Bệnh gout: Chớ xem thường!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bệnh gout thường gặp ở người trên 50 tuổi, nhưng hiện nay căn bệnh này càng thường gặp ở những người trẻ. Thậm chí có người chỉ bước qua tuổi 30 đã mắc gout.

Gout là bệnh lý do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở các mô. Gout biểu hiện bằng những đợt viêm khớp cấp tính và sau đó tiến triển thành mạn tính. Triệu chứng đặc trưng của cơn gout cấp là khởi đầu đột ngột với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, thường ở một khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, làm hạn chế vận động. Bệnh gout thường ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới. Khi bệnh gout nặng hơn hoặc tiến triển mạn tính, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc dẫn đến đau và cứng khớp, hình thành hạt tophi ở khớp, bệnh thận do gout.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thanh Ngọc-Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Gout là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Điều đáng quan ngại là người mắc gout ngày càng trẻ hóa. Cứ 4 người đến khám tại phòng khám Nội cơ xương khớp của Bệnh viện và được chẩn đoán mắc gout thì có 1-2 người trong độ tuổi 30-40. Tuy nhiên, đa số người mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó, khi thấy các triệu chứng được cải thiện thì họ tự ý bỏ thuốc.

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận trường hợp của người bệnh nam N.H.M., (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh).  Cách đây 1 năm, người bệnh bắt đầu có những biểu hiện sưng đau và đỏ, nóng khớp ngón chân trái. Khi đi khám, anh được chẩn đoán mắc gout. Thế nhưng, do tâm lý chủ quan, sau khi dùng hết đợt thuốc đầu tiên và các triệu chứng sưng, đau, nóng đỏ khớp giảm đi, người bệnh tự ý ngưng dùng thuốc. Sau đó, mỗi lần bệnh tái phát, anh cũng chỉ ra tiệm thuốc Tây gần nhà để mua thuốc giảm đau uống và vẫn duy trì chế độ ăn uống dư thừa chất đạm, uống nhiều rượu bia và lười vận động trong thời gian dài. Đến khi, cả bàn chân trái sưng to, tấy đỏ khiến người bệnh không đi lại được kèm theo đi tiêu phân đen sệt, nôn ra máu, anh M. mới  nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày kèm đợt cấp viêm khớp gout mạn. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu nặng, acid uric máu tăng cao kèm suy thận cấp. Người bệnh được truyền máu cấp cứu và nội soi dạ dày điều trị loét.

Một trường hợp khác là anh C.T.T., 39 tuổi, quê ở An Giang. Người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh gout từ 6 năm trước. Nhưngvới suy nghĩ gout là “bệnh nhà giàu”, còn bản thân gầy như que củi thì không thể mắc bệnh này, anh T. cho rằng mình chỉ đau nhức khớp thông thường nên không điều trị thường xuyên. Cách đây 2 năm, bệnh nhân nghe lời giới thiệu thuốc trị khớp “bí truyền” cực kỳ hiệu quả từ Campuchia nên mua về uống mỗi ngày. Cách đây 1 tuần, anh T. đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với các triệu chứng sưng, đau khớp và nóng đỏ cổ chân, ngón cái chân và khớp gối 2 bên, không đi lại được. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh gout của anh đã tiến triển giai đoạn nặng do nhiều khớp đã biến dạng kèm theo biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoid.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc nhấn mạnh: “Bệnh lý viêm khớp gout là một bệnh mãn tính, vì vậy người bệnh cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, bệnh gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người bệnh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử…”.

Bác sĩ Ngọc cũng khuyến cáo người bệnh khi được chẩn đoán mắc gout nên có thái độ bình tĩnh đối mặt và chấp nhận liệu trình điều trị lâu dài. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định điều trị do bác sĩ đề ra thì việc “sống chung với gout” sẽ diễn ra an toàn và tốt đẹp. Bên cạnh đó, người bệnh gout cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản… Có như vậy, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được đảm bảo và cải thiện.

Nguyễn Hưng

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.