Ayun Pa "tiếp sức" phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu là mục tiêu được Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) cụ thể hóa thông qua nhận ủy thác và triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Chị Ksor Huế (buôn Phu Ma Nher II, xã Ia Rtô) có khát vọng làm giàu nhưng thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất. Thông qua nguồn vốn vay do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị được vay 50 triệu đồng. Với số vốn này, chị mua bò sinh sản, heo rừng lai, đầu tư chăm sóc 1 ha mì và 4 sào lúa nước. Chăm chỉ, siêng năng và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế của chị nhanh chóng mang lại hiệu quả. Đến nay, thu nhập của gia đình chị đạt trên 100 triệu đồng/năm. Chị đã trả được phần lớn vốn vay và đầu tư mở rộng sản xuất. Chị Huế cho biết: “Ban đầu, mình nuôi bò sinh sản. Khi có lợi nhuận từ việc bán bê con thì đầu tư chăn nuôi heo rừng lai. Số vốn nhỏ nên mình đầu tư từng bước, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại ổn định. Mình còn làm nhà vệ sinh trị giá 18 triệu đồng, góp phần thực hiện chỉ tiêu về vệ sinh trong xây dựng nông thôn mới”.
Hội LHPN xã Ia Rtô triển khai hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Hội hiện có 648 hội viên tham gia sinh hoạt ở 5 chi hội. Hàng năm, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để giới thiệu, tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh… Cách làm này đảm bảo không bỏ sót hội viên nghèo. Đến nay, tổng dư nợ do Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho hội viên vay là hơn 9 tỷ đồng. Nguồn vốn vay giúp nhiều chị em có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, thoát nghèo và làm giàu. Chị Mang Thị Tuyết Như-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: “Thông qua nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chúng tôi triển khai thành 4 tổ vay vốn, thường xuyên kiểm tra các hình thức đầu tư sản xuất của chị em. Mô hình kinh tế nào hiệu quả, chúng tôi nhân rộng để chị em trong tổ vay vốn học tập vận dụng. Nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập khá, có cuộc sống ổn định”. 
Phụ nữ xã Ia Rtô phát triển đàn bò sinh sản nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Minh Châu
Phụ nữ xã Ia Rtô phát triển đàn bò sinh sản nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Minh Châu
Thị xã Ayun Pa hiện có 2.330 hộ hội viên phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ 79,5 tỷ đồng. Qua thống kê, 8 cơ sở Hội thuộc các xã, phường không còn nợ quá hạn; 41 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Mến-Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã-cho biết: “Để quản lý tốt nguồn vay, Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, đồng thời chỉ đạo các Hội cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ các mô hình thực tế như nuôi bò sinh sản, heo rừng lai, trồng cây ăn quả hay các mô hình nông nghiệp kết hợp cho thấy chị em sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, phù hợp, phát huy hiệu quả. Các mô hình có sự lan tỏa rất nhanh thông qua truyền thông, mạng xã hội được chị em chia sẻ, học hỏi lẫn nhau và thi đua lao động sản xuất, tạo nên phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế sôi nổi”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã cho biết thêm: Thị xã có 49 chi hội với 6.351 hội viên. Hiện vẫn còn nhiều hộ hội viên chưa được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vì vậy, giúp hội viên phụ nữ tiếp cận vốn vay ưu đãi để làm ăn, nâng cao thu nhập sẽ góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây là nhiệm vụ quan trọng được Hội LHPN thị xã tập trung thực hiện trong thời gian tới.
MINH CHÂU - BÍCH HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.