Cảnh báo nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, tình trạng cháy nổ trong các khu dân cư trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người dân chưa cao, kết cấu hạ tầng ở các khu dân cư thiếu đồng bộ khiến nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh, trong năm 2017, trên địa bản tỉnh xảy ra 45 vụ cháy, làm bị thương 5 người, gây thiệt hại về tài sản gần 7 tỷ đồng. Trong số  này, có đến 22 vụ cháy xảy ra tại các khu dân cư. Nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân như vụ cháy tại trang trại nuôi heo của ông Đinh Duy Cường ở huyện Ia Pa ngày 13-4  gây thiệt hại tài sản hơn 1,5 tỷ đồng. Trong các vụ cháy xảy ra ở khu dân cư, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sự cố kỹ thuật hệ thống điện và sự bất cẩn trong việc sử dụng nguồn nhiệt của người dân.

 

Lực lượng chữa cháy nỗ lực dập lửa. Ảnh: Lê Anh
Lực lượng chữa cháy nỗ lực dập lửa. Ảnh: Lê Anh

Qua công tác kiểm tra, khảo sát của Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH  tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh cho thấy, do được hình thành từ lâu nên hệ thống dây dẫn điện trục chính, trục phụ phần hạ áp vào các hộ gia đình không đảm bảo an toàn PCCC, hành lang bảo vệ không đảm bảo khoảng cách, việc đấu nối đường điện vào nhà dân chằng chịt, thiếu khoa học dễ gây ra chập điện.

Các khu dân cư ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn nằm liền kề nhau, nhiều hộ dân kết hợp sinh sống và sản xuất kinh doanh tại nhà; hàng hóa để sát nguồn điện, nguồn nhiệt dễ gây cháy, nổ; kết cấu xây dựng chủ yếu là nhà ống thiếu đường thoát hiểm… Cùng với đó, ý thức chấp hành luật về PCCC của người dân chưa cao, hầu hết các hộ gia đình chưa trang bị bình chữa cháy nên khi xảy ra sự cố dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Khi xảy ra sự cố cháy nổ trong các khu dân cư thì công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.  Nguyên nhân là do hiện nay, hệ thống đường giao thông vào các khu dân cư rất phức tạp, hầu hết là đường nhỏ và dài, lại bị các vật kiến trúc do người dân xây dựng tự phát cản trở nên phương tiện chữa cháy khó tiếp cận. Mặt khác, hầu hết các khu dân cư do quy hoạch từ lâu hoặc hình thành tự phát nên chưa được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy, nhiều nơi có lắp đặt thì không được bảo quản tốt dẫn đến hư hỏng. Ngoài ra, lực lượng PCCC tại chỗ, đặc biệt là tại các khu dân cư ở cách xa địa bàn trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn chưa được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên; trang-thiết bị chữa cháy thiếu; phương án phòng ngừa, tổ chức chữa cháy còn hạn chế nên chưa thể ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy nổ.

Tây Nguyên đang bước vào mùa khô. Đây cũng là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề nên các cơ sở kinh doanh, hộ buôn bán tăng cường tích trữ hàng hóa. Việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt vì thế cũng nhiều hơn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Để hạn chế nguy cơ cháy nổ xảy ra, theo Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh: “Đơn vị đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, phân loại các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao để có các biện pháp tăng cường an toàn PCCC. Tiến hành lập phương án chữa cháy, khảo sát giao thông, nguồn nước, duy trì hoạt động của các đội PCCC dân phòng. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý nhanh và hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra.

Bên cạnh đó, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy nổ, cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC. Các hộ gia đình cần lưu tâm trong việc sử dụng thiết bị điện, gas, thắp hương thờ cúng;  thực hiện thường xuyên chế độ kiểm tra đối với nguồn lửa, nguồn điện và chất dễ cháy. Ngoài ra, các hộ gia đình cũng nên mua sắm trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm