Ngay từ đầu năm 2025, Bảo tàng tỉnh Gia Lai ra mắt vườn tượng chủ đề “Tượng và hoa” trên diện tích hơn 700m2.
Có khoảng 70 bức tượng gỗ dân gian Jrai, Bahnar được trưng bày tại đây, đa phần là hiện vật do đơn vị sưu tầm, số còn lại là tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi tạc tượng trong tỉnh.

Các nhóm tượng nhiều chủ đề như sinh hoạt thường ngày, tôn vinh tình gia đình, mẫu tử… đã cho thấy óc sáng tạo, sự khéo léo cũng như quan niệm về thẩm mỹ của đồng bào Tây Nguyên.
Những loài hoa đan xen, khoe sắc quanh năm biến khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người.

Sau khi hình thành, khu vườn tượng kết nối hài hòa với không gian đã được tôn tạo trước kia, đó là mô hình phục dựng làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, quê hương Anh hùng Núp) nhấp nhô nếp nhà sàn, nhà rông dựng theo mô hình nguyên bản, vật liệu tranh tre, nứa lá… cùng bức tượng của người anh hùng thuở thiếu thời.


Góp thêm nét truyền thống văn hóa đặc sắc vào tổng thể khuôn viên là tác phẩm “Nét Tây Nguyên” của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai.
Đây là cụm 5 trụ gỗ cao lớn được chạm khắc những hoa văn, hình khối đẹp mắt, mang đậm đặc trưng văn hóa Tây Nguyên với các hoạt động đánh chiêng, giã gạo…

Mới đây, Bảo tàng tỉnh cũng vừa “đón” 2 tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai-về trưng bày trong khuôn viên xanh mát.
Đó là tác phẩm “Khoảng xanh”, đạt giải B (không có giải A) tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28-năm 2023 và tác phẩm “Cao nguyên xanh”-giải A Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29-năm 2024.


Sự góp mặt của nghệ thuật tạo hình đương đại đã làm nên điểm nhấn độc đáo về văn hóa-nghệ thuật không gian khuôn viên Bảo tàng, vừa tạo cơ hội để du khách trải nghiệm, vừa thư giãn, check-in.
Ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết, nhờ sở hữu không gian đẹp nằm ngay trung tâm thành phố nên đơn vị luôn chú trọng tôn tạo cảnh quan nhằm phục vụ nhân dân, thu hút du khách đến thưởng ngoạn, tham quan Bảo tàng, từ đó làm thành “mảng ghép” sinh động kết nối với Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Cùng với việc vận động các nghệ sĩ trong tỉnh gửi những “đứa con tinh thần” đến trưng bày, Bảo tàng cũng sẽ vận động luân phiên thay đổi tác phẩm để luôn duy trì sự mới mẻ, hấp dẫn.