Biên cương hữu nghị: Nghĩa tình La Lay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường biên có thể phân chia lãnh thổ 2 nước Việt - Lào nhưng không hề làm lòng người xa cách. Ở La Lay, vùng đất biên cương của Quảng Trị giáp với nước bạn Lào, là một nơi như vậy, nhất là khi có bóng dáng của những người lính biên phòng đồn trú.

Tôi biết đến La Lay lần đầu khi được nghe qua những vần thơ: "Bên kia núi, con đường vào Salavan/Trưa La Lay nắng chan cột mốc/Em gái Pa Kô nắng hoe nhuộm tóc/Ngây thơ cười hâm hấp gió Trường Sơn". Hơn 10 năm trước, tôi đã đặt chân đến La Lay (nay thuộc xã A Ngo, H.Đakrông, Quảng Trị), thời điểm còn hoang vu, xa ngái, đường sá hiểm trở, xuống cấp. Cho đến khi La Lay được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế (từ tháng 6.2014), vùng đất này dần chuyển mình...

Nhiều năm qua, bộ đội biên phòng La Lay tặng rất nhiều phần quà cho dân bản La Lay A Sói ở bên kia đường biên

Nhiều năm qua, bộ đội biên phòng La Lay tặng rất nhiều phần quà cho dân bản La Lay A Sói ở bên kia đường biên

NHƯ CÙNG MỘT MẸ

Có người vì quá yêu La Lay mà bảo rằng nơi ấy tựa như một "cô gái ngủ trong rừng", khi vừa vươn vai thức dậy, hãy còn rón rén thẹn thùng từng bước khám phá bầu trời rộng lớn bên ngoài. Cũng phải thôi, khi ở đây người Pa Kô, Vân Kiều chiếm tỷ lệ tới 80% dân số, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông với năng suất rất thấp. Ở bên kia đường biên, những bản làng nước bạn Lào thuộc H.Sa Muồi (tỉnh Salavan) cũng có hoàn cảnh sống và dân trí không khác bà con bên này là mấy. Vậy nên dân bản tin rằng người bên này và bên kia biên giới cùng một mẹ.

Không phải ngẫu nhiên khi ở phía VN có bản La Lay thì phía bên kia biên giới cũng có bản La Lay A Sói (thuộc cụm 2, H.Sa Muồi, Salavan, Lào). Bởi trước đây 2 bản này là một. Sau lần hoạch định biên giới năm 1979 thì 2 bản thuộc về 2 nước, tiếp giáp đường biên 8 km và có 4 mốc quốc giới. Ông Hồ Văn Thủy, Trưởng bản La Lay, cho biết nhân dân 2 bản có chung cội nguồn, quan hệ dòng họ, thân tộc từ lâu đời và cũng có chung truyền thống văn hóa, phong tục tập quán. "Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc, nhân dân 2 bản đã đồng cam cộng khổ, đóng góp nhiều công sức, hy sinh cho cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước", ông Thủy nói.

Bà con dân bản La Lay A Sói vui mừng nhận công trình nước sạch do bộ đội biên phòng VN tặng

Bà con dân bản La Lay A Sói vui mừng nhận công trình nước sạch do bộ đội biên phòng VN tặng

Với mối quan hệ đó, vào tháng 1.2007, bản La Lay và bản La Lay A Sói đã kết nghĩa để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ đường biên cột mốc… Hơn 17 năm kết nghĩa, cư dân 2 bản đã tổ chức hàng trăm lượt tuần tra phát quang đường biên cột mốc, đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng đường biên; tổ chức giao ban nhiều buổi đột xuất để giải quyết các vụ việc liên quan đến cư dân biên giới; thăm hỏi, hỗ trợ nhau mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, hay đơn giản là chơi thể thao, diễn văn nghệ… Bản La Lay A Sói mở hội đâm trâu thì bà con ở bản La Lay cũng được chia phần thịt. Vào mùa giáp hạt, bên nào cần gạo thì bên kia gửi tặng. "Chúng tôi sống ở 2 nước khác nhau nhưng gần lắm, gần như một cái nắm tay là tìm được nhau", ông Bun Thân, Trưởng bản La Lay A Sói, ví von.

NHỮNG NGƯỜI VUN ĐẮP

La Lay cũng là nơi đóng chân của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Sự hiện diện của những người lính quân hàm xanh nơi núi rừng này đủ lâu để bà con cảm thấy thân thuộc. Tình cảm giữa đồng bào với bộ đội cứ thế mà nảy sinh, bồi đắp, bền chặt.

