Cần chiến lược bảo hộ cho thương hiệu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tính đến 1-8-2022, cả nước có 116/142 sản phẩm đăng ký được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, trong đó, Gia Lai có 2 sản phẩm được chứng nhận là hồ tiêu Chư Sê và gạo Ba Chăm. Đây là số lượng quá ít, chưa được các chủ thể quan tâm đăng ký bảo hộ cho sản phẩm nông sản.
 


Chứng nhận thông hành cho sản phẩm

Đăng ký nhãn hiệu được ví như cấp giấy phép khai sinh cho một sản phẩm nhằm tránh hàng giả, hàng nhái (trong và ngoài nước). Song, nhiều chủ thể trong cả nước chưa quan tâm đúng mức việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản. Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện cả nước có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông-lâm-thủy sản và đã có 116/142 sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ; 1.682 chứng nhận tập thể đã được cấp. Đây là con số quá ít so với số lượng và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nông sản của cả nước. Việc gạo ST25 của Việt Nam bị một số doanh nghiệp tại Mỹ và tại Australia nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, trong khi gạo ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa ST25 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu lai tạo là hồi chuông cảnh báo thực hiện bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản trên thị trường.

Các chủ thể sản xuất kinh doanh đã chú trọng đến xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Thảo
Các chủ thể sản xuất kinh doanh đã chú trọng đến xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Thảo


Tại Gia Lai, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Ngoài 2 sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý là hồ tiêu Chư Sê và gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai còn có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: gạo Phú Thiện, rau An Khê, rau Đak Pơ, gạo Ia Lâu-Chư Prông, phở khô Gia Lai, bò Krông Pa-Gia Lai. “Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo hộ sản phẩm trong nước và quốc tế, đồng thời ghi nhận quy chuẩn sản phẩm đối với giá trị thương hiệu trên thị trường, đặc biệt rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay”-ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Cần chủ động mạnh mẽ

Việc bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm vô cùng quan trọng, song, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Cụ thể, vẫn chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.


Hơn nữa, ngoài một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu nhiều vào các thị trường cao cấp trên thế giới như: nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, hồ tiêu Gia Lai, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận... thì nhiều địa phương vẫn thiếu khảo sát để xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, trong khi những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng.

Những tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhất như: Yên Bái (8); Hà Giang (8); Thanh Hóa (6); Bến Tre (5); nhiều nhãn hiệu tập thể được bảo hộ nhất như: Quảng Nam (91); Hải Phòng (75); Bắc Giang (67); An Giang (50).

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, một số chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, đến khi kết thúc dự án thì “chết yểu”. Nguyên nhân phần nhiều do chủ sở hữu là các hợp tác xã không chủ động được nguồn lực để quản lý, thậm chí thiếu kỹ năng về xúc tiến thương mại để mở rộng đầu tư phát triển, tạo gia tăng lợi nhuận để duy trì thương hiệu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan chức năng nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho từng sản phẩm nông nghiệp đặc thù.

Theo ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai: Xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Hiện tại Gia Lai đang có 4 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và có quyết định chấp nhận đơn lợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ gồm: khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, chôm chôm Ia Grai, chanh dây Gia Lai, mật ong hoa cà phê Gia Lai. 2 sản phẩm trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn gồm: chỉ dẫn địa lý Gia Lai cho sản phẩm cà phê, Nhãn hiệu chứng nhận thuốc lá Krông Pa. “Việc hướng dẫn về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đặc biệt đối với chủ sở hữu nhãn hiệu nông sản đặc thù, đặc trưng của tỉnh được Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành một cách chủ động, bám sát quá trình đăng ký xác lập quyền, thường xuyên có những hoạt động kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tập hợp và in ấn tài liệu những nội dung có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Qua đó, giúp cho việc phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh ngày càng sâu rộng hơn”-ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu không chỉ để nông sản Việt Nam tiến tới minh bạch, kiểm soát chất lượng sản phẩm, mà còn tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là chiến lược bảo hộ cho thương hiệu nông sản và tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

HUỲNH LÊ 

 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.