Cà phê gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dù niên vụ cà phê năm nay được mùa nhưng giá cà phê hiện tại lại giảm sâu, cộng với giá nhân công cao hơn so với mọi năm khiến người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. 
Điệp khúc “được mùa mất giá”
Hiện toàn tỉnh có trên 93 ngàn ha cà phê, trong đó có khoảng 80 ngàn ha đang trong gia đoạn kinh doanh. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng của đợt đại hạn năm 2015 làm phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh bị giảm năng suất, vụ này thời tiết diễn biến thuận lợi cộng với việc cây cà phê được phục hồi sau hạn nên năng suất cà phê tăng tương đối so với những năm trước.
Điều này tạo tâm lý khá phấn khởi cho người trồng cà phê khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, niềm phấn khởi của người dân chẳng được lâu, giá cà phê bắt đầu rớt giá liên tục khi người dân bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Từ mức giá 45 đến 46 ngàn đồng/kg cà nhân vào giữa tháng 10 nay chỉ còn hơn 36 ngàn đồng/kg. 
Vụ cà phê này, rẫy cà phê khoảng 2 ha của gia đình anh Trần Đức Vinh (thôn Tân Hợp, xã Ia Yok huyện Ia Grai) cho năng suất khá cao, nhưng không khiến anh Vinh vui khi giá cà phê cứ giảm từng ngày. 
“Hiện tôi đã thu hoạch gần xong, năng suất khoảng 4 tấn nhân/ha, tăng khoảng 20% so với năm trước nhưng với mức giá hiện tại thì chỉ hòa vốn hoặc lời được đôi ít mà thôi.”-anh Vinh buồn rầu.
Anh Vinh cũng cho biết thêm, dù mức giá hiện tại giảm gần 30% so với năm trước nhưng anh đành phải bán hơn 1 tấn cà nhân để trang trải chi phí nhân công, chi tiêu trong gia đình nhưng không thấm vào đâu. “Nếu trong thời gian tới, giá không tăng trở lại thì không biết có nên bán để lấy tiền tái đầu tư cho cây hay phải đi vay tiền để chờ giá lên nữa”-anh Vinh phân vân. 
Tương tự, rẫy cà phê hơn 1 ha của anh Lê Thanh Hoàng ở làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê cho năng suất khá cao nhưng không khiến gia đình anh vui. 
Anh Hoàng cho biết, “Cơn đại hạn năm 2015 khiến rẫy cà phê của gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng, cây cằn cỏi, nhiều cành bị khô do thiếu nước nên 2 năm liên tiếp sau đó bị mất mùa nghiêm trọng. Phải đến niên vụ này cây cà phê mới phục hồi cộng với thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây cà phê cho quả sai và to, ước năng suất tăng khoảng 30% so với niên vụ trước, ước thu được trên 4 tấn nhân”.
Nhưng theo tính toán của anh Hoàng, với mức giá hiện tại thì sau khi trừ đi chi phí đầu tư, nhân công thu hoạch thì gia đình không có lời thậm chí lỗ. 
Giá nhân công… lại cao
Niên vụ cà phê năm nay đã đi qua hơn nữa chặng đường nhưng tình trạng khan hiếm nhân công vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng giành giật nhân công xảy ra thường xuyên và ở khắp nơi khiến giá nhân công bị đội lên cao so với những năm trước. 
Theo anh Trần Đức Vinh, do tình trạng khan hiếm nhân công nên giá thuê đã được đẩy lên khá cao so với vụ trước, “nếu như năm ngoái tôi thuê hái khoán chỉ 70 ngàn đồng/tạ thì năm nay tăng lên từ 85 đến 90 ngàn đồng/tạ cà tươi, tăng khoảng 20% so với năm trước”.
Tình trạng khan hiếm nhân công diễn ra khắp nơi, khiến cho giá nhân công tăng cao so với năm trước. Ảnh: Q.T
Tình trạng khan hiếm nhân công diễn ra khắp nơi, khiến cho giá nhân công tăng cao so với năm trước. Ảnh: Q.T
Tương tự, dù khá nóng ruột khi cà phê đã chín đỏ cây và rụng đầy gốc nhưng mỗi ngày gia đình ông Nguyễn Tấn Long (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) chỉ thuê được có 2 công để hái với giá khá cao. 
“Dù chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để tìm nhân công nhưng do đây là thời điểm thu hoạch rộ nên rất khan hiếm, tôi phải thuê hái khoán 90 ngàn đồng/tạ tươi mà cũng không tìm ra người để hái. Hiện rẫy cà phê gần 1 ha của gia đình chỉ mới thu được khoảng 50%, với thời tiết mưa liên tục như thế này thì không biết khi nào mới thu xong”-ông Long cho biết.
Giá giảm sâu, giá nhân công lại tăng cao khiến người trồng cà phê đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi buộc phải bán cà phê giá thấp để trang trải chi phí thu hoạch cũng như chi tiêu trong gia đình. 
Việc mưa nhiều, sân bãi phơi lại không có, cà phê chất đống trên sân khiến chất lượng cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Q.T
Việc mưa nhiều, sân bãi phơi lại không có, cà phê chất đống trên sân khiến chất lượng cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Q.T
Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết hơn một tháng qua khá bất lợi, mưa nhiều trên diện rộng khiến một số diện tích bị trổ bông, không những gây khó khăn cho công tác thu hoạch mà còn có thể ảnh đến năng suất vụ sau. Mặt khác, mưa nhiều cũng khiến cho việc phơi, bảo quản cà phê sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn, do thiếu sân bãi, gây ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. 
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết, cây cà phê phục hồi sau đợt đại hạn năm 2015 cộng với diễn biến thời tiết năm nay trên địa bàn khá thuận lợi nên năng suất cà phê tăng tương đối so với năm trước, bình quân khoảng trên 15%. Tuy nhiên, với mức giá hiện tại trên thị trường (trên 36 ngàn đồng/kg cà phê nhân) thì người trồng cà phê không có lời, thậm chí lỗ vì giá nhân công năm nay tăng so với mọi năm. 
Ngoài ra, theo ông Hợp, những năm qua tình trạng doanh nghiệp vỡ nợ diễn ra khá nhiều nên người dân cần thận trọng khi lựa chọn các chủ đại lý, doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính, uy tín để ký gửi cà phê nhằm giảm bớt rủi ro có thể xảy ra. 
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.