Bé trai 1 tuổi tím tái, ngừng thở vì ngộ độc thuốc phiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh nhi được chuyển đến BV cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái toàn thân, suy hô hấp, suy tuần hoàn, hết sức nguy kịch.
Bệnh nhi là bé Vàng Thành T., 12 tháng tuổi, dân tộc H’Mông được chuyển đến BV đa khoa Sa Pa, Lào Cai cấp cứu chiều 16/7 vừa qua trong tình trạng hết sức nguy kịch do ngộ độc thuốc phiện.
Thời điểm nhập viện, bé hôn mê sâu, toàn thân tím tái, suy hô hấp, suy tuần hoàn, liên tục có cơn ngừng thở. Khám lâm sàng phát hiện bé bị tiêu chảy cấp.
Khi đến BV, người thân của bệnh nhi không biết nói tiếng Kinh, do đó khoa Cấp cứu của BV phải nhờ bác sĩ Chang Thị Thúy Lan khám và khai thác bệnh sử bằng tiếng địa phương.
Được biết, bé T. bị tiêu chảy trước đó 1 ngày, trưa 16/7, bé được bà nội đưa đến ông lang trong bản khám, đặt thuốc phiện vào hậu môn. 15 phút sau, bé bắt đầu lả đi, tím tái khắp người, cấu véo không biết gì nên bà nội gọi cả nhà đưa bé đến BV. 
 
Bệnh nhi may mắn được cấp cứu kịp thời nên hiện đã qua cơn nguy kịch 
Các bác sĩ xác định, nguyên nhân khiến bệnh nhi tím tái, ngừng thở do các thành phần trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp. Nhờ sự hỗ trợ của BS Đỗ Hoàng Hải, khoa Nhi, BV Bạch Mai đang có mặt tại BV, bệnh nhi phải đặt nội khí quản và dùng thuốc kháng để “giải” ngộ độc thuốc phiện. Sau 3 ngày điều trị, hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.
Lãnh đạo BV cho biết, hiện nhiều gia đình, nhất là đồng bào ở các vùng nông thôn và miền núi vẫn còn lưu truyền tập quán dùng thuốc phiện để chữa một số bệnh phổ biến như đau bụng, tiêu chảy.
Sự thiếu hiểu biết đầy đủ về vị thuốc này đã dẫn đến những tác hại rất nguy hiểm cho người bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ. Thậm chí có những bệnh nhi phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc phiện qua… sữa mẹ. 
Riêng với tiêu chảy, việc dùng sái thuốc phiện, thuốc phiện để điều trị là chống chỉ định với cả trẻ em và người lớn. Vì thuốc phiện làm giảm nhu động ruột, khiến tình trạng đi ngoài đỡ hơn nhưng việc cầm đi ngoài này rất nguy hiểm do các tác nhân gây tiêu chảy như virus, vi khuẩn không được đào thải ra ngoài mà tồn đọng trong đường ruột, gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, thậm chí bị viêm ruột, gây biến chứng nguy hiểm.
Ngay cả trong điều trị tiêu chảy bằng thuốc tây y, các bậc phụ huynh cũng nên cẩn trọng không tùy ý sử dụng thuốc vì một số loại thuốc có nguồn gốc thuốc phiện. Nếu trẻ nhỏ bị tiêu chảy đi ngoài hơn 6 lần/ngày thì gia đình phải đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị.
Thúy Hạnh (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.