Kỳ bí chuyện săn voi trắng qua lời kể của một gru cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Y Khiă (buôn Tunr, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là gru cuối cùng có cấp bậc lớn ở xứ sở voi. Bây giờ, ông là thầy cúng voi, vào những dịp lễ hội trong tỉnh, ông luôn được mời để cúng sức khỏe cho voi và cho chủ voi.
Cuộc đi săn kỳ bí
Trong ngôi nhà dài giữa buôn Tunr, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), đôi mắt buồn miên man của ông Y Khiă, hay còn gọi là Ma Đer chợt bừng sáng khi chúng tôi nói muốn nghe chuyện đi săn voi rừng. Ký ức ngày trước ùa về khiến ông trở thành người độc thoại của cuộc trò chuyện:
Khoảng 14 tuổi, ông đã mình trần đóng khố theo các gru đi bắt voi con. Cuộc đời đi săn của ông đã bắt được 36 con voi, trong đó có một con voi trắng. Ông được phong là gru Tuhey (Gru 100). Cấp bậc lớn trong các gru, hiện tại, ông là gru lớn cuối cùng ở vương quốc voi này.
 
Già Y Khiă (ngồi bên phải) kể về hành trình săn voi của mình. Ảnh: Mộc Miên.
Ông kể: Ngày ấy, ông cưỡi trên con voi dũng mãnh, thông minh có tên là Gurny lao vào rừng sâu, bắt những chú voi con về thuần dưỡng. Trong chuyến đi săn vào một ngày mùa khô năm đó, cũng như thường lệ, ông thực hiện các lễ cúng đầy đủ.
Một tuần rong ruổi trong rừng sâu, khi xác định được vị trí ẩn cư và quy trình sinh học của bầy voi, tất cả người trong đội mai phục, ông nhìn thấy trong đàn voi ấy có một con voi màu trắng và xác định phải bắt bằng được.
Loài voi trắng rất lanh lẹ, khó bắt và thuần phục, tuy nhiên, Gurny là chú voi săn rất giỏi nên việc bắt bạch tượng không gặp khó khăn. Lặng người một lúc, giọng ông chợt nghẹn lại: Đó là chuyến đi săn cuối cùng của Gurny. Khi bắt bạch tượng về, khoảng 3 tháng sau, Gurny đã qua đời, lúc này, Gurny mới 30 tuổi.

Voi trắng được coi là loài voi linh thiêng, đồng bào quan niệm voi này là vua của các loài voi. Khi săn được voi trắng đưa về buôn phải chuẩn bị mọi lễ vật màu trắng: Gà trắng, lợn trắng, trâu trắng... làm lễ cúng thần linh, sau đó già đã tặng con bạch tượng này cho một người ở huyện khác.


Theo ông Y Khiă, trong suốt hành trình đi săn, đội săn phải liên tiếp thực hiện các lễ cúng, nấu cơm, múc nước, ăn, ngủ, nghỉ... đều phải cúng. Trong đội săn bao giờ cũng có thứ bậc. Thứ bậc được phong theo chiến tích là số lượng voi mà người đó bắt được.
Việc phong bậc được tiến hành bằng một lễ cúng có sự chứng kiến của những người có vị thế trong buôn làng. Thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, khi tự mình bắt được 5 con voi rừng sẽ được mặc quần áo, che mưa, ăn cá màu trắng.
Bắt được từ 20 con thì được phong bậc gru (dũng sĩ săn voi). Gru là bậc cao nhất trong nghề săn voi, lúc này, người đó có thể tự dẫn quân đi săn voi rừng và toàn quyền trong chuyến đi săn đó. Những gru muốn đạt đến đẳng cấp thượng thặng phải săn được bạch tượng (một con bạch tượng gần bằng 100 con voi đen). 
Sau khi săn được 30 con voi đen, bạch tượng là con thứ 31 ông Y Khiă bắt được. Sau khi voi săn Gurny mất, ông mua một con voi săn khác tên là Tok về thuần dưỡng, săn thêm 5 con voi đen. Lúc này, việc săn voi bị Nhà nước cấm nên đồng bào nơi đây đã bỏ nghề.
Tiếng vọng từ đại ngàn
Buổi chiều ở huyện vùng biên không còn nắng gắt bầu trời dịu nhẹ với một màu xanh thẳm, khuôn mặt già Y Khiă bừng lên niềm kiêu hãnh khi kể về chuyện xưa lẫn chuyện nay. Xưa kia, nơi đây rừng ngút ngàn, nước cuồn cuộn tuôn chảy, voi đua nhau tắm ở bến Tha Luống.
Bến Tha Luống, theo tiếng Lào nghĩa là bến vua. Khi xưa, bến này là nơi dừng chân của vua Bảo Đại mỗi lần đi săn tại Bản Đôn, vua Bảo Đại thường đến đây ngồi thư giãn, câu cá và tắm cho voi tại bến này. Từ đó, vào các mùa lễ hội dù lớn hay nhỏ, địa phương đều tổ chức lễ cúng sức khỏe, tắm cho voi tại nơi này.
Bây giờ, không gian tự nhiên dành cho voi ngày càng bị thu hẹp. Voi không còn cảm hứng để “yêu”, để sinh sản. Voi là loại khá kín đáo trong chuyện phòng the. Nếu không có một sinh cảnh thích hợp và đức lang quân vừa ý thì chuyện ấy khó xảy ra.
Những con voi bắt được hương tình của nhau nhưng đành bất lực bởi những sợi dây xích oan nghiệt. Có lẽ, đó là câu trả lời tại sao trong ngần ấy năm, chưa có một bé voi ra đời trong điều kiện nuôi nhốt.
 
Gìa Y Khiă chuẩn bị cúng sức khỏe cho voi và chủ voi. Ảnh: Mộc Miên
Trong câu chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer Y Du Knul, được biết, trước đây, người M’nông nuôi voi phải kiêng kỵ nhiều điều. Voi rất kỵ chuyện tình cảm nam nữ. Những gia đình nuôi voi càng tôn trọng điều này. Ở trong buôn, nếu người con gái có thai mà chưa được cưới hỏi thì người già nhìn vào voi sẽ thấy biểu hiện voi đang bình thường tự nhiên buồn, bỏ vào rừng, nước mắt chảy.
Những gia đình nuôi voi sẽ biết có chuyện trái đạo lý, họ sẽ tổ chức cúng cho voi, người vi phạm phải đến từng nhà có voi để xin lỗi, xuống bến nước tắm rửa tội. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, bây giờ ở xã này không còn voi nữa.
Chúng tôi ra về khi ánh hoàng hôn phủ dần lên buôn làng, từ sâu thẳm ánh mắt của người dân tộc bản địa tràn ngập sự lo âu. Trong tĩnh lặng ấy, chúng tôi nghe được cả tiếng trở mình của những già làng tâm huyết với voi.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 con voi nhà và khoảng 80 - 100 cá thể voi rừng. Trong những năm qua, nhiều voi nhà, voi rừng chết với nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ năm 2012 đến nay, có 10 con voi nhà chết; từ năm 2009 đến nay, có 25 con voi rừng chết.
Dân Việt/Theo Mộc Miên (Báo Biên phòng)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.