
Quảng Nam là một trong số ít các địa phương trên cả nước còn có voi hoang dã trong tự nhiên. Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi ngược rừng lên vùng núi huyện Bắc Trà My và Nông Sơn (cũ) nay là huyện Quế Sơn để tìm hiểu về loài vật to lớn này đang còn hiện diện trên những cánh rừng nguyên sinh gần làng.
Đàn voi rừng Nông Sơn trong trí nhớ
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người dân vùng núi huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước thường truyền tai nhau rằng: vào rừng gặp những ông voi to bằng tảng đá là chuyện như cơm bữa.
Khi ấy, rừng còn rậm rạp, ít bị xâm hại. Ông Nguyễn Văn Bình - người dân sống tại thôn Cấm La, xã Quế Lâm, huyện Quế Sơn cho biết trước đây, người và voi dường như không có xung đột.
Từ những năm 1980 đến sau này, rộ lên nạn đào vàng trái phép, khai thác gỗ lậu nên đã thu hẹp dần diện tích sống của voi. Cũng do nạn đào vàng mà nhiều con voi bị rớt hầm thiệt mạng.

Ông Nguyễn Văn Bốn, xã Quế Lâm - thợ đi rừng nhớ lại: Hồi mới giải phóng được mấy năm, các tay săn voi ngoại tỉnh vác AK, xẻ rừng khu vực Nà Lau - nơi voi sinh sống săn voi để lấy ngà. Hồi ấy người dân khó khăn, lại chưa biết bảo tồn voi nên mỗi khi nghe tiếng súng nổ, nhiều người vào rừng lấy thịt voi về ăn.
Do săn bắn và thu hẹp sinh cảnh sống, một số con voi già đã vào rừng sâu. Sau đó vài năm, người dân Quế Lâm, Quế Ninh cứ tưởng voi rừng đã tuyệt chủng.
Tầm 15 năm nay, khi nạn đào vàng hạn chế, tình trạng săn voi lấy ngà không còn, đàn voi trở lại khu vực Nà Lau - gần với làng Cấm La khiến dân làng mừng nhưng lo. Mừng là voi hoang dã còn tồn tại. Lo là voi thường xuyên về đến làng.
Xung đột giữa người và voi
Trước đây, khi người dân chưa phá rừng trồng keo, cây cao su chưa có mặt trên vùng đất Hiệp Đức, Nông Sơn, Bắc Trà My, voi ít khi tấn công người.

Cũng gần 20 năm, có một cán bộ kiểm lâm đi bắt gỗ lậu bị voi tấn công, sau đó bị liệt toàn thân. Còn tại vùng giáp ranh 3 huyện Bắc Trà My - Hiệp Đức - Tiên Phước cũng có đàn voi rừng rất hung hãn.
Khu vực voi thường xuyên sinh sống là dọc sông Tranh - giáp giữa xã Trà Đốc và xã Tiên Lãnh. Còn nhớ, năm 2003, chính đàn voi này đã quật chết một người dân tại xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước khi người này đi rừng. Năm 2005, một con voi nặng gần một tấn đã đi lạc xuống thị trấn Trà My. Cách đây 3 năm, người dân ghi nhận đàn voi này còn 2 cá thể thì nay chỉ còn một con.
Trở lại câu chuyện xung đột giữa người và voi, khi thức ăn khan hiếm, rừng tự nhiên bị thu hẹp, đàn voi rừng ở Quảng Nam ngày càng áp sát làng. Tần suất voi tấn công người dân càng tăng lên. Tỉnh Quảng Nam đã tìm cách bảo vệ người dân và bảo tồn đàn voi hoang dã này, bằng cách lập khu bảo tồn, khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
Năm 2017, Quảng Nam thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam. Đây là khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đầu tiên của nước ta. Diện tích khu bảo tồn rộng 19 ngàn héc ta, trong đó 13 ngàn héc ta là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Điều đáng nói là diện tích khu bảo tồn đã ôm trọn đất rừng sản xuất của hàng ngàn hộ gia đình thuộc 22 thôn vốn sống dựa vào rừng.
Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ, thay đổi sinh kế cho người dân, đến nay đã gần 8 năm, số người sống phụ thuộc vào rừng giảm dần. Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam cho biết: phương châm của bảo tồn là chặn đường người dân vào rừng cấm, và mở sinh kế khác cho người dân.
Đến thời điểm này, người dân hầu như không vào vùng lõi khu bảo tồn để bẫy thú, đốn gỗ. Muốn vào rừng phải đăng ký và được giám sát chặt chẽ. Riêng hàng trăm héc ta đất rừng vốn thuộc về lâm phận khu bảo tồn, người dân đã trồng keo, thu hoạch xong, khu bảo tồn tiến hành trồng lại rừng tự nhiên, khôi phục hệ sinh thái và sinh cảnh sống của voi. Đa số người dân vùng đệm khu bảo tồn ủng hộ chủ trương bảo vệ rừng, bảo vệ voi.
Thận trọng vào rừng
Khu bảo tồn voi có 60 cán bộ và nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách. Họ chia nhau đi tuần tra, theo dõi biến động của rừng, động vật hoang dã và cập nhật vào hệ thống quản lý của cơ quan chức năng.

