Biên cương hữu nghị: Từ mạch nguồn Sê Păng Hiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải người Quảng Trị nào cũng biết đến dòng Sê Păng Hiêng. Bởi đó là dòng sông nhỏ bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, không chảy về phía đông như thường thấy mà chảy về phía tây. Nhưng dòng sông chảy ngược lạ lùng ấy đã trở thành chứng nhân cho tình bằng hữu quân dân giữa đôi bờ biên giới.

Sê Păng Hiêng uốn lượn trong thung lũng Cù Bai (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Dọc theo miền bãi là những nóc nhà sàn của cư dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào. Ngày nay, khi đường nhựa đã thông đến vùng đất này thì người ta vẫn không quên về một Cù Bai thâm sơn cùng cốc. Vào mùa bão lũ, sạt lở triền miên cũng chia cắt vùng đất này với phần còn lại trong hàng tuần lễ liền...

Cầu Sê Păng Hiêng bắc qua dòng Sê Păng Hiêng

Cầu Sê Păng Hiêng bắc qua dòng Sê Păng Hiêng

Ở nơi xa ngái đó, Đồn biên phòng Cù Bai (nay là Đồn biên phòng Hướng Lập) là một trong những đồn biên phòng được thành lập đầu tiên của lực lượng biên phòng Quảng Trị. Đã 69 năm đóng chân trên địa bàn, những người lính biên phòng không những giúp dân bản vượt qua gian khó, kiếm cái ăn cái mặc mà còn vun bồi tấm chân tình của cư dân biên giới Việt - Lào.

BẢN KẾT NGHĨA ANH EM

Cùng chia sẻ mạch nước mát của dòng Sê Păng Hiêng, cùng sinh sống thuận hòa nơi mảnh đất tổ tiên để lại, những cư dân dọc đường biên Việt - Lào thường có chung gốc gác, hoặc ít nhất cũng có họ hàng với nhau. Vậy nên, chỉ cần cái "cầm tay" của lực lượng Bộ đội biên phòng Hướng Lập, đã có nhiều cụm bản đối diện nhau cùng kết nghĩa. Đó là bản Tà Pọng (cụm bản Chiêng Túp, H.Sê Pôn, Savannakhet) với bản Tà Păng (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), bản Cóc Rạc (cụm bản Chiêng Túp, H.Sê Pôn) với bản Cù Bai (xã Hướng Lập), bản A Via (cụm bản La Cồ, H.Sê Pôn) và bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa)…

Sông Sê Păng Hiêng là con sông nhỏ, chảy ngược về phía tây

Sông Sê Păng Hiêng là con sông nhỏ, chảy ngược về phía tây

Ví như ở cặp bản Tà Păng và Tà Pọng, có chung đường biên dài 15 km, 3 mốc quốc giới, từng có hàng trăm năm xây quan hệ nội tộc. Họ đùm bọc nhau qua chiến tranh, cùng rũ bùn đứng dậy qua những trận lũ rừng… Nay, khi "kết nghĩa", mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân hai bản càng thêm mặn nồng. Họ đứng cạnh nhau để cùng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, động viên nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị...

Ông Hồ Văn Lương, Trưởng bản Tà Păng, bảo người vùng cao không bao giờ nói hai lời, nay lại còn "kết nghĩa" với nhau thì sẽ coi nhau như anh em ruột thịt, không bao giờ gian dối, bảo vệ nhau bằng cả tính mạng.

Đồn biên phòng Hướng Lập thường xuyên tổ chức những ngày hội cho trẻ em và bà con ở hai bên đường biên

Đồn biên phòng Hướng Lập thường xuyên tổ chức những ngày hội cho trẻ em và bà con ở hai bên đường biên

Hay như cặp bản Cù Bai và Cóc Rạc, hơn 15 năm kết nghĩa, cứ 3 tháng một lần các già làng, chức sắc của hai bản lại gặp gỡ, xử lý những việc xảy ra nơi vùng biên giới. Những tranh chấp lớn nhỏ sẽ được phân xử rạch ròi, những thông tin còn mơ hồ sẽ được mổ xẻ, làm rõ trước sự đồng thuận của đôi bên. Người Cù Bai đã quen với việc khi ăn một bữa cơm nếp mới thì cùng chia cho bà con ở Cóc Rạc. Dân bản Cóc Rạc cũng không quên chia phần thịt ngon cho bà con bên kia biên giới khi có con thú hoang dính bẫy.

"Chúng tôi no cũng gọi nhau mà đói cũng gọi nhau. Dù ít dù nhiều thì vẫn nhớ nhau", ông Khăm Biên, Trưởng bản Cóc Rạc, nói như đinh đóng cột.

