Cánh sóng giữa đèo mây núi gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bằng ý chí và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ ở Trạm ACOS số 3, Cụm 1, Trung tâm 95, Cục Tác chiến điện tử hằng ngày vượt qua mọi khó khăn, vất vả, vững vàng giữa đèo mây núi gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ Hà Nội, vượt qua những cung đường đèo, những con dốc oằn mình trong cái heo may ngai ngái, chúng tôi có mặt ở Trạm ACOS số 3 khi ánh trăng đã bàng bạc trên khắp các sườn đồi. Tôi thấy người ngây ngấy bởi không quen với những cú xoay lắc. Vậy mà Đại úy QNCN Lê Hồng Quân, lái xe đã có nhiều năm kinh nghiệm của Trung tâm 95 bảo đã cố gắng nhấn đều chân ga, đạp nhẹ phanh để các nhà báo nữ trong đoàn không bị say. Ngồi bên ghế phụ, Đại tá Dương Quang Việt, Chính trị viên Trung tâm giãi bày rằng, thường xuyên đến với các trạm nằm rải rác từ Bắc vào Nam của Trung tâm, anh thấy Trạm ACOS số 3 là một trong những nơi khó khăn, vất vả nhất.

Do đặc thù công việc nên vị trí đóng quân của Trạm phải ở địa hình núi cao, không bị che khuất bởi vật cản. Vì thế, năm 2012, khi đi tìm vị trí đặt Trạm, đơn vị tốn khá nhiều thời gian, công sức. Lựa chọn được địa điểm rồi, thời gian đầu, mới lên thực hiện nhiệm vụ, bộ đội phải ở tạm trong container vốn dùng để đựng khí tài và nhà bạt. Phải thuê máy xúc san ủi, gạt bằng hàng trăm khối đất đá để có chỗ đặt hệ thống ăng ten, cột thu phát định hướng, rồi đến nhà điều hành và các công trình phụ trợ khác.

Chuyến đi lần này ngoài việc dẫn chúng tôi tới “thực mục sở thị” một trong những trạm tiền tiêu gian khổ nhất của Trung tâm, anh Việt còn có một nhiệm vụ khác là đưa Thiếu tá QNCN Đậu Hải Tuyên, Trắc thủ Trạm 1, Cụm 1 của Trung tâm “thăm lại chốn xưa”. Trong suốt hành trình, trông dáng vẻ bồn chồn, chốc chốc lại nhìn xa xăm của Đậu Hải Tuyên, chúng tôi đoán anh có nhiều kỷ niệm với vùng đất này... Quả đúng như vậy, anh Tuyên bồi hồi: “5 năm qua, cũng khoảng thời gian này, mỗi lần về phép là anh em trong Trạm lại chở tôi ra đây. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông thì cực lắm: Rét và vắng là những thứ nhiều nhất khi ấy!”.

Chất giọng Nghệ An của anh nghèn nghẹn. Năm 2019, anh Tuyên lên Trạm công tác. Đường sá chưa được trải nhựa băng băng như bây giờ. Đơn vị xa nên mấy tháng anh mới được về phép một lần. Mỗi lần về phép là đồng đội chở anh vượt quãng đường 7km từ Trạm ra điểm đón xe rất vất vả nhưng cũng đầy kỷ niệm. Bùn đất cứ thi nhau níu lấy bánh xe, khiến quần áo của anh chẳng còn chỗ nào sạch. Đêm mùa đông sương muối, cái lạnh ở nơi có độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển này như cứa vào da thịt! Đó là lúc về, còn lúc lên cũng cực không kém. Anh Tuyên quê ở huyện Nam Đàn, vợ con thì ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Một chốn ba, bốn nơi, đón xe từ 15 giờ, tới 4 giờ hôm sau mới lên đến "điểm hẹn" cách đơn vị 7km. Trước khi lên đến nơi cũng phải lựa thời gian để gọi đồng đội thức dậy, làm sao để anh vừa xuống xe thì đồng đội cũng tới nơi đón mình, chứ phải ngồi chờ ở nơi vắng vẻ, heo hút ấy đúng là không dễ chịu chút nào!

canh-song-giua-deo-may-nui-gio-dd.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Trạm ACOS số 3, Cụm 1, Trung tâm 95, Cục Tác chiến điện tử chăm sóc vườn rau. Ảnh: THỦY TIÊN

21 giờ 30 phút, chúng tôi mới đến được Trạm ACOS số 3. Trong bữa cơm đêm muộn hôm ấy, cái lạnh cùng hơi rượu cay càng làm không khí thêm thân tình. Thiếu tá QNCN Lê Thanh Long, trắc thủ của Trạm ôm vai người đồng đội-Thiếu tá QNCN Đậu Hải Tuyên nhắc nhớ chuyện cũ. Năm 2019, Long và Tuyên cùng lên đơn vị một ngày, cùng chung lưng góp sức xây dựng cảnh quan môi trường ở Trạm và tạo dựng mối quan hệ với bà con địa phương. Ngày mới lên, nhìn khuôn viên Trạm nghèo nàn, xơ xác, các anh đã đi xin từng viên gạch, từng bao cát, cân xi măng rồi lặn lội mua cây giống về ươm để xây dựng hệ thống vườn bao, cây cảnh ở đây. Rồi những buổi đi từng nhà tặng bà con khi cái áo len, áo khoác, lúc cái khăn ấm hay đôi dép, đôi giày-những vật dụng mà Hội Phụ nữ Cục và những người thân của các anh quyên góp được ở dưới xuôi gửi lên. Mới đó mà đã 5 năm rồi. Bây giờ thì khuôn viên Trạm rất khang trang với hệ thống bồn hoa, cây cảnh xung quanh doanh trại...

