Bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chỉ sau bệnh tim mạch. Người bị đột quỵ nếu may mắn qua cơn nguy kịch cũng thường chịu nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống.

Năm 2023, Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 1.410 bệnh nhân đến khám sau đột quỵ, trong đó có 525 lượt bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú do liệt sau đột quỵ.

Đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và nếu may mắn vượt qua thì cũng có đến 80% bệnh nhân chịu những di chứng với tổn thương nặng nề, trong đó, khoảng 30% trường hợp không thể phục hồi.

Theo bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương-Trưởng khoa Chăm sóc bệnh nhân nặng (Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh), di chứng của đột quỵ thường gặp là các rối loạn vận động như liệt hoặc rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng rối loạn tâm lý, cảm xúc, trầm cảm...

“Hiện nay, đột quỵ có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Không chỉ người cao tuổi có bệnh nền mà ngay cả những người còn rất trẻ, tiền sử khỏe mạnh cũng trở thành nạn nhân của đột quỵ. Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân còn trẻ, trong đó có trường hợp mới trên 30 tuổi”-bác sĩ Thương nói.

Các y-bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh thường xuyên quan tâm, động viên bệnh nhân bị đột quỵ yên tâm điều trị. Ảnh: N.N

Các y-bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh thường xuyên quan tâm, động viên bệnh nhân bị đột quỵ yên tâm điều trị. Ảnh: N.N

Hiện nay, mảng vật lý trị liệu-phục hồi chức năng là một trong những thế mạnh của Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh. Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ đã được điều trị tại đây.

Bà Bùi Thị Thu Thảo (thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: Bà bị tai biến mạch máu não cách đây 3 tháng và di chứng sau đột quỵ là bị liệt nửa người. Sau khi trị liệu bằng Tây y, bà đang phục hồi chức năng bên Đông y được 20 ngày nay.

“Qua vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn, nửa người bên phải đã có cảm giác. Bác sĩ nói phải kiên trì trị liệu và tôi quyết tâm phục hồi để giúp mình vận động lại và tự chăm lo cho bản thân”-bà Thảo chia sẻ.

Ông Bùi Hữu Khánh (tổ 9, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: 6 tháng trước, vợ tôi bị hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán vợ tôi bị tai biến mạch máu não. Sau 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà ấy dần khỏe lại nhưng bị liệt nửa người bên phải. Vì vậy, tôi chuyển vợ sang điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh.

“Sau 6 tháng kiên trì tập luyện theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, vợ tôi đã khôi phục được khoảng 50%. Hàng ngày, tôi đưa vợ đến bệnh viện trị liệu để hồi phục giúp bà ấy có thể trở lại với cuộc sống như trước đây”-ông Khánh bộc bạch.

Một trong những trường hợp bị đột quỵ khi chỉ ngoài 30 tuổi là anh Rơ Châm Thum (làng Dôch 1, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh). Từ bị liệt nằm một chỗ, qua tập luyện trị liệu, anh đã có thể đi lại nhẹ nhàng.

Anh Thum kể: Vài tháng trước, anh bị xuất huyết não, tình trạng bệnh nặng nên được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị. Căn bệnh với di chứng liệt khiến anh không đi lại được. 2 tháng trước, anh bắt đầu vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và may mắn đến nay đã có thể đi lại nhẹ nhàng, tự chăm sóc được bản thân.

Bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương thông tin: Đối với đột quỵ giai đoạn cấp, tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu với ưu tiên hàng đầu là cứu sống người bệnh. Sau khi được cứu sống, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm và phục hồi chức năng càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao.

“Kết quả của việc phục hồi chức năng tùy vào từng trường hợp và đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, nỗ lực. Ngoài rối loạn vận động như liệt, nhiều người sau đột quỵ còn gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, dễ lo lắng quá mức dẫn đến trầm cảm. Họ cảm thấy mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày; cảm thấy bản thân vô dụng, mệt mỏi, ít năng lượng, luôn trong trạng thái uể oải…

Vì vậy, các y-bác sĩ cũng như gia đình thường xuyên động viên bệnh nhân vượt qua cú sốc đột quỵ, có niềm tin vào việc điều trị để nhanh chóng hồi phục”-bác sĩ Thương cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thương, mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao và trang bị kiến thức để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ để phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, tránh di chứng.

“Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hơn gồm những người trên 50 tuổi, có các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì…

Khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ như: khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt; đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể; nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, đột ngột mất thị lực… thì nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”-bác sĩ Thương khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.