Cần nâng cấp hạ tầng Khu Công nghiệp Trà Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khu Công nghiệp (KCN) Trà Đa (xã Trà Đa, TP. Pleiku) được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án khả thi xây dựng cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 1493/QĐ-CT ngày 25-12-2003. Năm 2006, KCN chính thức đi vào hoạt động. Qua quá trình khai thác, hiện tại, một số hạng mục hạ tầng tại KCN đã cũ, không đáp ứng nhu cầu, cần được đầu tư nâng cấp.

Khu Công nghiệp Trà Đa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 về việc quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Khu Công nghiệp này có tổng diện tích 213 ha, hiện đang thu hút 51 nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai 58 dự án, tỷ lệ lấp đầy là 100% diện tích, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, KCN Trà Đa đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với đường trục chính rộng 15 m, đường nội bộ rộng 7,5 m có tải trọng 30 tấn, kết nối trực tiếp với đường Ngô Quyền và các tuyến đường quan trọng như quốc lộ 19 và 14; sử dụng hệ thống điện lưới quốc gia. Nguồn nước có công suất khai thác 2.678,4 m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng theo thiết kế có công suất xử lý 2.000 m3/ngày đêm…

 Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai ở KCN Trà Đa (Ảnh đơn vị cung cấp).
Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai ở KCN Trà Đa (Ảnh đơn vị cung cấp).


Từ đầu năm tới nay, giá trị sản xuất công nghiệp tại KCN Trà Đa đạt gần 2.640 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019; tổng doanh thu thuần đạt trên 1.730 tỷ đồng; doanh thu công nghiệp đạt gần 1.100 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 68,7 tỷ đồng. Kim ngạch xuất-nhập khẩu của các doanh nghiệp tại KCN Trà Đa ước đạt 87 triệu USD, tăng 46% so với năm 2019.

Tuy nhiên, sau khoảng 15 năm đi vào hoạt động, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, một số hạng mục hạ tầng tại KCN Trà Đa cần được nâng cấp, bổ sung để tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Ngô Thị Mai-Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Gia Lai (lô F5, KCN Trà Đa) đề xuất: “Khu Công nghiệp cần có 1 sơ đồ chỉ dẫn vị trí cụ thể của các doanh nghiệp để khách tìm đến doanh nghiệp dễ dàng hơn. Hệ thống điện đường cũng cần được cải tạo lại, không chỉ để soi sáng, phục vụ đi lại cho công nhân làm ca đêm mà còn đảm bảo an ninh khu vực. Bên cạnh đó, là một doanh nghiệp có hoạt động chế biến nông sản, phải sử dụng nước thường xuyên, nhưng thời gian qua có tình trạng cúp nước đột xuất làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty. Ngoài ra, được biết sắp tới giá nước sẽ tăng, trong tình hình doanh nghiệp vẫn đang ít nhiều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 thì việc này sẽ làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà-Trưởng phòng Kế hoạch-Truyền thông, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh: “Gần đây, có tình trạng không ổn định của hệ thống điện mà nếu xử lý nhanh thì phải tốn nửa ngày, chậm thì một ngày hệ thống điện mới hoạt động ổn định trở lại. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của Công ty, nhất là gây hư hỏng các sản phẩm bán thành phẩm. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh cũng cần được chú trọng hơn vì hiện đang có tình trạng thanh niên tụ tập, tổ chức đua xe trong KCN, gây hoang mang, lo sợ cho công nhân làm việc tại đây, nhất là công nhân làm ca đêm. Nếu được thì nên lắp camera tại một số điểm, đường giao quan trọng tại KCN”.

Được biết, trong năm 2020, để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng KCN Trà Đa, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã đầu tư thêm các hạng mục công trình như: trồng cây xanh dãy kỹ thuật KCN Trà Đa mở rộng, mua sắm và lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động, phối hợp với Công ty Điện lực Gia Lai cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện tại KCN...

Đối với những đề nghị của các doanh nghiệp, ông Trần Quang Thái-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Ban Quản lý đã đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai xem xét lại hệ thống lưới điện để tránh tình trạng rớt pha. Còn về điện đường, Ban Quản lý đã chỉ đạo Công ty Phát triển Hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh-đơn vị trực tiếp quản lý KCN Trà Đa đưa vào kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hạ tầng năm 2021. Về nguồn nước, Ban Quản lý sẽ làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku để có những thỏa thuận có lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, vấn đề an ninh trật tự khu vực cũng sẽ được chú trọng bằng việc phối hợp với lực lượng Công an xã, đồng thời lắp đặt camera an ninh tại KCN”.

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.