Biên cương hữu nghị: Nửa đêm lên cửa khẩu nhận bệnh nhân cấp cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại khu vực biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế), các đơn vị quân y và y tế cơ sở đều không chỉ đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương mà còn chăm lo sức khỏe cho nhân dân nước bạn Lào.

Ca bệnh giữa trưa

Ngày 21.3, tại Phòng khám quân dân y Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng vừa ăn xong chén cơm, chuẩn bị nghỉ trưa thì một người dân địa phương vào gõ cửa: "Bác ơi, nhờ bác khám cho chị bệnh nhân người Lào với! Không biết chị đau gì mà người nhà chở sang gấp lắm!".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt hướng dẫn 2 bệnh nhân người Lào đến Trạm quân dân y A Đớt khám bệnh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt hướng dẫn 2 bệnh nhân người Lào đến Trạm quân dân y A Đớt khám bệnh

Thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng khoác vội chiếc áo blouse bước ra phòng khám. Ngoài sân có 2 người Lào, 1 phụ nữ và 1 người đàn ông trung niên đang đội nắng chờ sẵn. Biết cả hai không nói được tiếng Việt, một người đàn ông địa phương đang ngồi uống nước ở quán ven đường Hồ Chí Minh nhanh chóng đến hỗ trợ, vào gọi y sĩ Bùi Công Trọng, đồng thời đảm nhận luôn nhiệm vụ "phiên dịch".

Thông qua người phiên dịch, danh tính 2 người Lào cũng đã rõ: chị A Viết Thị Thôn (40 tuổi) và con trai riêng của chồng, họ ở bản Ka Lôi, bên kia biên giới. Là mẹ kế, nhưng tuổi tác của chị A Viết Thị Thôn không "cách xa" mấy so với người con riêng của chồng.

Ngồi vào bàn khám bệnh, chị A Viết Thị Thôn cho biết chị bị đau vùng bụng, sau đó cảm thấy váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, người lúc nóng, lúc lạnh… nên mới nhờ người chở sang nơi đây khám bệnh.

Thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng sau khi đo huyết áp, thăm khám đã chẩn đoán chị A Viết Thị Thôn bị cao huyết áp (kết quả đo huyết áp 160/90, mạch 80 lần/phút), viêm dạ dày co thắt. Thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng kê toa, cấp thuốc huyết áp 20 ngày và cấp thuốc điều trị dạ dày, đồng thời nhờ người phiên dịch dặn dò cẩn thận cho chị A Viết Thị Thôn về uống đúng liều. "Khi nào uống hết thuốc mà còn đau thì qua khám lại để nhận thêm thuốc", thiếu tá Bùi Công Trọng ân cần.

Uống 1 viên thuốc hạ huyết áp và nhận thuốc, người phụ nữ đã dần tỉnh táo và chị cảm ơn thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng. Sau khi nữ bệnh nhân người Lào ra về, thiếu tá Bùi Công Trọng cho biết người dân bản Ka Lôi bên kia biên giới do điều kiện khó khăn cùng với tập tục ăn uống không đảm bảo nên thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

"Đó là những bệnh phổ biến, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt như tai nạn lao động, sinh nở, bỏng đột xuất… mà chúng tôi đã phải tổ chức cấp cứu. Có khi giữa đêm khuya nhận tin có bệnh nhân cấp cứu, chúng tôi vội lên cửa khẩu nhận bệnh", thiếu tá Bùi Công Trọng nói.

Nửa đêm ngược lên cửa khẩu

Thiếu tá Bùi Công Trọng nhẩm tính, trong năm 2023 và quý 1/2024, lực lượng quân y của đơn vị đã thực hiện 482 lượt khám chữa bệnh cho người dân địa phương và nhân dân Lào. Trong đó, có 5 trường hợp cấp cứu cho các bệnh nhân Lào, gồm 2 trường hợp trẻ em từ 5 -12 tuổi bị bỏng, 2 trường hợp tai nạn lao động, bị thương khi đi làm rẫy và 1 trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng khám bệnh cho chị A Viết Thị Thôn, 40 tuổi, đến từ bản Ka Lôi, H.Ka Lùm (Lào)

Thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng khám bệnh cho chị A Viết Thị Thôn, 40 tuổi, đến từ bản Ka Lôi, H.Ka Lùm (Lào)

"Trong số những trường hợp cấp cứu nêu trên, có trường hợp xảy ra lúc nửa đêm và chúng tôi đều kịp thời tổ chức lên cửa khẩu đón bệnh, cấp cứu và đưa về chuyển lên Trung tâm y tế H.A Lưới để điều trị", ông chia sẻ.

Cũng theo thiếu tá, y sĩ Bùi Công Trọng, với những trường hợp cấp cứu, sau khi tiếp nhận thông tin và được phía bạn (Đồn công an Tà Vàng) xác nhận, đưa lên Trạm liên hợp biên giới, lãnh đạo Phòng khám quân dân y Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt sẽ cử cán bộ y tế phối hợp với Đoàn kinh tế quốc phòng 92 đóng trên địa bàn điều xe lên tận cửa khẩu để đón bệnh. Quy trình này được thực hiện theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế về công tác phối hợp quân dân y. Trường hợp cấp cứu nào đủ sức xử lý được thì các y sĩ của trạm sẽ đảm nhận; còn nếu bệnh nặng, vượt khả năng điều trị thì họ cho xe chở về Trung tâm y tế H.A Lưới để điều trị. Toàn bộ chi phí xăng xe, thuốc men đều do Trạm quân dân y, Đoàn kinh tế quốc phòng 92 và 4 xã biên giới phối hợp hỗ trợ, để bệnh nhân được hoàn toàn miễn phí. (còn tiếp)

Năm 2023, Trung tâm y tế H. A Lưới đã tiếp nhận và điều trị 152 lượt bệnh nhân người Lào, với tổng chi phí khám và điều trị hơn 212 triệu đồng. Trong quý 1/2024, trung tâm đón và điều trị hơn 40 lượt bệnh nhân người Lào. Toàn bộ kinh phí điều trị thuốc men đều được UBND H.A Lưới chi trả theo chính sách ngoại giao hữu nghị giữa 2 nước.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.