Bộ Giao thông Vận tải làm ngơ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng loạt sai phạm của công ty Thái Sơn được biết đến của Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) tại các dự án do ACV làm chủ đầu tư đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Đáng chú ý, những sai phạm này có lỗi của Bộ GTVT khi không rà soát, tổng hợp cân đối kế hoạch bố trí vốn thanh toán cho các dự án, đảm bảo bố trí vốn đúng kế hoạch và hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp dự án.
Công ty của Út "trọc" không đủ điều kiện vẫn được Bộ GTVT phê duyệt 
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rõ: “Tại dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 km123+105,17 đến km268+000 theo hình thức BOT kết hợp với BT ngày 20.12.2013, Bộ GTVT có quyết định số 4208 chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Tổng công ty 319-Bộ Q.P, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty Yên Khánh. Công ty Thái Sơn được biết đến là của Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) và Công ty Yên Khánh là của bà chủ 8x Vũ Thị Hoan. 
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã vạch rõ năng lực, hồ sơ của công ty Thái Sơn của Út trọc không đủ điều kiện và không đúng quy định nhưng vẫn được Tổ chức chuyên gia đấu thầu của Ban quản lý dự án 7 trình để Bộ GTVT phê duyệt chỉ định thầu. Sau đó, nhà đầu tư đã chuyển nhượng thầu, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.
 
Công ty của Út "trọc" không đủ năng lực vẫn được Bộ GTVT phê duyệt.
Nghiêm trọng nhất là những sai phạm này đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị nhưng chưa được Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xử lý theo quy định. Đặc biệt, Bộ GTVT không kiểm tra việc lập dự toán, áp dụng định mức, đơn giá, thiết kế, ký hợp đồng, hoàn công nghiệm thu thanh toán…
Lỗi của Bộ GTVT cũng đã được Thanh tra Chính phủ nêu: “Bộ GTVT đã không rà soát, tổng hợp cân đối kế hoạch bố trí vốn thanh toán cho các dự án, đảm bảo bố trí vốn đúng kế hoạch và hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp dự án.
Đến nay, dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 20 chưa được phê duyệt kế hoạch bố trí vốn trung hạn để thanh toán cho phần BT. Do đó, theo hợp đồng BT, Bộ GTVT sẽ phải thanh toán toàn bộ vốn là lợi nhuận cho nhà đầu tư từ năm 2018 đến 2022, điều này gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và nhà nước.
Công ty của Út “trọc” không thi công vẫn nghiệm thu
Cũng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku được giao cho Liên danh Cienco 4 và Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu gói thầu số 6 với giá trị hợp đồng là 606,429 tỷ đồng.
Sau đó, Cienco 4 và ACC đã chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120 tỷ đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) cho Công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) để thi công nhưng không có văn bản chấp thuận của Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
 
Nhiều sai phạm xảy ra tại các dự án do ACV làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, Công ty Thái Sơn của Út trọc lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam; Thực tế, Công ty 168 cũng không trực tiếp thi công mà tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng và Thương mại Dương Đạt, Gia Lai thực hiện thi công.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, Công ty Thái Sơn của Út trọc không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành.
Trong đó, nhà thầu chính thanh toán khối lượng được nghiệm thu cho Công ty Thái Sơn của Út trọc nhưng Công ty này đã thanh toán không đúng giá trị khối lượng cho các nhà thầu thứ cấp số tiền 13.745,882 triệu đồng, có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch trong việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công.
Đồng thời, không hoạch toán đủ số doanh thu 120.000 triệu đồng theo hợp đồng thi công, dẫn đến, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 3.436 triệu đồng. Công ty Thái Sơn của Út trọc và các đơn vị liên quan đã thực hiện việc chuyển nhượng có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, vi phạm các quy định tại điều 89 Luật Đấu thầu số 43.
Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, dư luận đặt dấu hỏi về năng lực và trách nhiệm của Bộ GTVT, ACV khi để Công ty Thái Sơn của Út trọc không năng lực, không kinh nghiệm,... mà vẫn lọt vào các gói thầu của ACV?.
Hiếu Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.