Gia Lai triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 1-2, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tại Hội nghị, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng tổ chức sơ kết 3 năm phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” giai đoạn 2021-2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế chủ trì hội nghị.

Tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp

Báo cáo tại hội nghị, Trung tá Ksor H'Bơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh-cho biết: Năm 2023, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thường xuyên của UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương, công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh tại cơ sở, tập trung vào các nhóm đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh.

Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, nhất là việc rà soát, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT), góp phần nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống giao thông.

Công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường với nhiều kế hoạch chuyên đề, cao điểm; các giải pháp bảo đảm TTATGT gắn với phòng-chống tội phạm tại địa bàn cơ sở được nâng cao. Việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải trọng, tổng kiểm soát xe khách và container đem lại kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” giai đoạn 2021-2023. Ảnh: M.N

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” giai đoạn 2021-2023. Ảnh: M.N

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022. Cụ thể, năm 2023 (từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-12-2023), toàn tỉnh xảy ra 410 vụ TNGT, làm 265 người chết và 263 người bị thương.

So với năm 2022, TNGT giảm 8 vụ, giảm 45 người chết và giảm 23 người bị thương. Trong đó, các huyện Kông Chro, Ia Grai, Chư Sê và thị xã An Khê có số người chết giảm từ 30% trở lên; có 11 địa phương giảm số người chết do TNGT, 6 địa phương tăng số người chết là Mang Yang, Kbang, Chư Pưh, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Păh.

Tham luận về tình hình TNGT trong thanh-thiếu niên, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-nhận định: Năm 2023, toàn huyện xảy ra 24 vụ TNGT, làm 22 người chết, 6 người bị thương, tăng cả 3 chỉ số so với năm 2022. Trong số này có 20 vụ xảy ra trên tuyến quốc lộ 25 và 13 vụ liên quan đến lứa tuổi thanh-thiếu niên (chiếm 54,2% số vụ).

Nguyên nhân là do huyện có 8/10 xã, thị trấn nằm dọc tuyến quốc lộ 25, là tuyến đường độc đạo nối các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh với TP. Pleiku, đan xen rất nhiều phương tiện và người tham gia giao thông giữa khu vực nội thị và quốc lộ. Vào mùa thu hoạch nông sản, dịp lễ, Tết, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.

Huyện Mang Yang cũng là địa phương có TNGT tăng 3 chỉ số. Lý giải nguyên nhân TNGT gia tăng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng cho hay: Phần lớn là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông bởi có đến 8/24 vụ, người điều khiển lưu thông không đúng phần đường; 8/24 vụ do không chú ý quan sát.

Một nguyên nhân khác là do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của phụ huynh khi có tâm lý nuông chiều, giao phương tiện cho con em mình khi chưa đủ các điều kiện theo quy định, nhất là người dân tộc thiểu số.

Cụ thể, trong năm 2023, huyện có đến 10/24 vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số làm 8 người chết, 9 người bị thương. Nghiêm trọng hơn, số vụ TNGT liên quan đến học sinh có dấu hiệu tăng cao, riêng năm 2023 xảy ra 10 vụ (chiếm 41,67%), làm 6 người chết, 11 người bị thương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT chưa sát thực tế, nhóm đối tượng được tuyên truyền chủ yếu là người già, phụ nữ, trong khi thanh-thiếu niên thì hầu như không có mặt.

“Hiện địa phương đang nổi lên tình trạng học sinh THCS và các cháu nhỏ sử dụng xe máy điện, xe đạp điện ngày càng nhiều nhưng không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về TNGT. Mặc dù đây là nhóm đối tượng thường xuyên được tổ chức tuyên truyền hàng tuần”-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang nêu thực trạng.

Kiến nghị nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương tập trung phân tích nguyên nhân TNGT, đề xuất nhiều giải pháp kéo giảm TNGT trong năm 2024; phòng ngừa, xử lý vi phạm về TTATGT trong học sinh; quản lý, phòng ngừa TNGT liên quan đến xe máy kéo nhỏ; các mô hình, cách làm hiệu quả bảo đảm TTATGT…

Trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: Cùng với việc phân tích cụ thể nguyên nhân các vụ TNGT, các lỗi vi phạm, độ tuổi, phương tiện và địa bàn thường xuyên xảy ra TNGT, huyện đề ra các giải pháp, biện pháp triển khai phù hợp, hiệu quả.

