Bí quyết trường thọ của cụ ông 102 tuổi ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở tổ dân phố 9 (phường Tây Sơn, thị xã An Khê), ai cũng biết đến ông Lê Hoài. Ông sinh năm Ất Mão (1915) tại thôn Thái Xuân (xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Năm 1954, ông rời quê hương lên Gia Lai lập nghiệp. Vợ chồng ông có 6 người con nay đã lớn và thành đạt. Hiện nay, ông sống một mình trong căn nhà cấp IV đơn sơ được Nhà nước hỗ trợ cho gia đình có con là liệt sĩ.

Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết: Về chế độ ăn uống, ông ít khi để quá đói mới ăn hoặc ăn quá no. Con cháu đi chợ mua thức ăn về để ông tự chế biến và nấu ăn. Đặc biệt, có một món mà ông không thể bỏ qua đó là trứng luộc dầm nước mắm loãng chấm rau muống hoặc rau cải. Ông nói: “Ăn món này cho sáng mắt con ạ”. Mâm cơm của ông phải có tô nước thịt hoặc nước đậu phộng kho sền sệt. Ông nói: “Nước chấm ngon mới ăn được nhiều rau, khỏe bụng, ngủ ngon”. Ông cũng uống bia rượu nhưng không nhiều. Không bao giờ ông uống trà đậm. Thức uống ông yêu thích là cà phê.

 

Ông Lê Hoài. Ảnh: A.S
Ông Lê Hoài. Ảnh: A.S

Một “bí quyết” nữa là ông không bao giờ ngủ sau 21 giờ 30 phút và luôn dậy trước 4 giờ 30 phút. Ông nói: “Phải tập cho mình thói quen, đừng thức khuya phá sức vô ích. Giấc ngủ trưa cũng rất quan trọng, vì chợp mắt được 15-30 phút là chiều làm việc gì cũng sáng dạ, không mệt mỏi”. Vào mùa nắng nóng, con cháu định lắp cho ông máy lạnh nhưng ông từ chối. Ông bảo: “Nóng quá thì ở trần, dùng quạt máy, mất điện thì quạt tay, sáng thức dậy khỏe hơn nằm máy lạnh… ngộp!”. Đặc biệt, ông chỉ thích nằm giường vạt tre vì ít đau lưng.

Khoảng 40 năm trở lại đây, lúc nào ông cũng dậy lúc 4 giờ 30 phút, sau đó tập thể dục, tưới hoa, quét sân và uống trà. Đến 6 giờ, ông thủng thẳng cưỡi xe đạp đi ăn sáng. Đi thăm con cháu xa đến 10 km ông cũng đi bằng xe đạp. Ông bảo: “Đi xe đạp cũng như tập thể dục cho giãn gân, giãn cơ, ngủ ngon, ăn được”. Lúc rảnh rỗi, ông thường xem ti vi, nghe đài, đọc báo. Đôi lúc cao hứng, ông cất lên vài câu bài chòi, hát tuồng Bình Định cho con cháu nghe.

Tuy cao tuổi nhưng ông rất khỏe. Đặc biệt, ông rất ít sử dụng thuốc Tây. Ông bảo: “Đau cảm thời tiết, làm nồi lá, xông ra mồ hôi, húp bát cháo hành tiêu là bớt bệnh, lạm dụng thuốc men nhiều làm gì”. Có lần, chính quyền địa phương mời ông đi khám tổng quát theo chế độ chăm sóc người có công. Sau nhiều lần đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh gì cả, ông bảo: “Có đau gì đâu mà khám chi cho mất thời gian bác sĩ”.

Hiện nay, ông rất minh mẫn và vui vẻ khi có khách thăm. Ông cũng rất hòa đồng với xóm giềng, không thấy ông gây gổ với ai hoặc la rầy con cháu. Ông thường tâm niệm: “Tinh thần thanh thản là liều thuốc tiên”. Tuổi thọ cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhìn cách sinh hoạt của ông thì có thể thấy đây là yếu tố quan trọng nhất. Đây là điều thật sự không quá khó với những người bình thường như chúng ta.

An Sinh

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.