(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản hợp nhất quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS, THPT.
Quy định này quy định việc chuyển trường, xin học lại của học sinh THCS, THPT; tiếp nhận học sinh Việt Nam học tại các trường Trung học ở nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường THCS, THPT ở Việt Nam; tiếp nhận học sinh người nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường THCS, THPT ở Việt Nam.
Về thủ tục chuyển trường, đối với học sinh THCS, trường hợp chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố, hiệu trưởng nhà trường nơi đến sẽ tiếp nhận và xem xét, giải quyết. Nếu chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác, Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đến sẽ tiếp nhận và giới thiệu về trường theo nơi cư trú.
Trường hợp học sinh THPT chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố, hiệu trưởng nhà trường nơi đến sẽ tiếp nhận và xem xét, giải quyết. Nếu chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác, Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến sẽ tiếp nhận và giới thiệu về trường.
Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Trường hợp ngoại lệ về thời gian do Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp THCS), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp THPT) nơi đến xem xét, quyết định.
Về điều kiện và thủ tục tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước, đối tượng học sinh Việt Nam về nước gồm: Học sinh học ở nước ngoài diện được cấp học bổng theo các hiệp định, thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; học sinh học ở nước ngoài theo diện du học tự túc hoặc hợp đồng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài; học sinh theo cha, mẹ hoặc người giám hộ làm việc ở nước ngoài, học sinh Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Học sinh vào học tại trường THCS phải có học bạ hoặc giấy xác nhận kết quả học tập tại các lớp học trước đó cùng với xác nhận của nhà trường về việc được chuyển lên lớp học trên. Học sinh vào học tại trường THPT phải có văn bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp THCS tương đương bằng tốt nghiệp THCS của Việt Nam. Học sinh đã học ở Việt Nam, sau thời gian học ở nước ngoài, khi về nước phải có bằng tốt nghiệp bậc học đã học ở Việt Nam.
Điều kiện về tuổi, học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.
Về chương trình học tập, chương trình học ở nước ngoài phải có nội dung tương đương với chương trình giáo dục của Việt Nam với những môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Với những môn học thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải bổ túc thêm kiếm thức cho phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam.
Những học sinh đang học dở chương trình của một lớp học ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương phải được nhà trường nơi tiếp nhận kiểm tra trình độ theo chương trình quy định của lớp học đó.
Đối với học sinh người nước ngoài, đối tượng được xem xét, tiếp nhận vào học tại trường Trung học Việt Nam gồm: Học sinh diện được cấp học bổng theo các hiệp định, thoả thuận giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; học sinh diện tự túc theo hợp đồng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài; học sinh theo cha, mẹ hoặc người giám hộ sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Về văn bằng, học sinh người nước ngoài phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp tương đương bằng tốt nghiệp của Việt Nam, được quy định tại Luật Giáo dục Việt Nam đối với từng bậc học, cấp học.
Về điều kiện sức khoẻ, học sinh phải được kiểm tra sức khoẻ khi nhập học, trường hợp mắc các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam thì được trả ngay về nước. Khi mắc các bệnh thông thường phải điều trị trong vòng 3 tháng, nếu không đủ sức khoẻ cũng được trả về nước.
Về tuổi, học sinh người nước ngoài trong năm xin học tại Việt Nam được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.
PHƯƠNG VI(tổng hợp)