Cà phê hẻm, tuy xa mà gần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều buông, sau khi dạo vòng một số quán cà phê trong các con hẻm ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi dừng chân tại một quán cũ nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (quận 1). Bước vào quán, chúng tôi lập tức bị thu hút bởi những đồ vật cổ của người Hà Nội vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước và có cảm giác như níu chân người ở lại. Chậm vài giây, chúng tôi hiểu ra rằng mỗi một góc nhỏ trong quán cà phê này đều có câu chuyện riêng của nó.

“Hồn quán” giữ chân khách

“Em xin lỗi ạ! Quán em hết chỗ ngồi rồi, anh chị thông cảm chờ giúp em nhé!”, một cậu trạc 20 tuổi, áo thun, quần lửng chạy vội đến thông báo khi chúng tôi vừa bước vào Cửa hàng Café 81.

Quán đông người và đa số là các bạn trẻ. Người đi một mình, người dắt theo trẻ nhỏ, nhóm đi 4 - 5 người. Cậu nhân viên loay hoay kiếm một chỗ khuất cho chúng tôi ngồi tạm. Ngồi thu lu trên chiếc ghế nhỏ, trong góc tối nhìn ra không gian quán như một căn nhà thời bao cấp đậm chất Hà Nội xưa. Bốn phía tường loang lổ xi măng được vẽ vài đường nguệch ngoạc bằng phấn xanh. Những đồ vật cũ kỹ như ổ cắm điện, máy quạt, máy đánh chữ, đồng hồ, máy hát đĩa, điện thoại, chiếc Honda 68… được chủ quán cất công sưu tầm và bố trí tinh tế. Trên chiếc kệ đã phai màu sơn chất đầy băng cassette cũ. Những cuốn sách phủ đầy bụi bậm của thời gian (có thể nghe được mùi mốc xộc lên tận mũi), có tựa bìa: Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky), Bàn có năm chỗ ngồi (Nguyễn Nhật Ánh), Đỏ và Đen (Xtangdan)…


 

 Trở về Hà Nội xưa với Cửa hàng Café 81
Trở về Hà Nội xưa với Cửa hàng Café 81


Chờ một hồi cũng có chỗ ngồi. Bước ra khỏi góc tối, chúng tôi bắt gặp vài ba người đang hăng say chụp ảnh. Hỏi mới biết, ở đây tầm độ 5 - 6 giờ chiều thường có một nhóm chuyên đi săn ảnh đến chụp hình. Tiếng máy ảnh không ngừng “tách tách tách”. Lại gần một anh trong nhóm, chúng tôi ngỏ ý muốn xem ảnh. Anh lưỡng lự nhìn chúng tôi, chăm chú quan sát nhưng cũng vui vẻ đưa chiếc máy ảnh ra. Lướt một loạt hình trong máy, chúng tôi phát hiện, cùng một góc đó nhưng anh chụp từng khía cạnh khác nhau. Hình như hiểu được khúc mắc ấy, anh chia sẻ: “Mỗi lần vào đây, tôi chỉ chụp một góc không gian của quán. Có góc tôi chụp 4 - 5 ảnh là xong nhưng cũng có góc bấm hơn trăm kiểu vẫn chưa thấy tấm ảnh nào hài lòng. Những nhiếp ảnh gia như chúng tôi có quan niệm rằng, mỗi một không gian đều có cái hồn của nó và tôi phải chụp được cái hồn ấy”.

Kỳ thực, từng góc nhỏ của quán mang một vẻ bí ẩn riêng khiến người ta muốn tìm hiểu. Chính vì thế, mỗi lượt khách ghé quán đều muốn quay lại đây khai phá, kiếm tìm những không gian mà họ chưa hiểu hết. Chị Nguyễn Như Quỳnh (31 tuổi), vẫn còn nán lại quán sau khi bạn bè đã về hết, trải lòng: “Chị để ý quán này lâu rồi, lúc đầu chị cứ tưởng là tiệm tạp hóa hay nhà ở của dân thôi, vì thấy chữ “cửa hàng”. Nhưng ở  quán này rất khác biệt, đem lại sự yên tĩnh cho chị mà từ lâu tưởng đã mất dần ở đất Sài thành này, vì thế chị muốn vào đây. À, còn một cái thú vị nữa là quán ở trong hẻm, vừa an toàn và không phải tốn thời gian tìm chỗ giữ xe như mấy quán vỉa hè. Dạo gần đây thấy lực lượng chức năng lập lại trật tự  trên vỉa hè nên cũng ngại tới mấy quán ở mặt tiền đường. Nói gì chứ chị sẽ tới đây nhiều lần nữa”. Cười rạng rỡ, chị Quỳnh nhìn chúng tôi rồi lại nhìn ra con hẻm, ánh mắt chị thênh thang mơ về thời sinh viên đi học, được thỏa đam mê tìm tòi những nét đẹp trong từng ngóc ngách của thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông” này.

