Bảy năm Chư Pưh "ra riêng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thoắt đấy mà đã 7 năm Chư Pưh “ra riêng”. Từ ngày ấy, 27-8-2009 đến nay gần như hàng năm vài lần tôi đều trở lại nơi này; mỗi lần trở lại, có thể thấy sự phát triển đi lên trên nhiều lĩnh vực là không thể phủ nhận. Trong phạm vi bài viết này không cho phép liệt kê về những con số “biết nói”, song xin nêu một số minh chứng cho sự phát triển của vùng đất phía Nam Gia Lai này: diện tích gieo trồng cho đến vụ mùa năm nay trên 20,5 ngàn ha; tổng thu ngân sách năm 2015 đạt đến trên 250 tỷ đồng; dù đang trong thời kỳ miễn, giảm, giãn thu, nhưng phần thu của Chư Pưh cũng cố đến con số 43 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 36,1 triệu đồng. Đó là sự cố gắng không nhỏ.  

 Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh.                                          Ảnh: Đ.M.P
Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Đ.M.P

Mới đây tôi lại có dịp trở về Chư Pưh. Đập vào mắt chúng tôi đã là một cơ ngơi xây dựng bài bản-trung tâm hành chính của huyện, không đồ sộ, to tát, nguy nga, nhưng trật tự trong một không gian mà người ta hay coi là mục tiêu phấn đấu cho một công sở: xanh-sạch-đẹp. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tư Sơn có công chuyện đột xuất không thể cùng chúng tôi “lội” một vòng xuống các xã, anh giao cho lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy và các phòng chuyên môn, những người am tường công việc ở cơ sở thay anh làm việc ấy. Mang tiếng là hàng năm đều đôi lần về với Chư Pưh, nhưng từ lần “lội” này nhìn về những lần trước, tôi cảm thấy như hồi đó mình chỉ mới là... cưỡi ngựa xem hoa. Một buổi chúng tôi dành cho vùng đất phía Đông xã Ia Le và Đông Nam xã Ia Phang. Trời càng về trưa, cái nóng của vùng đất này như càng nóng hơn, chiếc Fortuner hai cầu, bảy chỗ cùng với anh lái trẻ Nguyễn Công Lộc gồng mình vượt qua những ổ trâu, ổ bò trên con đường “không cấp” gần 30 cây số lượn qua bao dốc, bao ghềnh, bao con suối đang mùa nắng hạn, chỉ còn trơ ra nào là đá, là cát sỏi, máy lạnh trong xe phát huy hết công suất mà tôi vẫn cảm thấy mình đang như ngoài trời. Thế mà, cái khó, cái cực ấy không thể làm tôi hết hứng thú, khi mà mình như liên miên trôi trên những cánh đồng mì, bắp, đậu đỗ xanh rờn ngút ngàn tầm mắt và trập trùng những đồi cây trồng lấy gỗ lên ba lên bốn năm tuổi, rồi cả những rừng cây cao su, cà phê, cây đào lộn hột và dưới những thung xa là tăm tắp những vườn tiêu... Nơi này, cách đây trên 15 năm, khi tôi còn là người đứng đầu của “huyện chung” đã nhiều lần lặn lội và đã không ít lần bắt gặp đội ngũ phá rừng. Vùng này từng là rừng nguyên sinh, có nhiều gỗ quý nhưng lợi dụng sự quản lý yếu kém của các ngành chức năng, lâm tặc hoành hành và chẳng mấy chốc rừng đã không còn bao nhiêu nữa. Người dân nhiều nơi “đánh úp” xuống chốn này, và cái sự “an cư lạc nghiệp” của họ cũng góp phần không nhỏ làm cho rừng thêm cạn kiệt. Nhưng mà biết làm gì với điều kiện thực tế khách quan này, buộc chúng tôi khi ấy phải “hợp thức hóa” một phần để những người dân xứ lạ kia có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, kiếm kế sinh nhai, cho dù chủ trương khi đó của tỉnh là kiên quyết không chấp thuận sự di dân tự do vào địa bàn này.
 