Đồn biên phòng Hướng Lập thường xuyên tổ chức những ngày hội cho trẻ em và bà con ở hai bên đường biên

Đồn biên phòng Hướng Lập thường xuyên tổ chức những ngày hội cho trẻ em và bà con ở hai bên đường biên

Cũng vì hai bản đã kết nghĩa "huynh đệ", nên khi có nhà hảo tâm mang quà từ dưới xuôi lên, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Lập cũng chia cho đều, thậm chí còn ưu tiên phía bạn. Trong năm 2023, Đồn biên phòng Hướng Lập đã tặng 2 sân bóng chuyền, dụng cụ thể thao, sách vở cho bà con bản A Via (cụm bản La Cồ) trị giá 150 triệu đồng; tổ chức giao lưu, tặng hàng trăm tấm chăn ấm, áo phao, giày dép… trị giá 120 triệu đồng cho con em bản Cóc Rạc. Chưa hết, những người lính biên phòng còn tặng cho bà con ở hai bên biên giới cả ngàn chiếc móc khóa có in thông tin đường dây nóng của Đồn biên phòng Hướng Lập, để khi xảy ra chuyện gì thì bà con có thể gọi ngay…

Đồn biên phòng Hướng Lập thường xuyên tổ chức những ngày hội cho trẻ em và bà con ở hai bên đường biên

Đồn biên phòng Hướng Lập thường xuyên tổ chức những ngày hội cho trẻ em và bà con ở hai bên đường biên

"Bà con sinh sống trên đất của hai nước khác nhau nhưng nói thật là anh em chúng tôi cũng không phân biệt lắm đâu. Họ cùng gốc gác, cùng tập quán và rất cần bộ đội giúp đỡ mà! Khi bà con yêu thương nhau như anh em, khi bà con xem bộ đội như người thân... thì vùng biên giới này chắc chắn sẽ yên bình", trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn biên phòng Hướng Lập, nói gọn ghẽ.

MẠNH BƯỚC CHÂN CHO BIÊN GIỚI BÌNH YÊN

Để đảm bảo bình yên nơi đường biên, công tác tuần tra song phương luôn được duy trì. Ở Cù Bai, việc tuần tra song phương được thực hiện thường xuyên với thành phần là Đồn biên phòng Hướng Lập và Đại đội biên phòng 321 (Lào).

"Hàng chục cây số đường biên giới đèo dốc, suối đá hiểm trở thuộc đồn quản lý đều in dấu chân của bao thế hệ người lính biên phòng. Cùng với lực lượng của nước bạn và "tai mắt" nhân dân biên giới, chúng tôi sẽ sớm nắm bắt những thay đổi dù nhỏ nhất trên đường biên, chẳng hạn cột mốc quốc giới bị hư hỏng, xê xích là dấu hiệu của hoạt động xâm canh, xâm cư, khai thác lâm thổ sản trái phép, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới…", trung tá Hồ Lê Luận cho biết.

Tuần tra đường biên là nhiệm vụ thường xuyên của Đồn biên phòng Hướng Lập

Tuần tra đường biên là nhiệm vụ thường xuyên của Đồn biên phòng Hướng Lập

Trên tuyến đường biên do Đồn biên phòng Hướng Lập quản lý, ngày 27.3 vừa qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Savanakhet (Lào) tổ chức tuần tra song phương đoạn biên giới Việt Nam - Lào. Đội tuần tra phía Quảng Trị do đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh làm đội trưởng; phía Savannakhet do thiếu tướng Sỉ Thạ Vi Say, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phụ trách.

Ảnh: Thanh Lộc

Ảnh: Thanh Lộc

Đội tuần tra biên giới song phương đã khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết và địa hình hiểm trở để kiểm tra dấu hiệu đường biên giới, tình trạng an toàn của hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào, hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới. Hai bên cũng trao đổi tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới, tổ chức phát quang đường tuần tra, làm vệ sinh khu vực xung quanh cột mốc, tuyên truyền cho cư dân hai bên biên giới chấp hành các quy định về biên giới, lãnh thổ...

Đại tá Lê Văn Phương (phải) và thiếu tướng Sỉ Thạ Vi Say (giữa) dẫn đầu đoàn tuần tra song phương

Đại tá Lê Văn Phương (phải) và thiếu tướng Sỉ Thạ Vi Say (giữa) dẫn đầu đoàn tuần tra song phương

Đại tá Lê Văn Phương phấn khởi nói qua kiểm tra cho thấy dấu hiệu đường biên giới, các mốc quốc giới được đảm bảo nguyên trạng, không có dấu hiệu xê dịch hay hư hỏng. "Nhân dân hai bên biên giới ổn định làm ăn phát triển kinh tế, chấp hành tốt các văn kiện pháp lý về biên giới giữa hai nước, có ý thức bảo quản mốc quốc giới. Quá trình tuần tra không phát hiện các hoạt động xâm canh, xâm cư, khai thác lâm thổ sản trái phép, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới trong phạm vi đảm nhiệm".

Đoàn tuần tra song phương của quân đội Việt Nam - Lào tại đường biên Quảng Trị hồi tháng 3 năm nay

Đoàn tuần tra song phương của quân đội Việt Nam - Lào tại đường biên Quảng Trị hồi tháng 3 năm nay

Mới hay, dòng Sê Păng Hiêng ở thung lũng Cù Bai dù chảy ngược về phía tây nhưng lòng dân quần tụ ở đôi bờ, ở hai quốc gia khác nhau, vẫn thuận...

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.