Khi cơn mưa trái mùa vừa dứt, chúng tôi vào khu vực vừa ghi nhận đàn voi đi qua. Theo các nhân viên bảo vệ rừng, voi thường di chuyển theo thói quen trong phạm vi rộng lớn.
Việc tiếp cận gần đàn voi tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Vào giờ trưa, voi thường đứng yên nghỉ ngơi. Do rừng có nhiều dây leo, bụi rậm nên việc quan sát rất khó khăn. Nếu không thận trọng, tiếp cận quá gần sẽ bị voi tấn công ngay.
Nếu voi trong giai đoạn nuôi con nhỏ, tập tính bảo vệ con non nên sẽ rất hung dữ. Cũng theo ông Mai Văn Dưỡng, mỗi khi vào rừng, nhân viên bảo tồn voi thường dắt theo chó để cảnh giới trước.
Hiện nay, đơn vị này đã đặt 35 máy ảnh chuyên dụng trong khu bảo tồn để quan sát đàn voi. Các máy ảnh chuyên dụng hoạt động liên tục trong rừng từ 1 đến 3 tháng. Cùng với đó, các thiết bị bay không người lái cũng được nhân viên khu bảo tồn theo dõi lộ trình voi đi qua.
Nhiều ngày lặn lội khắp các cánh rừng, qua theo dõi dấu vết cũng như hình ảnh thu thập được, giám đốc khu bảo tồn voi cho biết, đàn voi trong khu bảo tồn hiện có 8 cá thể, trong đó có các con non vài tuổi. Đây được xem là quần thể voi châu Á có cấu trúc đàn khá hoàn chỉnh và đang sinh trưởng tốt. Từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận trường hợp đàn voi về làng, phá hoại hoa màu của người dân.
Theo báo cáo mới nhất của Khu bảo tồn voi, qua công tác nghiên cứu, bẫy ảnh và giám sát đàn voi, khu bảo tồn voi đã phát hiện được nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm, như: mang lớn Trường Sơn, voọc chà vá chân xám, khỉ mặt đỏ, thỏ vằn Trường Sơn, trĩ sao…

Đây được xem là dấu hiệu tích cực khi hệ sinh thái được phục hồi. Nhờ tuần tra, truy quét rốt ráo nên nạn bẫy bắt động vật rừng đã giảm hẳn. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất hiện nay là người dân thiếu đất sản xuất, nhất là đất trồng keo nên thường xuyên gia tăng áp lực lên khu bảo tồn.
Nhiều đối tượng phá rừng còn đe dọa nhân viên bảo tồn voi khi ngăn chặn nạn xâm chiếm đất rừng. Một nỗi lo khác đó là lâu nay, khu bảo tồn thuộc huyện Nông Sơn. Đầu năm 2025, huyện Nông Sơn sáp nhập vào huyện Quế Sơn, sắp đến đây không tổ chức chính quyền cấp huyện, chưa biết 60 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng khu bảo tồn voi đi về đâu.
Theo ông Mai Văn Dưỡng, nếu đưa chức năng, nhiệm vụ khu bảo tồn voi về Sở Nông nghiệp và Môi trường hoặc sáp nhập vào vườn Quốc gia Sông Thanh sẽ tinh giản được bộ máy, nâng cao được năng lực bảo vệ rừng, bảo vệ và bảo tồn sinh cảnh voi.
Hiện tại, khu bảo tồn đang xây dựng đề án du lịch sinh thái kết hợp ngắm voi hoang dã. Tất cả sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng và có cách để voi đến những khu vực an toàn cho mọi người ngắm. Đây là mô hình đã áp dụng thành công ở nhiều nước, phù hợp với phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mà Quảng Nam đang theo đuổi.
Quảng Nam hiện có hơn nửa triệu héc ta rừng nguyên sinh và là một trong 200 vùng đa dạng sinh học tiêu biểu toàn cầu. Mỗi năm, địa phương thu gần 200 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng và tái đầu tư thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng. Quảng Nam cũng đầu tư rất lớn để phục hồi đa dạng sinh học và đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về kết quả đạt được. Với diện tích rừng hiện có, nếu đề án bán tín chỉ carbon được phê duyệt, Quảng Nam dự kiến thu thêm hàng trăm tỷ đồng từ diện tích rừng hiện có.
Theo Phóng sự của ĐỖ VINH (baoquangnam.vn)