Bầu Đức: 'Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó của HAGL'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải", bầu Đức trăn trở. Vị chủ tịch này nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Trường Hải (Thaco) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HAGL.
 
Bầu Đức: 'Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó của HAGL'
Hàng loạt khoản vay vi phạm điều kiện vay
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y) đã đưa ra nhấn mạnh rằng HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Đây là một trong những lý do E&Y đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Một số khoản vay vi phạm điều kiện vay có thể kể đến như khoản vay qua trái phiếu do ECS thu xếp với tổng giá trị 1.694 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2018, diện tích trồng cao su thực tế của HAGL chỉ là 44.479 ha, nhỏ hơn nhiều diện tích 70.643 ha đã đăng ký trong các hợp đồng trái phiếu trên.
Hay như khoản vay 300 tỷ đồng với trái chủ là Công ty Cổ phần Việt Golden Farm, vào ngày 31/12/2018, hệ số thanh toán hiện hành của HAGL đang nhỏ hơn 1, vi phạm quy định trong hợp đồng đặt mua trái phiếu là hệ số thanh toán hiện hành phải lớn hơn 1.
Một khoản vay khác trị giá 576 tỷ đồng cũng bị vi phạm điều kiện vay. Cụ thể, tại ngày 31/12/2018, diện tích cao su của HAGL thực tế trồng là 14.825 tỷ đồng, chưa tuân thủ cam kết trong hợp đồng tín dụng là 17.950 ha.
Một khoản vay trị giá 887 tỷ đồng cũng không đảm bảo điều kiện vay, khi diện tích trồng cọ dầu thực tế tại ngày 31/12/2018 là 4.875 ha, chưa tuân thủ cam kết trong hợp đồng tín dụng là 6.653 ha.
3 khoản vay khác của HAGL tại một ngân hàng liên doanh giữa Việt Nam và Lào có tổng giá trị trên 800 tỷ đồng trong tình trạng tương tự, khi số bò nhập ghi trong hợp đồng tín dụng lên đến 14.219 con nhưng nay không còn con nào; cùng với đó, diện tích cọ dầu ghi trong hợp đồng tín dụng là 3.155 ha nhưng thực tế chỉ còn 2.850 ha; đàn bò nhập trị giá 26,46 triệu USD là tài sản thế chấp nay cũng không được HAGL đảm bảo đủ giá trị.
Một ngân hàng lớn ở TP. HCM hiện cũng đang "đứng ngồi không yên" khi 3 khoản vay với tổng trị giá trên 800 tỷ đồng hiện đang không đảm bảo điều kiện thế chấp, chủ yếu do diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế thấp hơn nhiều diện tích trong cam kết tín dụng. Thậm chí HAGL còn chưa mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo theo như cam kết trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng này.
Liên quan đến các khoản vay đã bị vi phạm hợp đồng, phía HAGL cho biết tập đoàn này đã được một số ngân hàng xác nhận không thu nợ trước hạn đối với các khoản vay bị vi phạm và tập đoàn vẫn tiếp tục làm việc với các ngân hàng còn lại về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và tài sản thế chấp có liên quan.
Thông điệp của bầu Đức
Trong thông điệp gửi đến cổ đông mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho hay năm 2018, nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Chính vì vậy, ngành cao su của HAGL vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn.
"Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải", bầu Đức trăn trở.
Bầu Đức nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Trường Hải (Thaco) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HAGL.
"Trường Hải đã hỗ trợ nguồn vốn cho mảng nông nghiệp của HNG, đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trường Hải cũng đã giúp HNG trong việc cải tiến công tác quản trị sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp và sắp xếp lại công tác kho vận, giúp nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm", bầu Đức cho biết.
Bên cạnh đó, nhờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.
Được biết, Thaco đang là trái chủ của HAGL với khoản cho vay 2.217 tỷ đồng. Theo thỏa thuận hợp tác đầu tư, lượng trái phiếu trên sẽ được vốn hóa tại ngày đáo hạn là 9/8/2019.
Còn theo hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Thaco và HAGL, Thaco cam kết sẽ thu xếp cơ cấu lại các khoản nợ vay cho HAGL (khoảng 14.000 tỷ đồng); huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc vườn cây ăn trái đã có; phát triển và mở rộng vườn cây ăn trái; đầu tư trồng 5.000 ha cây dược liệu và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án Myanmar.
Đổi lại, Thaco sẽ tiến tới sở hữu 35% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG).
Với mảng bất động sản, tháng 9/2018, Thaco thông qua Công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (công ty sở hữu 100% vốn điều lệ Công ty HAGL Myanmar - chủ đầu tư dự án Hoàng Anh Myanmar Center) để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.
Phía HAGL đang có kế hoạch tiếp tục thoái vốn tại đây.
Thanh Long (VNF)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.