Bà giáo già nuôi trẻ mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở tuổi lục tuần, nhưng bà giáo già ấy vẫn miệt mài chăm lo cho hơn chục đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ từng miếng cơm manh áo, lo cho chúng được cắp sách đến trường, được sum vầy trong một mái ấm yên vui.  
 
Bà giáo già Võ Thị Ngọc Thanh. Ảnh: Quốc Khánh
Nhà bà Võ Thị Ngọc Thanh (62 tuổi) nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Bá Ngọc, thuộc ngoại ô TT.Liên Nghĩa (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), nhưng chúng tôi không khó mấy để tìm đến bởi tiếng vang của mái ấm Nhân Ái mà bà dựng nên từ tấm lòng của mình.
Vừa bước vào nhà bà thì gặp ngay những đứa trẻ lên 6, lên 7 nhưng rất lễ phép chào hỏi và nhanh chóng “dọn bàn, bưng ghế” đón khách. Bà Thanh gầy nhom, gương mặt toát lên vẻ nhân hậu tự nhiên nở nụ cười chào đón chúng tôi đầy thiện cảm. Mở đầu câu chuyện, bà bộc bạch về đời sống, về những đứa trẻ hữu duyên mà về già mình đã dang tay đùm bọc.
 
Bà Thanh chăm lo bữa ăn cho các cháu. Ảnh: Gia Bình
Trái tim nhân ái
Bà Võ Thị Ngọc Thanh sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Học cao đẳng sư phạm xong, bà phải bôn ba dạy học ở các xã vùng sâu thuộc TP.Bảo Lộc, rồi đến H.Di Linh và cuối cùng dừng chân ở vùng Đà Loan, H.Đức Trọng. Năm 2000, sau 22 năm dạy học, một biến cố lớn đã đến trong cuộc đời bà khi người chồng thân yêu không may bị tai nạn qua đời, từ đó bà nghỉ dạy và trở về Đà Lạt sinh sống cùng gia đình. Về Đà Lạt, bà trở lại với nghề hội họa yêu thích từ thuở bé và thuê mặt bằng mở một phòng tranh ở đường Trương Công Định để mưu sinh. Thế rồi, từ phòng tranh này, mối lương duyên với trẻ mồ côi, cơ nhỡ bắt đầu đến với bà.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TT.Liên Nghĩa, cho biết: “Cô Thanh về đây xây dựng cơ sở này được mấy năm nay. Với tấm lòng bao dung, thương người, cô đã tiếp nhận các cháu mồ côi, lang thang cơ nhỡ về để nuôi dạy, chủ yếu là cho ăn học và một số cháu lớn được cô cho đi học nghề và đã trưởng thành. Chúng tôi rất ủng hộ, tạo điều kiện cho mái ấm này phát triển, giúp các cháu có nơi ăn, chốn ở, phát triển về mọi mặt. Chúng tôi cũng mong rằng, thời gian tới có nhiều mạnh thường quân hơn giúp đỡ về vật chất và tinh thần để mái ấm này ngày càng phát triển, tiếp nhận thêm những trẻ em lang thang, cơ nhỡ về đây sinh sống, học tập, tránh xa các tệ nạn xã hội”.
“Hôm ấy, vào một đêm khuya lạnh lẽo mùa Noel năm 2006, bỗng nhiên tiếng trẻ nhỏ khóc trước cửa phòng tranh làm tôi thức giấc. Linh tính có điều gì đó, tôi vội vàng ra mở cửa thì thấy một chiếc thùng xốp và một bé gái còn nguyên dây rốn nằm trong ấy bị ai đó bỏ ở đây. Không nghĩ ngợi gì, tôi liền bế bé vào nhà sưởi ấm và đưa bé đến bệnh viện. Bé phải nằm lồng kính hết 2 tháng, sau đó tôi đưa về và chẳng thấy ai đến tìm kiếm hỏi han gì về cháu, thế là tôi nhận nuôi luôn. Đến nay cháu đã học đến lớp 8 rồi, gọi con trai tôi bằng bố và gọi tôi bằng bà nội”, bà Thanh kể lại.
 
