Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng trong dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bất động sản công nghiệp là một trong những điểm sáng trong thị trường Việt Nam trong thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Bất động sản công nghiệp sôi động
Năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Tuy nhiên, riêng phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp vẫn sôi động và là điểm sáng ở nhiều tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2020 thị trường bất động sản công nghiệp mạnh lên và sôi động ở nhiều nơi. Một số tỉnh rất sôi động có thể kể đến như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang...

Bất động sản công nghiệp sôi động ngay trong thời điểm Việt Nam có dịch Covid-19.
Bất động sản công nghiệp sôi động ngay trong thời điểm Việt Nam có dịch Covid-19.
Khảo sát của CBRE Việt Nam, trong 12 tháng qua, nhu cầu khách thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất lớn đã khiến nguồn cung liên tục được mở rộng. Một số ngành đang mở rộng diện tích thuê như điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng nhanh.... Các khách thuê lớn đã hiện diện tại Việt Nam và nguồn cầu bất động sản công nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng trong bối cảnh các nhà sản xuất mở rộng thêm.
Các nhà đầu tư mới về lắp ráp ôtô và linh kiện để cung ứng tại Việt Nam có sự hiện diện rõ. Những doanh nghiệp này tìm hiểu và mở rộng ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, cũng có các nhà đầu tư đang tìm hướng phát triển nhà kho cho thuê.
Các yếu tố chủ chốt thúc đẩy nguồn cầu có thể kể đến là Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự kết nối lưu thông ngày càng tốt hơn, và đây là cú huých lớn thúc đẩy nguồn cầu bất động sản công nghiệp từ khắp nơi đổ về.
Bên cạnh đó, Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng làm gia tăng nhu cầu dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn có các hiệp định thương mại tự do, chính sách ưu đãi đầu tư... cũng đang tạo bệ phóng thu hút nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, tại khu vực miền Bắc đã xuất hiện một số khu vực mới nổi về đất công nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Còn khu vực miền Nam, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận... đang ngấp nghé trở thành những cụm công nghiệp mới nổi.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 10/2020, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp được thành lập, bao gồm cả các khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu. Diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 73.600 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên.
Trong đó, 280 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 56.600 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70% (tương đương diện tích cho thuê 39.800 ha). 89 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với diện tích đất công nghiệp khoảng 16.300 ha.
Các khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Hiện 247/280 khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 88%.
Giá bất động sản công nghiệp tăng kỷ lục
TP.HCM, Hà Nội lần lượt có giá thuê đất công nghiệp tăng 2 và 1,7 lần trong khi toàn thị trường tăng 30% so với cùng kỳ.

Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 - Đón sóng đầu tư mới diễn ra gần cuối năm 2020, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, giá chào thuê đất công nghiệp đang biến động chưa từng có. TP.HCM và Hà Nội dẫn đầu về tốc độ tăng giá thuê trong khi mặt bằng giá chung các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá bất động sản công nghiệp xu hướng tăng cao.
Giá bất động sản công nghiệp xu hướng tăng cao.
Cụ thể tại TP.HCM, một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất từ 150 USD mỗi m2, nay tăng lên 300 USD mỗi m2 đối với kỳ hạn 30-45 năm. Tại Đồng Nai, mức giá chào thuê từ 100 USD mỗi m2 lên đến khoảng 155 USD mỗi m2, Long An ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD mỗi m2 lên khoảng 200 USD mỗi m2.
Tại một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, dù giá chào thuê thấp hơn phía Nam nhưng cũng ghi nhận mức tăng trưởng. Đơn cử như Hà Nội, giá thuê từ 155 USD mỗi m2, nay tăng lên khoảng 260 USD mỗi m2. Hay tại khu vực Bắc Giang, giá chào thuê từ 55 USD mỗi m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD mỗi m2...
Tương tự, tại phân khúc nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận mức giá chào thuê tăng từ 5-10% ở các dự án mới. Chỉ riêng phân khúc nhà xưởng xây sẵn có giá chào thuê ổn định.
Mức giá chào thuê ở trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí quản lý, dịch vụ. Giá chào thuê đất công nghiệp được tính cho kỳ hạn thuê còn lại của dự án. Thông thường, kỳ hạn còn lại của dự án dao động từ 30-45 năm.
Việc giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao là do lực cầu quá mạnh nhưng nguồn cung tạm thời còn hạn chế. Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE cho biết, từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế, bất động sản công nghiệp chủ yếu tập trung vào các nguồn chủ lực là đất cho thuê. Trên thực tế, nguồn cung đất công nghiệp mặc dù có xu hướng tăng dần theo năm nhưng lực cầu tăng mạnh hơn.
Theo Minh Khôi (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.