Cần chú trọng tuyên truyền phòng-chống dịch ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, sau gần 5 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nước ta đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 
Theo đó, nền kinh tế bước đầu phục hồi và phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; tỷ lệ tử vong do Covid-19 được kéo giảm rất sâu. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã tạo khung pháp lý vững chắc để các địa phương trong cả nước triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh một cách thống nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy vậy, cũng theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này cũng bộc lộ một số hạn chế và nảy sinh không ít khó khăn, thách thức. Đó là một số địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai công tác phòng-chống dịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng-chống dịch còn bất cập, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan… Đặc biệt, sau Tết Nhâm Dần, số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tăng rất cao. Trong những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trong cả nước lên đến hàng trăm ngàn mỗi ngày. Riêng tại Gia Lai, mỗi ngày ghi nhận hàng ngàn ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng.
Đề cập đến nhiệm vụ và giải pháp phòng-chống dịch trong thời gian tới, tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên-Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19-cho biết: Nghị quyết số 128/NQ-CP đã và đang phát huy hiệu quả nên cần tiếp tục triển khai một cách sâu rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, các ngành, các cấp và người dân cần quán triệt thực hiện phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Chính phủ đã đề ra. Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là đối với trẻ em 5-11 tuổi; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở; thực hiện trường học an toàn, sản xuất an toàn…
Trong số các giải pháp phòng-chống dịch sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đặc biệt lưu ý đến công tác thông tin, tuyên truyền về phòng-chống dịch. Bởi lẽ, một trong những hạn chế trong công tác phòng-chống dịch thời gian qua xuất phát từ ý thức của người dân. Sau khi được tiêm vắc xin, không ít người trở nên chủ quan, thậm chí coi thường dịch bệnh. Vì vậy, nhiều người không thực hiện nguyên tắc 5K và các quy định của ngành Y tế. Ý thức người dân là vậy, trong khi đó, sau một thời gian tích cực hoạt động, đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở có dấu hiệu lơ là vì tâm lý “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Trong bối cảnh đó, dẫu các cơ quan truyền thông có nhiều cố gắng thì cũng không thể “phủ sóng” mọi lúc, mọi nơi. Cũng do công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở chưa được chú trọng đúng mức nên người dân trở nên chủ quan trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan với tốc độ chóng mặt.
Thiết nghĩ, muốn nâng cao ý thức phòng-chống dịch của người dân thì dứt khoát phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phòng-chống dịch phải đảm bảo các nguyên tắc như: thiết thực, hấp dẫn; phù hợp với đối tượng tiếp nhận và duy trì thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo, hướng dẫn các tổ Covid cộng đồng chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới. Thay vì phối hợp truy vết, khoanh vùng, dập dịch như trước đây, các tổ Covid cộng đồng cần chuyển sang chức năng hỗ trợ các gia đình F0 điều trị tại nhà/nơi cư trú và đi đầu trong công tác tuyên truyền phòng-chống dịch tại địa bàn dân cư.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.