Trong đó, huyện sẽ tăng cường quản lý các đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm pháp luật về TTATGT, tổ chức gọi hỏi, răn đe và yêu cầu ký cam kết không tái phạm; chủ động phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện với Công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường vào giờ cao điểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2023. Ảnh: Minh Nguyễn

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2023. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho rằng cần tranh thủ sự tham gia phối hợp của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong việc lồng ghép, tuyên truyền về TTATGT. Lực lượng Công an cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong việc lập danh sách, quản lý, tuyên truyền, giáo dục, kiểm điểm cá biệt đối với đối tượng thanh-thiếu niên càn quấy, thường xuyên vi phạm TTATGT.

“Đặc biệt là tập trung tuyên truyền, giảng dạy các quy định cơ bản về pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng cho số học sinh trực tiếp điều khiển xe máy điện, xe đạp điện thông qua việc tổ chức các lớp hay buổi ngoại khóa chuyên về TTATGT, kiên quyết không để trở thành nguyên nhân tiềm ẩn gia tăng TNGT trong thời gian tới”-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo thì cho biết, sau khi huyện phối hợp xóa các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến quốc lộ thì những điểm này không còn xảy ra TNGT. Do vậy, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống giao thông cấp huyện, xã để kiến nghị khắc phục (nếu có).

Mặt khác, huyện cũng tập trung xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tổ chức hội thi tìm hiểu về an toàn giao thông trong học sinh nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về TTATGT của phụ huynh, học sinh; phát huy vai trò, thẩm quyền Công an cấp xã vừa tuyên truyền, vừa kết hợp xử lý hiệu quả mọi hành vi vi phạm của học sinh.

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tham luận tại hội nghị về giải pháp huy động lực lượng công an xã tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tham luận tại hội nghị về giải pháp huy động lực lượng công an xã tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Tại hội nghị, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng báo cáo sơ kết kết quả 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” giai đoạn 2021-2023. Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” giai đoạn 2021-2023.

Liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024, ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho hay: Ngoài việc kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các công trình giao thông thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn giao thông khi thi công, Sở cũng yêu cầu các đơn vị này có kế hoạch hoàn trả mặt đường và có biện pháp thi công phù hợp với thời gian phục vụ Tết để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Đặc biệt, Sở sẽ kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) thành lập, duy trì bộ phận ứng trực, tổ chức thực hiện tốt việc bảo đảm giao thông trên quốc lộ đang thi công trong dịp Tết Nguyên đán.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh cần chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT ngay từ cơ sở; đồng thời nhân rộng, lan tỏa những mô hình, cách làm hay trong công tác đảm bảo TTATGT, lấy “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

“Các ngành, địa phương tiếp tục và kiên trì xây dựng văn hóa giao thông. Chỉ khi có văn hóa giao thông thì chúng ta mới đạt được kết quả mang tính bền vững. Các lực lượng, tổ chức chính trị cũng phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để hình thành ý thức giao thông trong mỗi người, để khi chúng ta làm việc gì cũng phải nghĩ tới vấn đề về an toàn giao thông”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, gắn với việc tổ chức giao thông khoa học, hợp lý và xử lý các vị trí nguy hiểm trên đường bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý việc triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT dịp Tết Nguyên đán 2024. “Các lực lượng chức năng phải thực hiện tốt phương châm “chúng ta thức cho dân ngủ, làm việc cho dân chơi”.

Đề nghị Sở Giao thông-Vận tải tăng cường kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các điểm cầu trên quốc lộ 19 hiện đã thông tuyến tạm thời nhưng chưa hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, hành lang an toàn để giúp người dân đón Tết an vui, TNGT xảy ra ít nhất”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Có thể bạn quan tâm