Bảo tồn di sản tư liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, các đình, miếu, chùa và người dân đang sở hữu một lượng lớn tư liệu chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của người Việt trên vùng đất Gia Lai. Tuy nhiên, nguồn di sản này lại đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không được bảo vệ kịp thời và đúng cách.

Mất mát di sản quý

Đình An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) có lịch sử hàng trăm năm. Đây cũng là đình làng duy nhất còn lại, một chứng tích sống để tìm hiểu về văn hóa-lịch sử của người Việt trên cao nguyên Pleiku. Đình An Mỹ từng được Vua Bảo Đại sắc phong, là bằng chứng chứa đựng thông tin quý để các thế hệ mai sau tìm hiểu về lịch sử văn hóa. Nhưng đáng tiếc là cả 2 đạo sắc phong đã bị mai một.

Ông Nguyễn Đức-thành viên Ban Hộ đình-cho biết: 2 đạo sắc phong được đựng trong hộp gỗ và cất giữ cẩn thận tại chánh điện suốt nhiều năm. Những năm 1972-1975, trong quá trình sửa chữa ngôi đình, sắc phong đã được đem đi gửi tại chùa An Thạnh (cùng thôn). Đến nay, 2 sắc phong bị hư hại, không thể khôi phục.

Văn tự Hán-Nôm trên các cột bình phong, trụ biểu ở các đình, chùa, miếu cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa. Ảnh: H.N

Văn tự Hán-Nôm trên các cột bình phong, trụ biểu ở các đình, chùa, miếu cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa. Ảnh: H.N

Tương tự, đình cổ Cửu An (thị xã An Khê) cũng từng có sắc phong nhưng nay đã không còn. Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi người phụng tế đình cho xem nhiều trang tư liệu văn tự Hán-Nôm đã bị mục nát. Lật giở từng trang giấy xưa cũ, nghe như quá khứ trăm năm bay theo từng vụn giấy. Trong hàng thế kỷ, các thế hệ người Cửu An nỗ lực để gìn giữ kiến trúc của đình cổ với những điểm nhấn tuyệt đẹp ở kỹ thuật khảm sành, sứ; nhưng bất lực trước sự bào mòn của thời gian lên từng trang văn tự cổ-nơi tiền nhân ghi chép lại những thông tin quý giá.

Sự mất mát tư liệu gốc này đã gây khó khăn cho người đời sau tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, những biến cố của vùng đất trong lịch sử. Ông Trần Thanh Luân-Phụng tế đình Cửu An-cho biết: “Khi tiến hành làm hồ sơ di tích cho đình cổ, những tư liệu ít ỏi còn lại chúng tôi trao cho cán bộ Bảo tàng tỉnh, được chuyên gia về Hán-Nôm dịch nghĩa. Nhưng nhiều trang giấy mục nát, làm mất đi phần lớn chữ viết, dịch không thành câu hoàn chỉnh”.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn-Chủ nhiệm đề tài tổng điều tra tư liệu Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh-cho biết thêm: Do mất tư liệu gốc nên lịch sử hình thành của đình Cửu An cũng như nhiều di tích khác chỉ dựa theo thông tin truyền miệng, truyền thuyết. Theo nghiên cứu, tìm hiểu qua những văn tự cổ nhất còn sót lại, lịch sử đình Cửu An được xây dựng vào thời Vua Tự Đức (khoảng giữa thế kỷ XIX), cùng thời điểm với dinh Bà gần đó. Còn vào thời Tây Sơn, vùng Cửu An là nơi sản xuất lương thực, luyện quân, chưa có bằng chứng xây dựng đình miếu như lời truyền tụng của dân gian.

Không chỉ có các văn tự bị mai một, nhiều di sản tư liệu được viết, khắc trên các cột, kèo, tường, vách của đình miếu, chùa chiền và nhà cổ cũng bị hư hại, mất mát sau những lần trùng tu, tôn tạo, di dời. Chùa Hai Ngựa (Thiên Quang tự, đường Phan Đình Giót, TP. Pleiku) thờ Quan Thánh Đế Quân gắn với tín ngưỡng trấn trạch trừ tà, cầu may mắn.