Bản La Lay nay có 78 hộ với 339 nhân khẩu. Dù được nhà nước quan tâm nhưng đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó một trong những nhiệm vụ chính của các chiến sĩ biên phòng là vực dậy đời sống nơi đây. Nhưng như vậy chưa đủ. Ở bên kia đường biên, bản La Lay A Sói với 51 hộ, 200 khẩu cũng đang sống trong đói nghèo. Họ cũng cần bộ đội giúp đỡ...

Vậy nên nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã cùng với dân bản La Lay vun đắp tình cảm với dân bản La Lay A Sói. Đồn biên phòng luôn dành sự quan tâm và giúp đỡ tận tình bằng vật chất như nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm giúp người dân bản La Lay A Sói vượt qua khó khăn, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19, mưa lũ, thiên tai…

Những người lính biên phòng quây quần bên bếp lửa nhà sàn, lắng nghe tâm tư người dân

Những người lính biên phòng quây quần bên bếp lửa nhà sàn, lắng nghe tâm tư người dân

"Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm chương trình thiện nguyện hướng về 2 bản La Lay và La Lay A Sói. Khi bà con bên phía VN có quà, có thóc gạo thì bà con ở bản La Lay A Sói cũng có như vậy, thậm chí có khi còn nhiều hơn vì phía bạn còn khó khăn hơn. Chúng tôi cũng không mơ nhiều, chỉ cần người lớn có gạo ăn, trẻ con được đến trường, có sách vở học hành…", thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, chia sẻ.

Không những hỗ trợ về vật chất, cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay còn tạo mọi điều kiện để bà con bản La Lay A Sói được khám chữa bệnh và có kế sinh nhai lâu dài. "Chúng tôi hướng dẫn bà con làm lúa nước, hỗ trợ đắp đập, nạo vét mương nước tưới cho 15 ha ruộng lúa ở bản La Lay A Sói mỗi khi bà con cần", thượng tá Linh cho hay.

Rất nhiều ngôi nhà có gắn bảng "Đồn biên phòng La Lay kính tặng" hiện diện ở bản La Lay A Sói, bởi đây là món quà mà lực lượng biên phòng La Lay vận động các nhà hảo tâm dành tặng những người anh em ở bên kia biên giới. Đó cũng là biểu tượng của tình hữu nghị.

"ĐẠI SỨ" NGHĨA TÌNH VIỆT - LÀO

Dù mới 14 tuổi nhưng cô bé Hồ Thị Nghinh (trú bản La Lay A Sói) được mọi người phong tặng là "đại sứ" nghĩa tình Việt - Lào. Câu chuyện của em hao hao cổ tích, và điều em làm được có thể khó lặp lại đối với một đứa trẻ sống ở nơi biên cương heo hút này.

Cô bé Hồ Thị Nghinh (bản La Lay A Sói), "đại sứ" nghĩa tình Việt - Lào, cùng cán bộ biên phòng VN

Cô bé Hồ Thị Nghinh (bản La Lay A Sói), "đại sứ" nghĩa tình Việt - Lào, cùng cán bộ biên phòng VN

Chuyện rằng, Nghinh tham gia cuộc thi viết "Kỷ vật kể chuyện" do Đại sứ quán Lào tại VN tổ chức vào năm 2022 và đoạt giải nhì với câu chuyện "Chiếc xe đạp của bố". Hỏi ra mới hay, "bố" của Nghinh chính là… các chú bộ đội biên phòng ở Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay.

Nghinh sinh ra trong một gia đình khó khăn ở La Lay A Sói, bố mẹ đều bị bệnh, không làm được việc nặng, dưới Nghinh còn có 3 em nhỏ. Giữa bộn bề gian nan nhưng Nghinh chăm ngoan, học tốt và được các chú bộ đội tặng chiếc xe đạp. Món quà nhỏ đó đã khích lệ em tiếp tục đến trường, quyết tâm thay đổi số phận. "Em xem những người lính biên phòng như bố của mình. Vì chỉ có bố mới chăm lo cho con gái như vậy", Nghinh nói.

Thượng tá Nguyễn Xuân Linh cũng tấm tắc khen Nghinh và bảo câu chuyện nhỏ của cháu bé là một thực tế rõ ràng về tình quân dân Việt - Lào ở vùng biên giới. "Tình cảm đó đã được vun bồi từ rất lâu, từ những điều nhỏ nhặt, để bây giờ qua tháng năm nó ghim chặt trong tim của mỗi cư dân biên giới, kể cả với những đứa trẻ. Còn với chúng tôi, khi công tác ở đồn biên giới này cũng là cơ hội để góp phần vun đắp tình hữu nghị đó mãi mãi bền lâu", thượng tá Linh đúc kết.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.