Sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu
7 giờ sáng, toàn bộ cán bộ, công chức của xã Ia Nan đã có mặt tại trụ sở. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ đã có mặt để giải quyết thủ tục cho người dân. Ngoài công chức đảm nhận công việc chuyên môn, xã cũng đã bố trí 1 phó chủ tịch UBND phụ trách bộ phận một cửa để kịp thời ký giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, xã còn bố trí các đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân về quy trình thủ tục. Ngoài ra, ngành Bưu điện cũng tăng cường cán bộ về hỗ trợ xã.
Chị Rơ Lan H’Len (làng Nú, xã Ia Nan) đến đăng ký khai sinh cho con. Chị nhận xét: “Tôi được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình. Các bạn đoàn viên thì hỗ trợ cập nhật thông tin lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Sau đó, cán bộ chuyên môn giải quyết thủ tục rất nhanh. Tôi rất hài lòng với thái độ, trách nhiệm làm việc của cán bộ, công chức nơi đây”.

Chủ tịch UBND xã Ia Nan Nguyễn Trọng Quỳnh khẳng định: “Dù địa phương không tiến hành sắp xếp khi thực hiện chính quyền 2 cấp nhưng chúng tôi không đứng ngoài cuộc. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc với một tâm thế mới, lấy sự hài lòng của người dân và DN để làm thước đo hiệu quả công việc”.
Tương tự, xã Ia Pnôn có 4 thôn, làng và không thuộc diện sáp nhập nhưng phải thực hiện sắp xếp bên trong. Ông Nguyễn Huệ-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Sau khi sắp xếp bên trong và qua 1 tuần làm việc, đội ngũ cán bộ, công chức đã khắc phục những khó khăn trước mắt để ổn định công việc. Mấy ngày nay trên địa bàn biên giới có mưa, dẫn đến cống tràn của làng Bua bị ngập, người dân không qua lại được, chúng tôi cắt cử cán bộ hướng dẫn bà con đi lại, đồng thời sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn”.
Còn khó khăn, vướng mắc
Trên địa bàn biên giới phía Tây của tỉnh có 7 xã không thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền 2 cấp gồm: Ia O, Ia Chia, Ia Dom, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Púch, Ia Mơ. Mặc dù không sáp nhập nhưng thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, các xã vẫn sắp xếp bên trong và thành lập các ban của HĐND, Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Xã hội và các ban Đảng…
Các xã này có trên 70% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Đến nay, các xã cơ bản đã khắc phục khó khăn nhanh chóng ổn định công việc, lấy mục tiêu phục vụ Nhân dân làm động lực phấn đấu.
Đối với các địa phương thực hiện hợp nhất 2 hoặc 3 xã, có thể tận dụng trụ sở của các xã trước sắp xếp để bố trí cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc. Tuy nhiên, với các xã không sắp xếp, hiện hết sức khó khăn về nơi làm việc. Ông Nguyễn Trọng Quỳnh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan-chia sẻ: “Trụ sở của xã hiện đã xuống cấp. Chúng tôi phải ngăn hội trường thành các phòng nhỏ để cán bộ, công chức có nơi làm việc. Cùng với đó, hệ thống máy móc, trang thiết bị đã xuống cấp, hết thời gian khấu hao nên ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Cùng với đó, theo định biên, xã vẫn thiếu công chức”.
Tương tự, bà Phạm Thị Thu Hằng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Púch-thông tin: “Hiện nay, nơi làm việc của cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa số cán bộ, công chức của xã được điều chuyển từ nơi khác đến, người ở xa nhất là hơn 20 km, buổi trưa đa số ở lại nên không có chỗ nghỉ”.

Không chỉ thiếu cơ sở vật chất mà nhiều xã biên giới đang thiếu công chức chuyên về công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Huệ-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn-cho biết: “Với đội ngũ công chức hiện có, chúng tôi vẫn đảm đương được công việc. Tuy nhiên, xã đang thiếu 1 công chức chuyên về công nghệ thông tin phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn”.
Với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nên chăng các cơ quan chức năng xem xét đầu tư nguồn lực để đảm bảo nơi làm việc, nơi ăn, ở cho đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đối với các xã khu vực biên giới.