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn: Chùa Hai Ngựa là một hiện tượng rất thú vị trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt ở cao nguyên Pleiku. Tuy nhiên, qua các lần trùng tu đã làm mất đi nhiều phần di sản chữ viết-yếu tố gốc để tìm hiểu về lịch sử đền thờ này, hiện chỉ còn giữ lại khoảng 50%. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất. Việc mai một di sản chữ viết ở các đình, chùa diễn ra ngày càng trầm trọng, một số trường hợp sau khi trùng tu đã đánh mất, hủy hoại gần như hoàn toàn phần di sản chữ viết.

Một số gia đình, dòng họ giữ nhiều tư liệu quý như sắc phong cho người có công là cha ông trong dòng họ, nhưng phần vì không tiếp cận được nội dung do không hiểu văn tự Hán-Nôm, phần vì do bị ảnh hưởng bởi mối mọt nên đã đốt bỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho di sản tư liệu đứng trước nguy cơ mai một nghiêm trọng.

Bảo vệ di sản tư liệu

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, về tư liệu giấy có đến hàng ngàn trang có niên đại kéo dài từ thời Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn đến thời Bảo Đại, trong đó quý nhất là 26 đạo sắc phong cho thần linh, hơn 20 sắc lệnh phong cho người có công. Đây là nguồn di sản tư liệu vô cùng quý giá, chứa đựng các thông tin quan trọng về lịch sử, văn hóa của vùng đất Gia Lai.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho biết thêm, di sản tư liệu được tạo tác trên các chất liệu chủ yếu là giấy, gỗ, đá, vải, kim loại, gốm sứ, xi măng và chất liệu tổng hợp (hiện đại). Trong đó, nguồn di sản tập trung chủ yếu trong các đình, miếu, chùa, tư gia. Tuy nhiên, có nơi bảo quản tốt, có nơi điều kiện không tốt dẫn tới hư hại, mất mát khá nhiều. Nhiều đình, miếu sập đổ do thời gian, mất đi hoàn toàn nguồn tư liệu do tiền nhân ghi lại trên các cột, kèo, tường vách. Một số sắc phong quý giá và giấy tờ các loại cũng bị mục rách, hoành phi và liễn đối gỗ thì bị mối mọt, văn tự trên vôi vữa thì bị bong tróc…

Rồi việc trùng tu, tôn tạo do thiếu sự tư vấn, giám sát của cơ quan chuyên môn dẫn đến làm mất hoặc biến dạng di sản chữ viết và tính thẩm mỹ của di tích. Vì vậy, cần có biện pháp bảo vệ kịp thời, đúng cách ngay từ bây giờ để giữ gìn và khai thác các giá trị từ nguồn di sản tư liệu quý giá này.

Phần lớn tư liệu Hán-Nôm ở đình Cửu An (thị xã An Khê) bị hư hại. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phần lớn tư liệu Hán-Nôm ở đình Cửu An (thị xã An Khê) bị hư hại. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nói về biện pháp bảo quản nguồn tư liệu quý giá này, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho hay: Nếu các cá nhân, cơ sở không tiếp tục lưu giữ hoặc sử dụng nữa thì có thể tặng tư liệu cho Bảo tàng tỉnh để có điều kiện bảo quản tốt hơn. Hoặc có thể liên hệ với Bảo tàng tỉnh để trợ giúp về mặt kỹ thuật hoặc kết nối, giới thiệu với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực này để tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật, cách thức bảo quản tốt nhất. Các đình, chùa, miếu, nhà cổ khi trùng tu, tôn tạo cần có sự giúp sức của chuyên gia về văn tự cổ để bảo vệ, giữ lại được tư liệu gốc. Ngoài ra, việc làm hồ sơ xếp hạng đối với những di tích đủ điều kiện cũng là một cách hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu.

Di sản tư liệu hiện vẫn còn là vấn đề mới mẻ, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về giá trị và ý nghĩa của loại hình di sản này. Chức năng, nhiệm vụ quản lý di sản tư liệu cũng chưa chính thức giao cho một cơ quan đầu mối quản lý. Do đó, trước khi có những quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu, chính quyền địa phương cần có phương án bảo vệ thiết thực.

Có thể bạn quan tâm

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Cơm rừng, rượu trời, nói lý hay múa tung tung da dá,...là nét đặc sắc trong văn hóa người đồng bào Cơ Tu, đã và đang được TP Đà Nẵng cố gắng bảo tồn.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.