Ánh sáng về làng Canh Tiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

Giờ đây, khi ánh sáng điện lưới quốc gia bừng lên giữa đại ngàn, một cuộc sống mới đang dần hé mở với người dân nơi đây.

1phongsudd.jpg

Những tháng ngày trong bóng tối

Chúng tôi có mặt tại làng Canh Tiến vào một buổi chiều muộn, khi ánh nắng vàng vọt chiếu lên những ngôi nhà sàn nằm nép mình giữa núi rừng. Tiếng trẻ con nô đùa vang vọng trên con đường đất bụi mờ. Nhưng chỉ sau vài giờ nữa, mọi âm thanh ấy sẽ lặng đi, chìm vào bóng tối, bởi ở đây, điện vẫn còn là giấc mơ xa vời.

Dường như nơi đây đêm tối đến nhanh hơn bình thường. Khi mặt trời khuất sau những rặng núi, mọi sinh hoạt gần như chấm dứt. Không có điện, các gia đình nghèo phải thắp đèn dầu, một số nhà đốt củi để có chút ánh sáng. Nhưng ánh sáng yếu ớt ấy không đủ để duy trì cuộc sống một cách bình thường. Cái nghèo ở Canh Tiến không chỉ đến từ địa hình cách trở, mà còn từ sự thiếu vắng nền tảng cơ bản để phát triển. Không điện nghĩa là không có cơ hội, không có cách nào để vượt qua vòng lặp thiếu thốn đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Bà Đinh Sa (75 tuổi), người đã dành phần lớn cuộc đời sống trong cảnh thiếu điện kể lại, trước đây khi trời tối, mọi người chỉ quanh quẩn trong nhà. Bước ra ngoài thì tối đen như mực. Tôi đi đâu cũng phải mang theo đèn pin. Trẻ con học bài cũng chỉ có thể ngồi sát vào ngọn đèn dầu leo lét, mà nhiều khi cũng chẳng đủ dầu để thắp.

Trời tối, làng rơi vào sự tĩnh lặng kỳ lạ, không phải vì người dân muốn nghỉ ngơi, mà vì không có lựa chọn nào khác. Trẻ em học bài khó khăn, người già không dám đi lại vì sợ vấp ngã, mọi hoạt động gần như "đóng băng" sau hoàng hôn. Không có điện, người dân cũng chỉ có thể làm nông nghiệp theo cách truyền thống. Họ làm nương rẫy, nuôi vài con gà, trồng lúa một vụ/năm và phụ thuộc vào "nước trời". Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, không có máy móc hỗ trợ. Anh Đinh Văn Hà, người dân làng tâm sự, ngoài kia người ta dùng máy bơm nước, máy xay lúa, còn chúng tôi thì làm tất cả bằng tay. Mỗi lần cần nước, tôi phải gánh từng gánh lên rẫy. Không có điện, tôi không thể mở rộng chăn nuôi, cũng không thể có một cuộc sống tốt hơn.

Không có điện cũng đồng nghĩa với việc không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Thịt, cá, rau củ chỉ có thể tiêu thụ trong ngày. Muốn bán hàng cũng không được vì chợ xa quá, giao thông khó khăn, lại không thể giữ thực phẩm lâu ngày. Không có điện cũng đồng nghĩa với việc học sinh không thể tiếp cận tri thức như những nơi khác. Em Đinh Thị Mận (học sinh lớp 6) ngập ngừng nói, có những hôm con không đủ dầu để học bài. Mỗi lần phải viết chữ dưới ánh sáng yếu, con rất mỏi mắt. Con chỉ ước lớp học của mình có điện, có máy chiếu như trường học ngoài thành phố.

2pss.jpg
Nhân viên điện lực thao tác đấu nối điện cho dân làng.

Cuộc sống sang trang mới

Ngày 26/4/2025, làng Canh Tiến chính thức hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Điện về mang theo sự đổi thay chưa từng có. Trưởng thôn Đinh Văn Tào phấn khởi, từ nay, điều kiện sinh hoạt và sản xuất sẽ cải thiện đáng kể, mở ra cơ hội phát triển mới. Đặc biệt, cùng với điện lưới quốc gia, hạ tầng giao thông được nâng cấp sẽ giúp bà con thuận lợi hơn trong mọi mặt đời sống và phát triển kinh tế.

Chia sẻ về sự kiện mang tính lịch sử với người dân Canh Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết: Việc hoàn thành dự án không chỉ có ý nghĩa với riêng làng Canh Tiến mà còn mở ra một bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ nay, người dân đã có điện lưới quốc gia ổn định, chất lượng cao, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, học tập… thay cho việc phải sống nhờ vào điện mặt trời hay máy phát điện diesel không ổn định, chi phí cao. Tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hạ tầng viễn thông cùng đường giao thông kết nối, tạo nền tảng vững chắc cho Canh Tiến phát triển.

Chúng tôi rời Canh Tiến khi mặt trời bắt đầu lặn, nhưng lần này không phải trong bóng tối mà trong ánh sáng của ánh đèn chiếu rọi trên những ngôi nhà sàn. Trẻ em chạy trên đường làng, vẫy tay chào khách bằng những nụ cười háo hức. Ngày hôm nay, làng Canh Tiến không còn là vùng đất khuất lấp giữa núi rừng mà đã khởi động những bước đi hòa nhập vào sự phát triển của khu vực.

Theo Bài và ảnh: LƯƠNG TÙNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null