Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật điều trị mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Với mong muốn giảm đau đớn và thời gian điều trị cho bệnh nhân bị thoát vị bẹn, bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc. Với nhiều ưu điểm, kỹ thuật này được Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng trong điều trị bệnh nhân bị thoát vị bẹn từ tháng 5-2022.

Tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa Trường Đại học Y dược Huế, năm 2007, bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa về công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với nhiệm vụ điều trị, phẫu thuật các bệnh ngoại khoa, bác sĩ Nghĩa đã chứng tỏ năng lực chuyên môn và được đồng nghiệp tin tưởng.

Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năm 2012, bác sĩ Nghĩa theo học chuyên khoa I tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và năm 2018 tiếp tục học chuyên khoa II tại Đại học Y dược Huế. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ Nghĩa đã tiếp cận, nghiên cứu khoa học và từng bước làm chủ một số kỹ thuật y học tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Một trong những kỹ thuật mới mà bác sĩ Nghĩa triển khai và mang lại hiệu quả là phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc.

“Thoát vị bẹn là bệnh lý ngoại khoa hay gặp, có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau. Trong đó, phẫu thuật nội soi xuyên phúc mạc điều trị thoát vị bẹn có nhiều ưu điểm, phẫu trường rộng, mốc giải phẫu rõ ràng. Chính vì thế, tôi đã cùng các cộng sự nghiên cứu để điều trị bệnh nhân tốt hơn”-bác sĩ Nghĩa cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên thực tập. Ảnh: Minh Nhật

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên thực tập. Ảnh: Minh Nhật

Thoát vị bẹn có thể không gây đau, nhưng nếu như khối thoát vị bị kẹt, nghẹt thì cần được can thiệp ngoại khoa. Trước đây, việc điều trị thoát vị bẹn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn hạn chế, bệnh nhân thường được mổ hở truyền thống. Phương pháp mổ mở khiến bệnh nhân đau đớn, hậu phẫu kéo dài và chậm phục hồi sinh hoạt cá nhân sau mổ, chưa kể khả năng bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện. Chính vì thế, đa số bệnh nhân bị thoát vị bẹn trong tỉnh đều phải đến các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để điều trị, mất nhiều thời gian và chi phí phát sinh.

Tháng 5-2022, bác sĩ Nghĩa quyết định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc. Tùy theo thể trạng, mỗi bệnh nhân được bác sĩ Nghĩa xây dựng một phác đồ điều trị riêng. Kỹ thuật mổ là: vào bụng 3 trocar ở rốn và 2 bên bờ ngoài cơ thẳng bụng, tách phúc mạc bên thoát vị, xử lý túi thoát vị, đặt tấm lưới nhân tạo vào khoang trước phúc mạc, khâu phúc mạc. Thời gian phẫu thuật trung bình 78,6 phút, nhanh nhất là 50 phút, lâu nhất là 135 phút. Đến nay, bác sĩ Nghĩa đã chẩn đoán và phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc thành công cho 33 bệnh nhân trên 18 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Bảo-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc đạt được những kết quả khả quan trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Với kỹ thuật này, bệnh nhân bị thoát vị bẹn không cần di chuyển đến những bệnh viện lớn để điều trị. Kết quả này đã góp phần giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định uy tín trong chuyên môn và chất lượng điều trị bệnh nhân.

Bác sĩ Nghĩa cho biết: “Bệnh nhân phục hồi sinh hoạt cá nhân sau mổ khoảng 8-12 giờ; thời gian xuất viện khoảng 1-3 ngày. Kỹ thuật đặt tấm lưới nhân tạo cho kết quả tái phát thấp. Phương pháp mổ nội soi giúp cho quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện so với phẫu thuật mổ mở dựa phần nhiều vào siêu âm”.

Với nhiều ưu điểm như: tỷ lệ tái phát thấp, ít biến chứng, bệnh nhân ít đau, thời gian hồi phục nhanh… kỹ thuật phẫu thuật nội soi bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc đã được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thay thế phương pháp cũ, giúp người bệnh giảm tổn hại về sức khỏe, thời gian điều trị và viện phí. Anh Hồ Viết Tình (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cho biết: “Khi được chỉ định phẫu thuật thoát vị bẹn vào tháng 9-2022, tôi rất lo lắng. Bác sĩ Nghĩa đã tư vấn cho tôi về những ưu điểm của kỹ thuật mổ nội soi này. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe tôi hồi phục nhanh, vết mổ nhỏ, thời gian xuất viện cũng nhanh. Hiện sức khỏe tôi ổn định, sinh hoạt bình thường”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Minh Nhật

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Minh Nhật

Chia sẻ về thành quả này, bác sĩ Nghĩa nói: “Khi mới triển khai, tôi khá lo lắng vì đây là kỹ thuật mới và khá phức tạp. Đây lại là nghiên cứu đầu tiên về phẫu thuật nội soi xuyên phúc mạc điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Quá trình mổ đòi hỏi người thực hiện phải thao tác khéo léo để đạt hiệu quả tốt nhất. Tôi đã chủ động tìm hiểu các tài liệu y khoa có liên quan, hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành. Trong quá trình mổ, tôi nhận được sự hỗ trợ hết mình của đồng nghiệp. Kết quả, 100% bệnh nhân được phẫu thuật đều hồi phục sức khỏe nhanh, không tái phát bệnh”.

Ngoài kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc, bác sĩ Nghĩa cũng đã làm chủ một số kỹ thuật chuyên sâu, góp phần cứu chữa người bệnh như: phẫu thuật nội soi cắt đại tràng do ung thư; phẫu thuật điều trị vỡ tá tràng trong chấn thương bụng kín; phẫu thuật điều trị hoại tử ruột do tắc mạch mạc treo.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.
Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.