Niềm vui của các cháu trong mái ấm Nhân Ái. Ảnh: Gia Bình
“Cứ tưởng Đà Lạt sẽ là nơi dừng chân cuối cùng rồi, nhưng không ngờ cuộc sống lại tiếp tục đẩy đưa tôi về lại Đức Trọng. Năm 2009, cuộc sống khó khăn, tôi đành một mình xuống TT.Liên Nghĩa thuê một địa điểm ở đường Lý Thường Kiệt, dời phòng tranh xuống đó để tiếp tục với nghề và chụp hình, viết báo mưu sinh”, bà Thanh tiếp câu chuyện. Thế rồi tại đây, một lần nữa “mối lương duyên” với trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ lại đến rồi gắn chặt với cuộc đời người đàn bà này để bà trở thành một cô giáo, một người mẹ, một người bà của lũ trẻ.
Bà Thanh nhớ lại, vào một buổi chiều mưa tháng 3.2010, khi bà đang ngồi vẽ tranh ở nhà thì thấy 3 đứa trẻ (2 gái, 1 trai), trong đó có 2 cháu cầm xấp vé số ướt mèm đứng co ro trú mưa trước cổng và đến tối vẫn chưa chịu về. Bà mở cửa gọi vào nhà, mấy cháu kêu đói, bà nấu mì cho ăn và hỏi chuyện. Qua câu chuyện, bà biết được cháu lớn là Nguyễn Thị Hồng Thủy (12 tuổi, không có cha, đi ăn xin), kế tiếp là Nguyễn Cao Dũng (10 tuổi) và Nguyễn Thị Anh Thư (7 tuổi, đều bán vé số và không có cha mẹ), tất cả đều không biết chữ. Cả 3 cháu không dám về nhà trọ vì lo sợ bị đánh bởi Thủy không xin được tiền, còn Dũng và Thư chưa bán hết vé số mà không kịp trả lại đại lý. Cảm thương, đích thân bà đưa từng cháu về nhà trọ rồi lấy tiền túi gần 2 triệu đồng để giúp mẹ con Thủy trả tiền nhà trọ trong một tuần và “đền” tiền vé số thừa cho 2 cháu kia. Không chỉ vậy, bà còn gặp người thân của các cháu để xin cho các cháu mỗi ngày dành ra buổi chiều đến phòng tranh để bà dạy chữ, dạy vẽ miễn phí. “Được 4 ngày, mấy cháu lại dẫn bạn bán vé số của chúng đến xin được học chữ, học vẽ, rồi dần dần số lượng ngày một tăng và hầu hết đều là trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Học được ít hôm, nhiều cháu xin ở lại phòng tranh, rồi tôi cũng “liều” nhận nuôi luôn các cháu”, bà Thanh cho hay.
 
Mái ấm Nhân Ái của bà Võ Thị Ngọc Thanh. Ảnh: Gia Bình
Lo cho các cháu được học hành, mong có cuộc sống yên vui
Sống một mình đã khó, nay nuôi thêm nhiều cháu, cuộc sống của bà Thanh càng thêm khó khăn. Bà phải lao động vất vả hơn và nhờ người thân, bạn bè, mạnh thường quân chia sẻ hỗ trợ thêm chút ít để có tiền lo cho các cháu ăn học. Năm 2011, từ tiền tích cóp được và mượn sổ đỏ của gia đình, bà tìm mua đất ở vùng ngoại ô thị trấn và gần Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, dựng căn nhà nhỏ để ở cùng các cháu và cũng nhằm cho các cháu đi học gần trường. “Làm gì thì làm, chứ phải cho các cháu đi học đầy đủ. Mong sao các cháu sau này có công việc ổn định và có cuộc sống yên vui. Tuy nhiên để các cháu được đi học thì khó khăn vô cùng bởi không cháu nào có được giấy khai sinh. Tôi phải chạy đi tỉnh này, tỉnh kia tìm kiếm người thân xác nhận mới làm được giấy khai sinh cho chúng”, bà Thanh chia sẻ.
Bà Thanh nhẩm tính, đến nay kể cả số đang ở và lớn lên đi chỗ khác thì đã có tổng cộng 31 cháu, trong đó có 2 cháu đã mất vì bệnh bẩm sinh vô phương cứu chữa. Hiện nay, ở cùng với bà có 9 cháu, cháu nhỏ mới 4 tuổi, lớn thì đã 12 tuổi; ngoài ra có 5 cháu khác chỉ ở buổi trưa, còn buổi chiều được người thân có nhà bên kia sông Đa Nhim đón về. Dù khó khăn, nhưng điều làm bà vui nhất là các cháu đều chăm ngoan, học giỏi và rất lễ phép, cháu lớn biết chăm lo cho cháu nhỏ, biết tự dọn dẹp, trông coi nhà cửa.
Chỉ tay quanh ngôi nhà đang ở, bà “khoe”: “Nhờ tích cóp, đến nay tôi đã mua được tổng cộng 981 m2 đất rồi, trong đó ngôi nhà khoảng 160 m2, cái sân tôi cũng vừa đổ bê tông rộng khoảng 200 m2 lấy chỗ cho các cháu vui chơi. Khu đất này tôi để đó, sau này nếu thuận tiện thì mong sao cho các cháu cùng về xây dựng nhà cửa để ở chung hoặc làm một ngôi nhà lớn để cùng sinh hoạt như anh em một nhà. Tôi cũng lớn tuổi rồi, không biết sống được bao lâu nữa, nhưng từ nay nếu có ai bỏ con ở đây thì tôi cũng nhận nuôi, tuy nhiên nếu cháu nào nhỏ hơn 3 tuổi thì tôi gửi chỗ khác có điều kiện chăm sóc tốt hơn”.
Gia Bình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.