(GLO)- Ngày 12-8, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Nhiều kết quả quan trọng
Ảnh: Hà Duy |
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã thông báo với Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, cũng như các nguồn vốn phát triển trong thời gian qua. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh những tháng đầu năm 2016 đạt gần 16 ngàn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Thu ngân sách nhà nước bình quân tăng 9-10%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,8%/năm. Hiện toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt 15-18 tiêu chí.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, tỉnh Gia Lai khởi công mới 87 dự án, tổng khối lượng thực hiện giải ngân trên 700 tỷ đồng, đạt 35,56% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì những tháng đầu năm 2016, tỉnh Gia Lai bị hạn hán diễn ra trên diện rộng làm ảnh hưởng gần 30.600 ha cây trồng các loại, thiệt hại trên 840 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã triển khai lập kế hoạch theo đúng các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Hiện tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện kế hoạch để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt khi có thông báo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Song trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc khó tránh khỏi khi đây là lần đầu tiên triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Ví dụ như về chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, năm 2016, Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia nên tỉnh khá lúng túng trong việc thực hiện lập thủ tục. Hay với dự án trồng rừng thay thế, dự kiến tổng mức đầu tư gần 217 tỷ đồng, nhưng tỉnh vẫn chưa cân đối được vốn. Hoặc Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16-3-2016 của Chính phủ về “quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài” tới nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện...
Ảnh: Hà Duy |
Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được quan tâm đầu tư
Đó là ý kiến của các vụ có liên quan như Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị, Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Vụ Kinh tế Đối ngoại... đối với các ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm cho tỉnh triển khai các dự án quan trọng cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như: hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Ia Pa, dự án hồ chứa nước Plei Thơ Ga (Chư Pưh), hồ Tầu Dầu 2 (Đak Pơ), dự án đường 670 nối QL14 với QL19, dự án thủy lợi Plei Keo (Ayun, Chư Sê)...
Ngoài ra, tỉnh còn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm giúp đỡ về nguồn vốn để đầu tư các công trình như: đường liên huyện nối Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh (với tổng mức đầu tư tỉnh đề nghị khoảng gần 1.200 tỷ đồng); dự án thủy lợi Plei Keo ở xã Ayun huyện Chư Sê và dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Pleiku tại suối Hội Phú.
Trả lời ngay tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Dương-Vụ Trưởng Vụ kinh tế Nông nghiệp, nhận định, Plei Keo (xã Ayun, Chư Sê) là một xã anh hùng nhưng lại vô cùng nghèo khó do thiếu nước, người dân không thể trồng trọt hay sản xuất. Do đó việc xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo là cần thiết. Theo dự kiến của tỉnh, công trình gồm hệ thống kênh và đập hồ sẽ có tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 220 tỷ đồng, khi công trình được xây dựng sẽ cung cấp nước tưới cho 700 ha lúa và nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn xã Ayun. Và theo ông Dương, tỉnh có thể sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để thực hiện và công tác duy tu, bảo dưỡng sau đó sẽ giao cho cộng đồng những người hưởng lợi quản lý. Đối với các công trình thuỷ lợi nhỏ khác có thể được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, cũng là phương châm của xây dựng nông thôn mới là huy động sức dân.
Ông Nguyễn Đức Trung-Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị, cho biết, đối với dự án như đầu tư, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn từ Bình Định lên Pleiku sẽ được đầu tư thành đường cao tốc (nhưng sẽ được đầu tư sau năm 2020). Cảng Hàng không Pleiku cũng sẽ sớm được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất cũng như nghiên cứu các nguồn vốn cho các dự án như nút giao thông Phù Đổng (TP. Pleiku); chuyển tỉnh lộ 670 thành quốc lộ; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Pleiku...
Cần xem lại hệ thống thủy lợi
Đánh giá cao những nỗ lực của Gia Lai trong việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án kinh tế, xã hội thời gian qua, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, Gia Lai có tốc độ tăng trưởng còn thấp, thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp so với trung bình cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI ngày càng tụt hạng, công tác thu hút đầu tư nước ngoài còn yếu. Hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh là một trong những yếu tố lớn nhất cản trở sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, Gia Lai không có mỏ khoáng sản nào nổi trội, cũng không có dự án lớn nào của Trung ương trên địa bàn, không có dự án chiến lược của nước ngoài, cũng không có nhà đầu tư chiến lược, đồng nghĩa với không có nguồn thu ngân sách lớn, không được đầu tư cơ sở hạ tầng, khó giải quyết vấn đề lao động...
Bộ trưởng cho rằng, đối với cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong giai đoạn này, để đảm bảo dựa trên đúng tiềm năng và thế mạnh, tỉnh nên tập trung mạnh vào sản xuất nông nghiệp, bởi hiện tại, tất cả những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang ở lĩnh vực nông nghiệp như thổ nhưỡng, diện tích đất, lao động... Sau 5 năm, tỉnh mới đủ cơ sở để đẩy mạnh chuyển dịch sang phát triển dịch vụ, và sau đó nữa là phát triển công nghiệp. Và tỉnh cần chú ý hơn nữa đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư bằng việc mạnh dạn tạo cơ chế, chính sách hợp lý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn nước. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng nói: “Gia Lai là một tỉnh có tiềm năng lớn về nguồn nước mà lại xảy ra hạn hán nghiêm trọng là bất hợp lý. Nước là để phục vụ nông nghiệp, nhưng thời gian qua đã xảy ra hạn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, rõ ràng hệ thống thủy lợi của chúng ta có vấn đề, tỉnh cần nghiên cứu để khắc phục. Tôi cho rằng không chuyển đổi rừng sang mục đích khác, trừ mục đích an ninh, quốc phòng, và phải quyết liệt giữ rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, đồng thời phải tiến hành trồng rừng để giữ nguồn nước. Trong thời gian tới, tỉnh cũng không nên phát triển các dự án thủy điện nữa”. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và sẽ báo cáo với Chính phủ xem xét, giải quyết.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo Gia Lai. Buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng đã đến khảo sát tình hình xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo.
Hà Duy