Sáng sớm hôm sau, ra đầu hồi khu nhà ở của bộ đội, thấy Thượng úy Nghiêm Văn Minh, Trạm trưởng và Thiếu úy QNCN Hán Xuân Hiệp, trắc thủ đang lúi húi bơm nước. Các anh bảo, phải bơm tạm từ bể nước mưa để anh em đánh răng rửa mặt và sinh hoạt chứ mấy hôm nay thiếu nước. Thường thì nước được bơm từ đầu nguồn (cách khoảng 2km) vào chiếc bể tập trung để phục vụ người dân. Nước được bơm vào bể không nhiều, nên ban ngày, bộ đội phải "nhường" để dân bản có nước phục vụ sinh hoạt. Vì thế, đến khoảng 21 giờ, các anh mới bơm nước về Trạm. Vì quãng đường xa nên từ bể lớn, các anh lại phải thông qua bể của một người dân rồi mới bơm về Trạm được. Nhưng lượng nước cũng không đều, dịp nào bơm được nhiều, đầy bể thì tuần ấy các anh chỉ phải đi hai, ba lần, dịp ít thì đêm nào cũng phải đi. Hiệp kể, vậy mà không phải lúc nào cũng đủ nước để bơm, như đầu năm nay, nước cho bà con cũng không đủ dùng nên các anh đành phải mua tạm mấy khối nước ngoài thị trấn.

Vừa bơm nước xong đã thấy Trạm trưởng Nghiêm Văn Minh vác cuốc xẻng ra sau nhà. Nơi ấy là những khoảng rau xanh non mơn mởn với từng ô gọn gàng từ bắp cải, su hào, súp lơ đến xà lách, hành... Anh Minh khoe: “Ở đây, chúng tôi nuôi được 100 con gà, 20 con ngan, 3 con thỏ, 3 con chó... Còn gieo trồng thì mùa nào thức ấy, rau xanh đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của anh em và có thể hỗ trợ bà con xung quanh. Chợ cách hơn 20km nên Trạm chỉ cắt cử anh em đi mua đồ thiết yếu mỗi tuần một lần!”.

Vừa làm đất cho mấy luống cải, anh Minh vừa kể: Ngày mới lên, anh hơi “ngợp” với khí hậu, địa hình cũng như các mối quan hệ công tác ở đây. Đặc thù đơn vị lẻ, đóng quân trên địa bàn đa số là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí chưa cao. Anh Minh đã suy nghĩ rất nhiều, làm sao để vừa duy trì trạng thái kỹ thuật, vừa bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, an toàn của đơn vị, vừa nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở đây. Thế nên, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền, nhân dân cũng như sẵn sàng tham gia công tác dân vận trên địa bàn là điều anh rất lưu tâm. Hiện nay, ngoài các hoạt động giao lưu, giúp đỡ cô trò đơn vị kết nghĩa thì bất cứ hoạt động gì của xã, bản như: Hiến máu tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, hoạt động văn hóa-văn nghệ... các anh đều tích cực tham gia.

Sinh năm 1998 ở Yên Định, Thanh Hóa, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thông tin tháng 9-2020 rồi về Trung tâm 95 công tác, anh Minh vừa nhận cương vị Trạm trưởng Trạm ACOS số 3 vào tháng 9-2024. 26 tuổi, anh Minh là trạm trưởng trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề (ngày chúng tôi lên thăm, anh nhận nhiệm vụ chưa đầy một tháng). Đại tá Dương Quang Việt cho hay, khi chọn Minh lên trạm tiền tiêu này để thay cho đồng chí nguyên trạm trưởng đã có nhiều năm công tác ở đây, các anh đã thấy ở Minh sự năng nổ và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, các anh cũng muốn rèn luyện cho một thế hệ chỉ huy mới ở Trung tâm, vừa có sự nhanh nhạy, phơi phới của tuổi trẻ nhưng cũng đủ bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Trước khi chia tay, tôi hỏi Thiếu tá QNCN Lê Thanh Long rằng, anh đã muốn về xuôi chưa khi biết quê anh ở xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Anh cười rồi bình thản nói, đã là bộ đội thì không nên chọn lựa nơi công tác, tổ chức phân công ở đâu thì nhận ở đó. Và ở đâu thì cũng nguyện phấn đấu hết sức mình! Anh nói ngắn gọn vậy nhưng tôi hiểu, trong cuộc chiến không tiếng súng giữa thời bình, khi phải đối chọi với cơm áo cũng như những nhu cầu cá nhân và có khi là cả áp lực từ hậu phương, họ vẫn mang khí phách và bản lĩnh của ông cha, không sờn lòng trước mọi gian khó, nguyện đem tuổi xuân để cống hiến hết mình vì nhiệm vụ, xứng đáng với phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Theo Ghi chép của PHẠM THU THỦY (qdnd.vn)

Có thể bạn quan tâm

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.