Sài Gòn - TP.HCM với lịch sử hơn 300 năm chứa đựng bao điều hấp dẫn cần khám phá, trong đó có những ngôi mộ cổ. Mộ cổ Nam bộ của nhà nghiên cứu Phạm Đức Mạnh do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành vừa ra mắt độc giả là kho tài liệu công phu và tâm huyết góp phần giải mã những bí ẩn đó.
Mộ song táng tả quân Lê Văn Duyệt và chánh thất Đỗ Thị Phấn hình bán noãn - Ảnh: Quỳnh Trân |
Mộ của những người nổi tiếng
Hai tên tuổi lớn của đất Gia Định xưa mà mộ phần lâu nay ít được biết đến đều xuất hiện trong cuốn sách quý, đó là Chưởng cơ Lê Văn Phong và võ tướng Trần Văn Học.
Chưởng cơ Lê Văn Phong (1769 - 1824) cùng anh trai Lê Văn Duyệt theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, được phong chức Tả dinh Đô Thống chế, giữ chức Phó tổng trấn Bắc thành cùng Tổng trấn Lê Chất cai quản vùng đất từ Ninh Bình đến Lạng Sơn. Tài hoa bạc mệnh, ông sớm lâm bệnh rồi mất khi tuổi đời mới 55. Tháng 4.2011, Ban Quý tế Lăng Ông Bà Chiểu tìm ra ngôi mộ cải táng của Lê Văn Phong nằm phía sau vách khu mộ Võ Tánh (tại đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận). Phần mộ ông do đích thân Tả quân Lê Văn Duyệt đứng ra chỉ huy việc xây dựng, bằng chất liệu gạch và xi măng. Phần bình phong có gắn tấm bia đá hoa cương, viết: “Từ trần tháng 9 năm Giáp Tuất 1824 Minh Mạng thứ 5. Linh vị, tiểu sử thờ tại Hưng Quốc tự”. Ngày 9.4.2012, nhân ngày tiết Thanh Minh, con cháu họ tộc Lê Văn từ các nơi đã hội tụ về rước di cốt Tả dinh về cải táng ở ấp Tháp, xã Thái Mỹ, H.Củ Chi (TP.HCM). Trong quá trình khai quật mộ chưởng cơ Lê Văn Phong tìm thấy nhiều phẩm phục: áo, bao đai thắt lưng và cả đôi hia quan võ và phần mão quan kiểu hình trụ, có cặp cánh chuồn hai bên... có công lớn cho việc nghiên cứu và phục dựng các phẩm phục sau này.
Còn võ tướng Trần Văn Học, người Việt đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn - Gia Định xưa, họa đồ thành Mỹ Tho, thành Bát Quái theo phương pháp của người Tây - thì lăng của ông nằm ở xã Bình Hòa (Gia Định), từng đứng thứ 9 trong danh sách các di tích tại miền Nam Việt Nam của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp do Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn năm 1925. Cuộc khai quật năm 1939 mộ ông kéo dài trong vòng 3 tháng, được sử sách mô tả to lớn như “lăng tẩm của các vị vua, dùng toàn đá xanh và vôi có pha chất nhựa nên rất kiên cố” và phải đào bóc liên tục các phiên đan lớn ghép hầm mộ. Sách viết: “Kỹ sư Lataste kể lại: Huyệt hình chữ nhật, trong quan chứa 2 tấm gỗ hình chữ nhật và hình trái tim có nạm vàng và chạm trổ trang trí. Lễ phục vải cải hoa xếp cứng. Mão quan và đai lưng là của Thượng thư - phục trang nhất phẩm quy định đời Thiệu Trị, với ít chi tiết khác do biến cải lễ phục quy định từ tiền vương Gia Long...”.
Phần mộ hai cô hầu ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) |
Sách Mộ cổ Nam bộ khiến độc giả bất ngờ trước những tư liệu chi tiết về phần mộ của nhiều người nổi tiếng: Tả quân Lê Văn Duyệt và mộ hai cô hầu (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), mộ tiến sĩ đầu tiên xứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản, mộ các danh nhân: cụ Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu (ở Bến Tre), Tổng trấn đầu tiên Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn, quyền nhiếp chính Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Tuyên (ở Đồng Tháp), mộ Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị (Cần Thơ), quần thể lăng tẩm Thoại Ngọc Hầu (núi Sam, An Giang), lăng Mạc Cửu (Hà Tiên, Kiên Giang)… chứa đựng nhiều bí mật.
Kỹ thuật tẩm liệm tinh xảo
Hiện nay toàn Nam bộ còn lưu giữ khoảng 500 lăng tẩm và mộ táng hợp chất cùng hàng ngàn ngôi mộ kiến thiết bằng chất liệu đá, đá ong, bê tông cốt sắt ở thời trung và cận đại.
PGS-TS Phạm Đức Mạnh, giảng viên cao cấp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Mộ táng hợp chất đa phần phân bố ở TP.HCM, thuộc địa giới xưa dành riêng cho các “cánh đồng mộ” qua miêu thuật của học giả Pháp: Jean Bouchot, J.C.Baurac, Silvestre..., với hàng trăm quần thể đa phần làm bằng hợp chất, giới hạn bởi các đường Chasseloup Laubat và Jean - Jacques Russeau (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và Impériale, Nationale và Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng)”.
Ngoài lối kiến trúc độc đáo theo từng giai đoạn, việc chôn cất cũng bí ẩn thì khi khai quật các ngôi mộ cổ Nam bộ còn phát lộ kỹ thuật tẩm liệm tinh xảo: Khai quật mộ bà Cầu Xéo (Đồng Nai) và Mỹ Đức Đông (Tiền Giang) thấy quan tài được làm bằng gỗ sao đen ngoại hạng của rừng nguyên sinh Nam bộ, hóa chất nhận dạng rõ nhất là các giọt thủy ngân óng ánh, từng thấy trong những ngôi mộ cổ Ai Cập, có thể người xưa sử dụng diệt khuẩn. Trong đáy quan tài mộ cổ ở Cái Bè (Tiền Giang), ngoài tàn tích thực vật đóng gói như trà, tre hay trúc còn có tới 50 kg hạt đen tròn “giống hạt tiêu”. Ở mộ bà Võ Thục Nhân trong khuôn viên Viện Pasteur (TP.HCM), các nhà khoa học thu được 255 hạt lạ được người xưa rải mặt và phần đầu thi hài.
“Những hạt lạ này có thể dùng để sát trùng, chiết xuất tinh dầu thơm, để phục vụ cho việc yên nghỉ trong ngôi nhà vĩnh hằng. Thú vị nhất trong áo quan gỗ sao ở Cầu Xéo có hàng trăm lá sen phủ dày thi hài nữ... nhờ tác dụng của hà diệp giữ cho xác chậm phân hủy, vừa có ý nghĩa tâm linh che chở giấc ngủ cho người quá cố. Sự hiện diện những vết tích của dừa - dừa nước, với xơ dừa làm vật chèn nơi “vạn niên cát địa” trong các ngôi mộ cổ Nam bộ, chẳng khác gì trái dừa xếp trong mâm ngũ quả (cầu, sung, dừa, đủ, xoài) trên bàn thờ gia tiên của người Việt nơi mảnh đất phương Nam này”, PGS-TS Phạm Đức Mạnh đúc kết.
Theo Lê Công Sơn (thanhnien)