Ayun Pa: Nhiều trường học tạm dừng thu các khoản ngoài học phí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 5-10, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiếp tục làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Ayun Pa và một số cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn về việc thu-chi các khoản ngoài học phí năm học 2021-2022 và đầu năm học 2022-2023.

Bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi khảo sát. Dự làm việc có đại diện Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục chính trị và Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT); lãnh đạo HĐND, UBND thị xã Ayun Pa; Ban Giám hiệu, bộ phận chuyên môn và Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của các trường được khảo sát.

 Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Mộc Trà


Theo Phòng GD-ĐT thị xã Ayun Pa, toàn thị xã có 22 trường công lập và 1 trường tư thục từ bậc mầm non đến THCS với 9.067 học sinh. Năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện kêu gọi tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3-8-2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Nội dung kế hoạch xin tài trợ chủ yếu trang bị bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và hỗ trợ các hoạt động giáo dục (khen thưởng, ngoại khóa...). Các trường tiểu học có bán trú còn thực hiện những khoản thu để phục vụ chăm sóc trực tiếp cho người học; thu tiền học buổi thứ 2 đối với học sinh học 2 buổi/ngày theo thực tế tiết dạy (mức thu đủ để chi trả cho giáo viên dạy tăng tiết). Các trường mầm non không có giáo viên biên chế dạy lớp 3-4 tuổi thu tiền để trả lương cho giáo viên hợp đồng trực tiếp dạy các lớp này theo đề án xã hội hóa giáo viên mầm non 3-4 tuổi do thị xã ban hành.

Năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã tạm xây dựng khoản thu ngoài học phí tương tự như năm học trước, tuy nhiên, đến nay, các trường bậc tiểu học và THCS đều đang tạm dừng thu để chờ HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hướng dẫn; riêng các cơ sở giáo dục mầm non đã tạm thu tiền ăn và một số khoản phục vụ cho hoạt động bán trú theo đúng hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại Công văn số 2300/SGDĐT-KHTC ngày 7-9-2022.

Tại buổi khảo sát, đại diện các trường: THPT Lý Thường Kiệt (phường Hòa Bình), Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô), Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Sông Bờ), Mẫu giáo Sao Mai (phường Đoàn Kết) cũng đã báo cáo cụ thể về tình hình thu-chi các khoản ngoài học phí năm học 2021-2022 và đầu năm học 2022-2023 của đơn vị. Theo đó, với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, cả 4 trường đều hạn chế các khoản thu ngoài học phí; chủ yếu là thu tiền ăn bán trú, trả lương cho nhân viên cấp dưỡng, phí vệ sinh, quỹ hỗ trợ giáo dục, nước uống, giấy thi...

Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của các thành viên trong đoàn, đơn vị trường học, lãnh đạo địa phương và ngành GD-ĐT, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Võ Thị Bảo Ngân chia sẻ với những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải trong việc thu-chi các khoản ngoài học phí; đồng thời, đề nghị các trường phải triển khai thu đối với các khoản trong quy định. Riêng những khoản thu dịch vụ, các đơn vị cần rà soát, cân đối lại cho phù hợp và chỉ được phục vụ cho người học, không được sử dụng vào mục đích khác. Các khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện cần có sự đồng hành, giám sát của nhà trường. Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương và các đơn vị, đoàn sẽ ghi nhận và tổng hợp vào báo cáo khảo sát, làm cơ sở cho việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết liên quan vào kỳ họp cuối năm 2022.
 

MỘC TRÀ
 

 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.