Là một vùng đất khá rộng, ngày chưa chia tách huyện thì Chư Sê sở hữu đến gần 1,4 ngàn cây số vuông, có những xã diện tích tự nhiên lên đến trên 30 ngàn ha, dân số lúc bấy giờ cũng đã trên 130 ngàn người với 23 đơn vị hành chính cấp xã; điều đó gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, điều hành. Do vậy, một Chư Pưh ra đời là điều khách quan, song từ “ý tưởng” chia tách cho đến khi trở thành hiện thực là một quá trình. Nhưng điều gì cần đến rồi sẽ cũng phải đến. Chư Pưh bây giờ là huyện có diện tích tự nhiên vẫn khá rộng so một huyện miền núi, 717 cây số vuông, dân số cũng ở tầm trung bình là 55 ngàn người với 8 đơn vị hành chính cấp xã. Tôi không có ý định sau chuyến về thăm lại “chiến trường xưa” lần này sẽ viết cái-gì-đấy, nhưng khi chào tạm biệt mọi người thì Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Quang Thái bảo: “Anh có viết gì về huyện tùy anh, nhưng chúng em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, anh ạ”. Tôi hiểu ý của Phó Bí thư Thái, tức là “đừng ca bài ca thành tích”, nhưng cái gì làm được thì cũng cần ghi nhận, phát huy, cũng là điều nên lắm chứ. Bây giờ cây hồ tiêu ở Chư Pưh là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, bà con nông dân vẫn tiếp tục phát triển trên những vùng đất đủ điều kiện, với diện tích trên 2,7 ngàn ha, với kinh nghiệm lâu năm, việc đầu tư vào chiều sâu tăng năng suất đáng kể, đem lại nguồn thu nhập cho đa số người dân, góp phần làm cho nền kinh tế của huyện không ngừng phát triển; đi đôi với đó, các loại cây dài ngày như cao su, cà phê mỗi loại cũng từ 5 đến 7 ngàn ha.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tư Sơn báo với tôi một tin vui, có thể nói tin này gần như là sự đánh giá, công nhận của quá trình phát triển. Hiện Chư Pưh đã có 2 xã được công nhận là xã nông thôn mới, một xã nữa đã lập xong hồ sơ đang chờ tỉnh xem xét, kiểm tra, phê duyệt, công nhận. Anh cho biết thêm, còn một xã đã gần đủ các tiêu chí, cố gắng cuối năm nay sẽ xong. Là huyện gần như... chỉ có nông nghiệp, nông thôn và nông dân là thế mạnh, thời gian chia tách, thành lập mới chưa lâu, việc đầu tư từ cấp trên không đáp ứng yêu cầu cho phát triển, thế mà từ nội lực, trong ngần ấy năm, Chư Pưh đã và sắp nắm trong tay những 4/7 xã nông thôn mới (trừ thị trấn Nhơn Hòa).

Còn nhớ năm nào, Chư Pưh nằm trong trọng điểm về an ninh chính trị. Tình hình khá phức tạp, một Plei Lao (Nhơn Hòa), một Ia Phang, Ia Le, một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin nghe theo những lời dụ dỗ, tuyên truyền xuyên tạc của bọn cầm đầu FULRO, Tin lành “Đê-ga” trong và ngoài nước, bỏ ruộng vườn nương rẫy, trốn ra rừng, vượt biên, làm xáo trộn cuộc sống ở làng, thôn. Giờ thì chuyện ấy đã không còn, có nghĩa là tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội đã ổn định. Còn nói về việc xây dựng hệ thống chính trị, công tác kết nạp đảng viên mới, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, thì một cán bộ có trách nhiệm của Chư Pưh khuyên tôi: “Anh cứ xuống các xã sẽ thấy, tôi nói sợ không khách quan”. Tôi chợt nhớ cách nay chưa lâu, tháp tùng với Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang “mục sở thị” mấy xã, dự nghe các cuộc làm việc của Bí thư với lãnh đạo các xã và huyện, câu chuyện trên chợt hiện về trong tôi. Đội ngũ lãnh đạo của huyện, xã đang được trẻ hóa, đào tạo bài bản, biết việc, biết làm; hơn thế, được bà con cơ sở tin tưởng. Qua lần bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện và xã vừa rồi, thêm một lần nữa hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn.

Nói về tương lai của Chư Pưh, Phó Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Lưu Trung Nghĩa chia sẻ, nhiệm kỳ này huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (từ 2015 đến 2020) là 9,24%. Có vẻ như anh đang nghĩ rằng tôi cho là con số ấy khá khiêm tốn chăng, nên bèn giải thích: “Căn cứ vào sức mình, đề ra nhiệm vụ sát thực tiễn, không chạy theo ý muốn chủ quan mà đưa ra chỉ tiêu cao để rồi sẽ không làm được”. Tôi thấy Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ Chư Pưh nêu nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ cũng khá sát thực tiễn với các điều kiện khách quan của địa phương, ví như tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn của huyện là 1.243 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 là 52,32 triệu đồng. Những vấn đề văn hóa xã hội, quốc phòng-an ninh... mà nghị quyết nói trên đề cập đến cũng là những “con số biết nói”, góp phần quan trọng cho việc xây dựng, phát triển huyện nhà-Chư Pưh ngày càng xứng tầm với những tiềm năng đang có, và vươn lên “bằng chị, bằng anh” hiện đang ở “tốp trên” của tỉnh nhà Gia Lai. Rồi đây Chư Pưh sẽ là một trong những địa phương phát triển là điều đương nhiên, tất yếu. Tôi tin vậy!

 Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

(GLO)- Quá trình điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mỗi điều tra viên đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, mưu trí, sắc bén. Chiến công ấy góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.