông Hồ Hùng Anh gắn bó với Masan từ năm 2004 và là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan từ tháng 12/2008,  trước khi từ nhiệm vào tháng 4/2018 để tập trung vào Techcombank theo quy định của NHNN.

Cặp đại gia bài trùng này đã giàu lên nhanh chóng sau một thời gian trở về Việt Nam sau thời gian khởi nghiệp ở Đông Âu và đang dắt tay nhau trở thành những tỷ phú USD Việt. Điểm đáng chú ý là 2 doanh nhân này đều có mối quan hệ gần gũi khi cùng nhau tạo dựng và lãnh đạo Masan và Techcombank và sự thành công giàu có của họ cũng gắn liền với 2 DN này.


 

 



Ông Nguyễn Đăng Quang xây dựng thành công doanh nghiệp thực phẩm lớn hàng đầu cả nước - Masan và cũng sắp trở thành một đế chế trong lĩnh vực khai thác quặng với sự hiện diện của Masan Resources.

Mỏ Núi Pháo được xác định có trữ lượng vonfram lớn hàng đầu thế giới. Trong các ngành công nghiệp như: ô tô, khai thác mỏ, điện tử, chế tạo vũ khí,... vonfram là kim loại cứng không thể thay thế. Masan Resources hiện chiếm 13% thị phần vonfram thế giới và mục tiêu của công ty là 50% vào năm 2020.

Núi Pháo được phát hiện ra từ vào giữa thập niên 1990 bởi công ty khoáng sản Tiberon Minerals của Canada. Đây là mỏ đa kim có trữ lượng lớn với các khoáng sản có giá trị cao, gồm vonfram, bismut và florit. Khi đi vào hoạt động, mỏ Núi Pháo sẽ trở thành nhà cung cấp vonfram và bismut lớn nhất và nhà cung cấp florit lớn thứ 2 bên ngoài Trung Quốc.

Cổ phần ban đầu thuộc về DN Canada và hai đối tác Việt Nam, sau đó được bán cho nhóm cổ đông Dragon Capital trước khi về tay ông Nguyễn Đăng Quang (khi đó là phó chủ tịch Techcombank và chủ tịch Masan) vào năm 2010.


 

 



Tới hiện tại, Masan Resources của ông Nguyễn Đăng Quang đã sở hữu 100% vốn mỏ kim loại này.

Cổ phiếu MSN gần đây hồi phục khá mạnh, từ mức khoảng 75.000 đồng/cp hồi giữa tháng 7 lên 91.500 đồng/cp như hiện tại.

Ông Nguyễn Đăng Quang được Bloomberg xếp là tỷ phú USD tại Việt Nam, trong khi đó nhà ông Hồ Hùng Anh cũng có khối tài sản xấp xỉ 1 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường chịu áp lực bán khá mạnh từ cả khối ngoại và nội.

Giá dầu giảm, kỳ vọng thoái vốn không còn tươi sáng và sức cầu thấp từ các NĐT nước ngoài đã khiến hàng loạt các cổ phiếu chủ chốt trên sàn giảm điểm, trong đó có nhóm dầu khí và nhóm ngân hàng tài chính. Áp lực bán tăng vọt khiến các dầu khí PVS, PVD, GAS, PXS, PVB, PVC,... giảm mạnh, trong đó PVS và PVD giảm sàn.

Triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn tươi sáng như nửa đầu năm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có cái nhìn khá tích cực.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index có thể hồi phục trở lại. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index chuyển từ Tích cực xuống Trung tính sau khi hỗ trợ MA5 và MA10 bị xuyên thủng. Hai ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường lần lượt tại MA20 và MA50 có thể được kiểm định trong phiên giao dịch tới trong trường hợp quán tính giảm điểm còn tiếp tục. Tình thế hiện tại đang là 50/50 và diễn biến trong phiên tiếp theo có thể sẽ xác định xu hướng ngắn hạn của thị trường.

BSC nhận định, tâm lý lo ngại về các diễn biến về giá dầu suy yếu do dư thừa nguồn cung, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và sự tăng giá của đồng USD cũng như dư âm của tâm lý chốt lời và cắt lỗ của nhà đầu tư và thiếu vắng hỗ trợ từ khối ngoại khi vẫn trong xu thế bán ròng đã đẩy thị trường giảm sâu. BSC dự báo thị trường đang trong trạng thái điều chỉnh ngắn hạn và sẽ phục hồi ở phiên sau, nhà đầu tư nên theo dõi thêm các thông tin thị trường và vĩ mô và hạn chế giao dịch.

Kết thúc phiên giao dịch 15/8, VN-index giảm 16,9 điểm xuống 961,37 điểm; HNX-Index giảm 1,77 điểm xuống 108,02 điểm. Upcom-Index giảm 0,3 điểm xuống 51,38 điểm. Thanh khoản đạt 250 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,5 ngàn tỷ đồng.

V. Hà (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.