Không chỉ riêng chị Như Quỳnh hay anh nhiếp ảnh trẻ bí ẩn kia mà nhiều người đến với Cửa hàng Café 81, có người lựa chọn ngồi gần cửa sổ nhỏ nhìn ngắm bầu trời và những tia nắng, có người chọn ngồi một góc cuối quán để nhìn trọn không gian bên trong và cũng có người đến với quán chỉ vì muốn chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những cổ vật trưng bày. Tựu trung lại, họ đến tìm cho mình một không gian riêng để tận hưởng nét cổ kính của quán, tận hưởng khoảng lặng sâu nhất trong tâm hồn. Quán nhỏ, người đông, giòn giã tiếng cười.

Ký ức xưa

Hẻm hẹp, hẻm nhỏ, hẻm khó tìm… nhưng nhiều người vẫn thích xẻ đường ngang dọc, mò mẫm kiếm tìm những quán nằm sâu nhất, dài nhất của thành phố. Người ta thường có câu nói như thế này: “Người Sài Gòn càng khó càng thích chinh phục”. Chinh phục những cái đẹp, cái toàn mỹ, độc đáo thì ai không muốn. Nhưng với lòng ham muốn tìm hiểu để làm nên cái toàn mỹ đó thì người nhào nặn phải cần bao nhiêu thứ “phụ gia” đã khiến chúng tôi muốn đi thêm nhiều hẻm quán nữa. Rời Cửa hàng Café 81 khi bầu trời nhá nhem tối, chúng tôi được sự giới thiệu của một người bạn về Nhỏ Café, nằm trong hẻm 115/30 Lê Văn Sỹ (gần đường ray xe lửa) quận Phú Nhuận.

 

Quán cà phê đầy gấu bông
Quán cà phê đầy gấu bông


“Gạc chống xe xuống, để đó đi tôi dắt hộ cho”, một người đàn ông gầy còm, da ngăm đen, tóc cột thành chỏm, cất tiếng. Từ ông toát lên vẻ ung dung, thu hút người đối diện nhưng trong chốc lát chúng tôi đã bị đánh gục bởi vô vàn “thứ cổ” treo đầy trước nhà. Trước cột, dòng chữ “Không gian của thời gian” hiển hiện rõ nét. Kiến trúc bên trong căn nhà nếu không lầm thì chắc được xây dựng từ rất lâu, có điều không gian nơi đây hẹp hơn so với Cửa hàng Café 81. Nếu quán kia là biểu trưng cho người Hà thành thì Nhỏ Café này là ký ức của dân Sài thành xưa. Không thể tưởng tượng được, rất nhiều đồ cổ được tập hợp về và trang trí đầy các bức tường. Nhất là số lượng đồng hồ, máy ảnh, tiền đồng xuất xứ ở các nước từ đời này qua đời khác. Nguyễn Hoàng Sang, cậu sinh viên 19 tuổi, đang say sưa ngắm nhìn từng đồ vật cổ, thỉnh thoảng lại giơ điện thoại chụp lại các món cậu ấn tượng, rồi gật gù nói: “Lâu rồi em mới được tận mắt nhìn thấy các vật dụng hồi xưa, nhất là tiền đồng qua các thời kỳ. Em phải chụp thật nhiều để sau này còn làm tài liệu học tập”.

Không chỉ Sang, cứ mỗi 15 phút lại có một tốp bạn trẻ đến quán, hỏi ra thì toàn là khách quen hay tới uống cà phê. Nhìn quanh một vòng, dường như chưa thể hiểu hết được ý nghĩa của quán. Ông Phương, người đàn ông dắt xe lúc nãy bảo từ mấy năm nay gia đình ông sống ở đây, ông là dân tốt nghiệp trường mỹ thuật ra, cái quán này được mở 9 - 10 năm qua rồi và nó lớn dần theo đam mê của ông. Theo ông Phương, ông chẳng thể mở lòng và tin tưởng với những người tới đây hỏi về thẩm mỹ của quán. Bởi theo ông, nó đơn giản thuộc về giá trị của quán, ông sợ khi nói ra hết sẽ có người ta hiểu hoặc viết sai về quán, nên ai muốn hiểu gì thì hiểu, ông không giải thích nhiều. Chúng tôi hiểu, ông chỉ là người đang cố bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình khỏi những điều tồi tệ xảy ra. Hồi lâu, ông nhìn trầm ngâm như đang suy tư điều gì, rồi ông tiếp lời, phá tan bầu không khí im lặng: “Có thể người ta mở quán trong hẻm vì gia đình, vì mặt bằng ngoài kia đắt đỏ hay mở vì nơi đó có khu cà phê nhưng với tôi, cái quán này là cả niềm đam mê và yêu thích style (kiểu) xe lửa”. Ông còn bảo, ngồi một góc nào đó của quán nhìn ra đường ray xe lửa sẽ thấy được điều đặc biệt mà cả chục năm sau sẽ không ở đâu có được cảm giác đó.

Và cứ mỗi một ngày, rời xa dòng xe cộ tấp nập, dòng người đông đúc, bon chen và ồn ào, mỗi người tìm đến một địa chỉ nào đó trong hẻm lại thấy được mình của ngày xưa.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.